4 thg 8, 2021

Đền Phù Đổng - Nơi lưu giữ những trang vàng lịch sử chói lọi của dân tộc

Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa. Đây là quê hương của người anh hùng thần thoại mà theo truyền thuyết đã đánh tan giặc Ân thời vua Hùng thứ 6. 


Đền Phù Đổng hay đền Thánh Gióng được xây dựng tại xã Phù Đổng (làng Gióng) thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội 17km về hướng Đông Bắc. Năm 2013, đền Phù Đổng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Phù Đổng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, nơi đây nổi tiếng với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đền Phù Đổng hay còn gọi là đền Thánh Gióng. Ảnh: Hải Ngọc

Tiêu biểu là người anh hùng làng Gióng "Phù Đổng Thiên Vương" – một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam – còn in đậm trong tâm thức người dân Việt với những câu chuyện được truyền lại qua bao thế hệ về một cậu bé lên 3 tuổi đã đánh tan giặc Ân xâm lược, bảo vệ đất nước.

Nằm nép mình dưới đường đê, đền Phù Đổng ngự trên một khu đất đẹp, tương truyền được xây dựng trên chính nền ngôi nhà cũ nơi Thánh Gióng sinh ra. Đền Phù Đổng còn được gọi là đền Thượng, còn đền Hạ thờ mẹ của Thánh Gióng nằm ngoài đê, gần nơi được cho là có dấu chân khổng lồ mà bà đã ướm thử rồi sinh ra Thánh Gióng.

Ngôi đền chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn. Ảnh: Hải Ngọc

Trước sân, ngay sát chân đê có ao rộng, nơi hàng năm tổ chức múa rối nước vào ngày hội. Trong ao, dưới bóng cây đa cổ thụ cành lá xum xuê, là ngôi thuỷ đình xinh xắn.

Thuỷ đình được dựng theo kiểu "mái chồng" từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) với nhiều bức chạm tinh vi trên gỗ, mà đề tài là những cảnh sinh hoạt dân gian: người chăn dê, người thổi ống xì đồng… Thuỷ đình mang nhiều yếu tố dịch học mà trên đó những mảng chạm nói nên những ước vọng của dân chúng.

Năm 1010 khi rời đô về Thăng Long, Vua Lý Thái Tổ đã cho dựng đền, đến nay đã được trùng tu nhiều lần. Ngôi đền chủ yếu là những mảnh ghép của những công trình thời Lý, thời Lê Trung Hưng, thời nhà Nguyễn và có cả những phần mang màu sắc đương đại.

Đền Phù Đổng mang giá trị nghệ thuật cao, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của lịch sử dân tộc. Ảnh: Hải Ngọc 

Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích đền Phù Đổng còn được khẳng định qua hệ thống di vật, cổ vật, mang tính đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, trong đó, phải kể đến 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn; hệ thống bia đá, rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, long ngai, kiệu, hương án, tượng thờ, bát bửu…, mang giá trị nghệ thuật cao, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của lịch sử dân tộc, hàm chứa những quan niệm, triết lý nhân sinh sâu sắc.

Phù Đổng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa. Ảnh: Hải Ngọc

Hằng năm, lễ hội Gióng truyền thống tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm sẽ diễn ra từ ngày 6 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch. Lễ hội cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hải Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét