14 thg 8, 2021

Vệ nông một thuở

Từ xa xưa cho đến tận bây giờ, người dân Quảng Ngãi vẫn luôn giữ lấy nghề nông. Vậy nên, trong hương ước của nhiều làng quê xứ Quảng, người xưa luôn đề cập đến việc vệ nông, với mong muốn người làng sẽ cùng nhau gánh vác trách nhiệm đảm bảo nước tưới, bảo vệ hoa màu...

Ra sức đắp đập, vét mương

Quan niệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nên vấn đề tưới, tiêu nước, tức là công tác thủy lợi luôn được người Quảng xưa đặc biệt lưu ý. Trong hương ước các làng Diên Trường (TX.Đức Phổ), Diên Niên (Sơn Tịnh), Long Phụng, Thi Phổ Nhì, Quýt Lâm (Mộ Đức)... đều có rất nhiều điều khoản liên quan đến việc đắp đập, vét mương.

Đập Phước Khánh - con đập nước chung mà người dân hai làng Thi Phổ Nhất và Thi Phổ Nhì (Mộ Đức) từng ra sức đắp, tu bổ hằng năm. Ảnh: Ý THU

Trong hương ước làng Quýt Lâm, tổng Ca Đức, phủ Mộ Đức (nay là một phần xã Đức Phong, huyện Mộ Đức), người làng ngày ấy đã tỉ mỉ ghi chép vào hương ước về độ sâu, chiều dài và chi phí đắp đập cho cả thảy 6 đập nước của làng. Điều này cho thấy, các đập nước cung cấp nước tưới cho nông nghiệp rất được người làng Quýt Lâm ngày ấy coi trọng.

Lần giở hương ước, còn tỏ tường thêm rằng, người làng Quýt Lâm còn có hẳn một quỹ riêng phục vụ cho công tác đắp, bảo dưỡng đập nước. Quỹ này có được nhờ vào tiền thu từ các ruộng lúa sử dụng nguồn nước từ đập. Trong đó, ruộng nhờ vào đập nước cả 2 mùa là 280 mẫu, thâu về được 112 đồng bạc, ruộng một mùa có 90 mẫu, thâu về được 130 đồng bạc. Từ số tiền thu về, làng Quýt Lâm mỗi năm trích ra 12 đồng để sắm vật phẩm cúng lễ Thượng điền, Hạ điền; trích 53 đồng mua vật liệu đắp đập...

Xem nông chánh là việc quan trọng nhất, nên người Quảng Ngãi ngày trước còn lựa bầu người có công tâm, có ruộng đất làm đê trưởng để chăm lo các đập nước, và người có gia tư siêng năng làm tri yển để trông coi ruộng đồng.

Ở làng Thi Phổ Nhì, tổng Lai Đức, phủ Mộ Đức (nay là một phần xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức), vì làng chung đắp một cái đập với làng Thi Phổ Nhất tại địa phận Phước Khánh Đông, nên hai làng đã cùng bầu ra đê trưởng và tri yển đảm nhận trọng trách thu tiền, mua vật liệu, mướn người đắp đập, vét mương. Những điều này, đều được người làng Thi Phổ Nhì ghi chép rõ ràng vào hương ước, đủ để thấy tầm quan trọng của công tác đắp đê, hộ đê trong lòng người xưa.

Để tăng tinh thần trách nhiệm của người dân trong hộ đê, trong hương ước làng vào năm 1937, làng Diên Trường, tổng Phổ Vân, phủ Đức Phổ (nay là một phần xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ) quy định rõ rằng, trong làng có 5 con đập chung, nếu người làng có ruộng mà không chung sức đắp đập thì sẽ bị phạt tiền. Còn làng Long Phụng, tổng Lai Đức, phủ Mộ Đức, bên cạnh việc ra sức kêu gọi người dân bảo vệ các bờ xe nước ven sông Vệ, cũng quy ước, hễ bờ xe nước bị trôi thì điền hộ và nhân dân phải tiếp cứu. Nếu các nhà ở gần bờ xe ấy, có người nào bất tuân thì bị lý hương phạt bạc mỗi người 2 giác.

Hương ước của 8 làng trong tỉnh gồm: Phủ Lễ, Nam An, Diên Niên, Long Phụng, Thi Phổ Nhì, Quýt Lâm, An Chỉ, Diên Trường được ngành văn hóa thông tin Quảng Ngãi sưu tầm và ấn loát trong sách Hương ước Quảng Ngãi (năm 1996) là các hương ước có niên đại từ năm 1937 - 1938. Cả 8 hương ước đều có các điều khoản về vệ nông. Theo ghi chép tại tất cả các hương ước, thì những điều khoản liên quan đến vệ nông không phải bắt đầu được người làng quy định trong khoảng thời gian hương ước ra đời, mà một phần dựa theo tục xưa của làng.

Nghiêm cấm các hành vi ảnh hưởng sản xuất

Song song với việc ra sức đảm bảo nước tưới cho các xứ đồng, người Quảng ngày trước còn nghiêm khắc với những hành vi vô ý thức làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trong hương ước các làng Nam An, Phủ Lễ (Bình Sơn), Diên Trường (Đức Phổ), Diên Niên (Sơn Tịnh), Long Phụng, Thi Phổ Nhì, Quýt Lâm (Mộ Đức) việc gìn giữ hoa màu, chống trộm cắp, không cho vịt phá lúa, đảm bảo công bằng trong sử dụng nguồn nước tưới... đều được ghi chép tỉ mỉ.

Trong hương ước làng mình vào năm 1938, người dân Phủ Lễ, tổng Bình Thượng, phủ Bình Sơn (nay là một phần xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) quy định rõ: “Trong mùa hoa lợi, cấm không được thả trâu, bò, heo, gà, vịt, chó ăn phá hoa lợi”, và nếu bị bắt được, thì người có súc vật phải chiếu giá bồi thường và bị phạt bạc hai giác đến một đồng, hoặc phạt dịch từ 1 đến 5 ngày.

Ngày xưa, hương ước nhiều ngôi làng xứ Quảng quy định rằng, người làng khi muốn chăn thả trâu, bò, vịt... trên đồng ruộng đều phải có sự đồng ý của chủ ruộng. Ảnh: Ý THU

Hương ước làng Diên Niên, phủ Sơn Tịnh (nay là một phần xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) cũng dành hẳn một mục gồm 4 điều dành cho việc canh phòng hoa lợi. Trong đó, hoa lợi ngoài đồng như lúa, mía, khoai, mì, đậu... phải đặt tuần đinh canh giữ. Công canh giữ của tuần đinh sẽ được người làm hoa lợi trả bằng lúa. Đến mùa thu hoạch, cứ một trăm ang, tuần đinh thu hai ang. Đổi lại, khi canh giữ hoa lợi, hễ người nào cắt trộm, hái trộm hay thả trâu, bò, heo, dê, ngỗng... phá hoại hoa lợi, tuần đinh bắt được sẽ kiểm tra thực tế và bắt kẻ trộm bồi thường cho chủ ruộng...

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước tưới từ các đập nước, mương nước được điều tiết một cách công bằng đến các ruộng, người Quảng ngày xưa còn có những quy ước rất cụ thể về vấn đề này. Trong hương ước của làng mình vào năm 1937, người làng Thi Phổ Nhì cũng nêu rõ: “Mương cây gáo phía bắc giáp làng Đôn Lương, phía nam giáp mương Cửa Khẩu, người điền hộ nào cản triệt đến nỗi nước không chảy thấu Bầu Tròn thì phạt bạc năm giác để thưởng cho người bắt được người cản triệt”...

Nhờ đề ra những quy định sát sao, gắn chặt với đời sống, sản xuất của người dân như vậy, nên dù ngày xưa, khoa học kỹ thuật chưa được ứng dụng vào sản xuất, hệ thống thủy lợi chưa phát triển đồng bộ như bây giờ, nhưng nghề nông ở Quảng Ngãi vẫn phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu đáng chú ý mà tác giả Nguyễn Đóa - Nguyễn Đạt Nhơn ghi trong tập Địa dư Quảng Ngãi xuất bản năm 1939, tổng diện tích trồng lúa toàn tỉnh Quảng Ngãi ngày ấy đạt 50.000 mẫu, diện tích bắp ước đạt 9.986 mẫu, khoai lang và sắn ước trồng 9.754 mẫu...

Là những quy định xưa, nhưng giá trị ứng dụng lại chưa hề cũ!

Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét