17 thg 12, 2019

Tản mạn về danh xưng của vua săn voi

Nếu các bạn có quan tâm đến vùng đất Buôn Ma Thuột thì chắc thế nào cũng nghe nói đến những ông vua săn voi. Tui may mắn hơn một chút, vì đã từng có dịp... ôm một trong những ông vua đó!

Ama Kông, người săn voi nổi tiếng cuối cùng. Ông qua đời năm 2012. (Có cần chú thích thêm rằng Ama Kông là người ngồi để khỏi nhầm lẫn hông ta?)

Thật ra, vua săn voi hay vua voi là một danh xưng không chính thức do người dân tự phong tặng cho những người có công săn bắt và thuần dưỡng nhiều voi rừng. Danh xưng Vua voi chính thức được phong tặng cho một người duy nhất, đó là ông Y Thu K’Nul (1828 - 1938), là người đã khai sinh Buôn Đôn và có công lớn trong buổi đầu tạo lập nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng với trên 400 con.

Nhiều trang web, kể cả Wikipedia ghi rằng: Y Thu Knul là người đã săn được con voi đực màu trắng. Theo luật tục, chỉ có các bậc vua chúa mới được sử dụng voi trắng nên ông đem con voi này biếu cho quốc vương Thái Lan và được phong tặng danh hiệu Khunjunop, nghĩa là "vua săn voi".

Có thuyết minh viên du lịch còn giải thích tỉ mỉ hơn: Ông mang voi trắng tặng cho vua Thái Lan và được vua Thái phong tặng danh hiệu Khunjunop, tiếng Lào (???) có nghĩa là vua săn voi!

Thiệt tình, tui cũng không hiểu vì sao một ông vua Thái Lan lại phong tặng cho một người Việt (chính xác hơn thì Y Thu Knul là người M'Nông) một danh hiệu bằng... tiếng Lào!

Nhiều bài viết dùng danh hiệu này thay cho tên thật Y Thu Knul của ông luôn, họ gọi ông là Vua săn voi Khunjunop để phân biệt với những ông vua săn voi... không chính hiệu!


Tượng vua voi Khunjunop được dựng tại khu du lịch thác Bảy nhánh (nơi ông lập buôn đầu tiên)

Thế nhưng Khunjunop có đúng là vua săn voi không? Chưa chắc!

Tác giả Lê Văn, trong một bài viết trên báo Đắk Lắk, kể rằng đã gặp được Amí Phương, buôn trưởng Buôn Đôn đồng thời là chắt ngoại Vua voi  Khunjunop. Vợ chồng bà Amí Phương cho biết danh xưng “Vua voi Khunjunop” mà người ta phong cho ông không phải xuất phát từ việc ông đã săn bắt, thuần dưỡng được trên 400 con voi rừng. Từ Khunjunop ở đây mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ama Phương cắt nghĩa: Khun có nghĩa là Người, Ju là Tướng, Nop là chào. Y Thu Knul là người giàu có và rất có uy. Ngay cả người Thái, người Pháp khi đến gặp ông đều phải chắp tay cúi chào từ chân cầu thang, lúc về cũng vậy nên ông còn được gọi là “Người tướng chào”. Do đó, trong lần đem bạch tượng sang tặng nhà vua Thái Lan, ông được nhà vua Thái mến gọi với cái tên Khunjunop – Người tướng chào.

Tui bán tín bán nghi, không biết nghĩa nào đúng nên tìm một cô bạn biết tiếng Thái để hỏi. Rất tiếc, cô ấy nói rằng phải cho biết chữ gốc bằng tiếng Thái mới dịch nghĩa được, chớ phiên âm kiểu này thì chịu thua. Tuy nhiên, theo nhận định của cô thì khunjunop không thể là vua săn voi được, vì trong đó không thấy âm gì trong tiếng Thái có nghĩa là ngà, là voi hay săn cả!

Riêng về nghĩa Người tướng chào, tui lò mò nhờ ông Google Translate thì được 2 kết quả sau: คน, đọc là Khun, nghĩa là người; คำนับ, đọc là khămnáp, nghĩa là cúi chào. Chữ ju thì chịu, không biết do tiếng Thái nào ra. Có vẻ như người tướng chào gần với khunjunop hơn.

Điều mà các nguồn tài liệu đều thống nhất với nhau là: Ông Y Thu Knul có tặng cho vua Thái con bạch tượng, và vua Thái có tặng ông danh hiệu Khunjunop. Vì thế để phân biệt ông với những vua săn voi khác thì ta gọi ông là Khunjunop, không sai. Còn khunjunop nghĩa là gì thì mong rằng các vị am hiểu tiếng Thái, hoặc tiếng Lào, tiếng M'Nông gì đó giải thích dùm. Xin đa tạ!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét