11 thg 12, 2020

Kinh lá buông và giá trị văn hóa Khmer

Được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, kinh lá buông ẩn chứa những nét đẹp tinh túy trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi. Đây là nơi lưu giữ những giá trị tri thức cũng như sự sáng tạo độc đáo được người Khmer lưu giữ qua nhiều thế hệ. 

Chùa Soài So (xã Núi Tô, Tri Tôn, An Giang) từ lâu được biết đến là nơi còn lưu giữ kỹ thuật viết kinh trên lá buông của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi. Nơi đó có vị hòa thượng Chau Ty, người nghệ nhân duy nhất nắm rõ những tinh túy của kỹ thuật viết kinh trên lá buông. Tuy nhiên, thời điểm tôi đến ông không có mặt tại chùa nhưng vẫn dặn dò sư phó Chau Bane gặp gỡ phóng viên.

Nói về lý do ra đời của những bộ kinh lá buông, sư Chau Bane cho biết: “Nghe kể lại, kinh lá buông có từ thế kỷ XIX. Hồi trước, vì thiếu sách vở để giáo dục phật tử nên các sư nghĩ ra cách này để viết kinh nhằm lưu giữ được lâu. Tính đến nay, những bộ kinh cổ nhất đã có tuổi đời hàng trăm năm. Sãi cả Chau Ty rất muốn truyền dạy kỹ thuật viết kinh lá buông cho nhiều người cùng biết để giữ gìn truyền thống”. 

Sư Chau Bane giới thiệu về bộ kinh lá buông 

Theo sư Chau Bane, để có được bộ kinh lá buông hoàn chỉnh là quá trình công phu, nhiều tâm huyết. Trước tiên, phải chọn những chiếc lá buông đủ lớn, không bị rách mang về chùa. Sau đó, các sư mang lá đi phơi nắng cho đủ khô nhằm đảm bảo những bộ kinh không bị ẩm mốc. Khi đã có đủ số lá cho một bộ kinh, các sư bắt tay vào công đoạn viết chữ. Những nét chữ Pali hoặc chữ Khmer cổ được các sư cẩn thận, tỉ mỉ, chăm chút sao cho thẳng hàng, ngay lối và đẹp mắt. Bởi, mỗi một bộ kinh hoàn thành sẽ trở thành “di sản” cho đời sau nên chất chứa nhiều tâm huyết của người viết.

“Giai đoạn trước đây, kỹ thuật viết kinh chỉ được chân truyền cho các đệ tử giỏi nhất nên không nhiều sư sãi biết được. Bây giờ, kinh lá buông cần được bảo tồn nên nhiều người có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật này. Bản thân sư cũng được hòa thượng Chau Ty dạy bảo mới biết cách viết kinh lên lá buông. Sư ráng học hỏi để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - sư Chau Bane chia sẻ.

Về nội dung, kinh lá buông thể hiện những lời dạy của đức Phật, những câu vè, câu chuyện dân gian, trò chơi dân gian gắn liền với văn hóa của đồng bào DTTS Khmer. Vì chủ yếu giảng giải giáo lý của đức Phật, khuyên bảo con người hướng thiện nên những bộ kinh lá buông mang giá trị văn hóa vô cùng độc đáo. Ở kinh lá buông, người ta nhận ra những nét đẹp dung dị trong tâm hồn người Khmer qua nhiều thế hệ, nhất là những lời Phật dạy được thấm nhuần và đi vào đời sống hàng ngày của họ. 

Các bộ kinh lá buông tại chùa Soài So 

Đặc biệt, sự độc đáo của kinh lá buông còn nằm ở cách những người Khmer sáng tạo ra nó. Để viết chữ trên lá buông, họ dùng một loại bút đặc biệt được làm bằng gỗ, vừa tay cầm, một đầu có mũi nhọn bằng kim loại gọi là đek-cha để “khắc” chữ lên lá buông. Những nghệ nhân như hòa thượng Chau Ty có thể viết khoảng 6 lá kinh/ ngày. Với các đệ tử, con số này sẽ ít hơn. Mỗi bộ kinh có độ dài từ 20-60 lá. Như vậy, việc hoàn thành một bộ kinh thực sự là kỳ công! Khi công việc khắc chữ hoàn thành sẽ tẩm lên lá buông một hỗn hợp gồm nước, dầu lửa và than. Khi đem phơi khô, những dòng chữ sẽ hiện ra rõ nét và đẹp mắt.

Hiện nay, nguồn lá buông để viết kinh khá khan hiếm. Do vậy, UBND huyện Tri Tôn đang thực hiện việc bảo tồn, phát triển loại cây nguyên liệu để tạo ra kinh lá buông. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Tri Tôn Chau Vuth Thi thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang giữ gìn một số cây lá buông trên địa bàn để làm nguồn phát triển cho kinh lá buông sau này. Vì đây là giá trị văn hóa tồn tại qua nhiều thế hệ nên mỗi người Khmer đều rất trân quý. Hiện nay, chùa Svay Ton là nơi lưu giữ nhiều bộ kinh lá buông cổ tại huyện Tri Tôn”.

Với những giá trị văn hóa cùng kỹ thuật thể hiện độc đáo, kinh lá buông cần tiếp tục được bảo tồn, phát huy và trở thành nét riêng thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và du khách. Tuy nhiên, phải có những biện pháp tích cực hơn nhằm hỗ trợ các chùa Khmer duy trì, phát triển cách viết kinh lá buông để nhiều thế hệ tiếp nối lưu truyền trong dòng chảy văn hóa Khmer.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét