2 thg 12, 2020

Tượng gỗ Tây Nguyên

Tây Nguyên – Vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, ở đó có không gian văn hóa Cồng chiêng, có một trường ca sử thi, có hàng nghìn lễ hội hội truyền thống đặc sắc mà còn có một kho tàng tượng gỗ vẫn âm thầm hiện hữu trong đời sống đồng bào hàng nghìn đời nay. Đến Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thường tìn đến nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ, vì ở đó, có cồng chiêng, có sử thi và có cả tiến trình phát triển và đời sống tâm linh đặc sắc và phong phú của nhân dân các tộc người sinh sống trên vùng đất đỏ Bazan. 
Chủ trương “Bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế, du lịch” cũng được các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum triển khai đồng bộ. Tượng gỗ nhà mồ Tây Nguyên không chỉ còn nằm im lìm trong những nhà mồ linh thiêng mà đã xuất hiện tại các bảo tàng, các địa điểm công cộng, các khu du lịch cộng đồng.

Người Ba Na có câu “Tháng nghỉ làm nhà mồ”. Tháng nghỉ đó là mùa hội, mùa vui, mùa “uống tháng, ăn năm, trâu đâm, lợn mổ”. Sau 30 năm dọc ngang Tây Nguyên tôi nhận thấy rằng, không chỉ người Ba Na mà còn là người Gia Rai, Ê Đê, Cơ Tu… và nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên làm tượng nhà mồ để tổ chức lể bỏ mả hay lễ bỏ ma. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà lễ bỏ mả lại là lễ hội lớn nhất, vui nhất, mang tính văn hóa nhất và mang tính cộng đồng nhất của người vùng Tây Nguyên. Chính tượng nhà mồ - những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân gian độc đáo được ra đời vào những lễ hội thường niên này.
Nhà mồ của các tộc người ở Tây Nguyên không phải là đài tưởng niệm người chết mà là ngôi nhà của người chết với mọi thứ cần thiết cho cuộc sống cho người đó ở thế giới bên kia. Sau lễ bỏ mả, người chết sẽ đem đi ngôi nhà mồ cùng tất cả những gì người sống đã làm cho, chia cho người chết. Vì thế, người vùng Tây nguyên gọi cuộc chia tay cuối cùng là lễ bỏ mả.

Làm mái nhà mồ tộc người Ba Na, làng Pơ Yang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2009). Ảnh: Trần Phong 


Các nghệ nhân ở Tây Nguyên tạc tượng nhà mồ. Ảnh: Trần Phong

Mặt người tộc người Gia Rai, làng Chăm, huyện Ia Grai, Gia Lai (chụp năm 1986). Ảnh: Trần Phong 

Tượng phụ nữ tộc người Ba Ba, làng Đak Gia, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 1986). Ảnh: Trần Phong

Nhà mồ tộc người Ba Na ở làng Bong, xã Lơ Ku, huyện KBang, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2015). Ảnh: Trần Phong

Tượng phụ nữ tộc người Ba Na, làng Đak Gia, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai (chụp năm 2013). Ảnh: Trần Phong

Tượng phụ nữ tộc người Ba Na, làng Bong, xã Lơ Ku, huyện KBang, Gia Lai. (chụp năm 2004). Ảnh: Trần Phong

Tượng đi săn, tộc người Ba Na, làng Brưl, xã Chơ Long, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 1990). Ảnh: Trần Phong

Tượng giã gạo, tộc người Ba Na, làng Đê Nghe Kteh, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai (chụp năm 1986). Ảnh: Trần Phong

Đôi nam nữ đứng trước nhà mồ, dân tộc Gia Rai, làng Kepping, xã Ia Mnông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2014). Ảnh: Trần Phong

Tượng đá bóng, tộc người Gia Rai, buôn Phum, xã Ia Rsiom, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 1986). Ảnh: Trần Phong 

Nhà mồ tộc người Gia Rai, làng Kepping, xã Ia Mnông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai (chụp năm 2006). Ảnh: Trần Phong 

Nhà mồ Tây Nguyên được cấu thành từ hai bộ phận chính, nhà và lối rào bao quanh. Ngôi nhà bên trong vừa có nhiệm vụ che đậy cho nấm mồ phía dưới, chứa của cải người sống chia cho người chết, vừa vươn lên làm khung, làm phông cho những hình chạm khắc, hình vẽ, hình đan, cho những bộ phận trang trí rực rỡ, huyền ảo và sống động. Còn lối vào không chỉ co tác dụng ngăn thú vật mà còn là bộ phận quan trọng tạo nên giá trị thẩm mỹ cho nhà mồ. Những chiếc cột rào bằng gỗ vươn lên cao thành những tượng gỗ - những tượng mồ trầm tư, sinh động thấm đượm triết lý nhân văn của người Tây Nguyên. Và ở đó cũng hình hành nên những tác phẩm điêu khắc dân gian độc đáo của Tây Nguyên.



“Tôi và vùng đất, thời đại tôi đang sống, nguồn mạch văn hóa đang chảy, nguyện làm một “người thư ký” ghi chép lại những câu chuyện đang diễn ra với nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên – nguyện như một dấu gạch nối giữa quá khứ và tương lai”
NSNA Trần Phong
Nếu đến các nhà mồ ở Tây Nguyên ta như lạc vào mê cung của rừng tượng gỗ với nhiều hình tượng khác nhau và cách thể hiện khác nhau. Thế nhưng chỉ cần quan sát và để ý một chút, là sẽ nhận ra hằng số xuyên suốt các nhóm tượng: Hình ảnh về sự sinh thành. Thông thường hai bên của nhà mồ sẽ có một cặp tượng trai gái hoặc đang phô bày cơ quan sinh dục, hoặc đang giao hoan. Đứng bên cặp tượng này là tượng người đàn bà chửa, còn các góc rào chung quanh là tượng những hài nhi đang ngồi.

Nếu thống kê hết tên gọi rồi xếp vào một bản danh mục, ta hẳn phải ngạc nhiên trước sự đa dạng, phong phú về nội dung của tượng nhà mồ Tây Nguyên, vì hầu hết cuộc sống của họ đều được nghệ nhân dân gian thể hiện hết vào tác phẩm của mình. Những con người, những con vật ở lớp tượng thứ hai trong nhà mồ như: người đánh trống, phụ nữ giã gạo, thợ rèn, cô gái và bầu nước, người đá bóng, con voi, con chim… như một bức tranh sinh động về cuộc sống để người chết mang đi sau lễ bỏ mả. Dựa vào những nội dung hình tượng và ngôn ngữ tạo hình, chúng tôi gọi phong cánh thứ hai của tượng mồ Tây Nguyên là phong cánh tả thực – trần thuật, một phong cánh gần gũi với phong cánh của sử thi.

Có lẽ vì thế, những pho tượng nhà mồ ở Tây Nguyên không to lớn vì phải khuôn vào thân cây gỗ cứ nở bung ra và vươn lên trong không gian đại ngàn Tây Nguyên huyền thoại.

Hơn 30 năm với chiếc máy ảnh theo đuổi, ghi chép về tiến trình tượng gỗ, tôi nhận thấy rằng, ngày nay, đi khắp các buôn làng ở Tây Nguyên chúng ta không còn nhiều cơ hội để chiêm ngưỡng những tác phẩm tượng gỗ có giá trị nghệ thuật như nhiều năm trước đây. Bởi, tượng gỗ, nhà mồ đã được hiện đại bằng xi măng, mái tôn. Bởi, lớp nghệ nhân dân gian lớn tuổi đã ra đi. Và bởi, tượng gỗ dần bị suy thoái theo thời gian và có nguy cơ biến mất.

Khu nhà mồ tộc người Ba Na, làng Pơ Yang, thị trấn Kông Chro, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2015). Ảnh: Trần Phong

Lễ bỏ mả tộc người Ba Na, xã Lơ Ku, huyện KBang, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2007). Ảnh: Trần Phong

Lễ bỏ mả tộc người Gia Rai, làng Kepping, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2004). Ảnh: Trần Phong

Uống rượu cần ngày Lễ bỏ mả của tộc người Gia Rai, làng Chep, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. (chụp năm 2011). Ảnh: Trần Phong 

Nhưng cũng thật may mắn, giữa lúc nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên đang trong quá trình biến mất thì Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng Trung ương (khóa VIII) tháng 7 năm 1998, đã ra Nghị quyết chuyên đề về: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên như đang vật lộn trong cơn “hạn hán” như gặp “mưa rào”.

Chục năm trở lại đây, tôi thường đi sáng tác lại các lễ hội Cà phê, Lễ hội cồng chiêng, thậm chí tại các sự kiện lễ trọng của các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kom Tum đã thấy thấp thoáng những màn trình diễn tạc tượng gỗ để du khách thưởng ngoạm. Mặt khác, những nghệ nhân tạc tượng hiếm hoi của các tộc người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai… cũng được nghành Văn hóa mời đi ra Hà Nội, trình diễn nghệ thuật tạc tượng nhà mồ tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại Bảo tàng dân tộc học… Và ở các địa danh đó, những bức tượng gỗ Tây Nguyên được phục dựng, được giới thiệu đến đông đảo công chúng và khách du lịch gần xa. Và ở những nơi đó, tượng nhà mồ không chỉ còn dành cho người đã mất, mà đã dần dần phát huy vai trò, là đường dẫn để du khách biết và tìm đến với Tây Nguyên đại ngàn hoang sơ và huyền thoại.

Cuốn sách ảnh Tượng gỗ Tây Nguyên với những hình ảnh đậm chất nghệ thuật nhưng cũng chứa chan hơi thở cuộc sống, đầy tính thông tin báo chí được của Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Phong kiên trì, nhẫn nại sáng tác trong vòng 30 năm trời, và nhiều hình ảnh, nghi thức văn hóa đó giờ đã mai một.

Bài và ảnh: Trần Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét