1 thg 12, 2019

Phố Hàng Bài: Con phố khiến dân cờ bạc Hà Nội xưa mê mẩn

Từ trước thời Pháp thuộc, đoạn đầu phố Hàng Bài tập trung những nhà sản xuất và kinh doanh các cỗ bài lá như tổ tôm, tam cúc… Trong một thời gian dài, khu vực này là nơi mà dân cờ bạc Hà Nội qua lại thường xuyên.

Phố Hàng Bài là một con phố dài trên 600 mét, kéo dài từ cuối phố Đinh Tiên Hoàng (bờ hồ Gươm) đến ngã tư phố Huế - Hàm Long, cắt ngang qua các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 
Đây nguyên là đất thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc, thôn Vũ Thạch Hạ, Hữu Vọng, Hàm Châu thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ 19, các thôn này sáp nhập và đổi tên thành thôn Cựu Lâu, Vũ Thạch, Vọng Đức và Hàm Khánh.

Nguồn gốc tên gọi phố Hàng Bài là từ trước thời Pháp thuộc, đoạn đầu phố tập trung những nhà sản xuất và kinh doanh các cỗ bài lá như tổ tôm, tam cúc… Trong một thời gian dài, khu vực này là nơi mà dân cờ bạc Hà Nội qua lại thường xuyên

Đến thời thuộc địa, người Pháp gọi phố này là rue des Cartes (phố bán thẻ bài), sau đổi thành đại lộ Đồng Khánh. Năm 1945 phố đổi tên thành phố Triệu Quang Phục, từ năm 1949 lấy lại tên đại lộ Đồng Khánh. Sau năm 1954, phố trở lại với cái tên dân gian là Hàng Bài

Do nằm trong khu vực mở rộng đô thị trung tâm Hà Nội của chính quyền thực dân, diện mạo phố Hàng Bài đã thay đổi chóng mặt vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Vào thời này, chỗ đầu phố trông sang hồ Gươm còn có chợ gọi là chợ Mới hoặc chợ Hàng Bài

Vào ngày 21/8/1894, thực dân Pháp đã đem bốn nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ Hưng yên về xử tử ở ngay chợ Hàng Bài. Trong những người bị xử có ông Đề Tịnh, người có thái độ bình thản khiến thực dân phải kính nể

Thời gian này, nghề làm bài lá rời khỏi phố, nhường chỗ cho các công sở và hãng buôn lớn của Pháp. Ở đầu phố, chợ Hàng Bài nhường chỗ cho hãng buôn tạp hóa lớn nhất Hà Nội là “Liên hợp thương mại Đông Dương” (L’Union commercial indochinoise) mà dân chúng gọi là “hiệu Gô-đa”, nay là tòa nhà Tràng Tiền Plaza

Đối diện với hiệu Gô-đa ngày ấy là một dãy phố mang dáng dấp châu Âu với các hiệu thuốc Tây, cửa hàng thực phẩm, hàng bảo hiểm…

Ở giữa phố Hàng Bài xưa có trại lính khố xanh hay trại Bảo An Binh (số nhà 40), là nơi đồn trú của các đơn vị quân đội bản xứ do người Pháp tổ chức nhằm phụ trợ cho quân chính quy Pháp trong việc đánh dẹp, bảo vệ an ninh, nằm trong Quân đoàn bộ binh Bắc Kỳ

Trại Bảo An Binh là một di tích lịch sử gắn với cuộc Cách mạng Tháng 8 ở Hà Nội. Vào ngày 19/8/1945, lực lượng cách mạng đã tiến về trại tước vũ khí của địch và chiếm lĩnh vị trí

Một di tích đáng chú ý khác trên phố Hàng Bài là trường Đồng Khánh, trường trung học dành riêng cho nữ sinh người Việt duy nhất của Hà Nội và toàn xứ Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay là trường THCS Trưng Vương (26 Hàng Bài).

Rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám, 45 Hàng Bài) là một trong những rạp phim sang trọng nhất Hà Nội thời thuộc địa. Vào những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến 1946, phố Hàng Bài là một chiến trường khốc liệt, và rạp Majestic là nơi diễn ra trận tử chiến giữa Vệ quốc đoàn với một đơn vị lính Lê Dương đóng giữ nơi đây

Ngày nay, phố Hàng Bài là một tuyến phố quan trọng của Hà Nội. Dọc con phố này có rất nhiều cửa hàng thời trang, đồ điện tử, quán cà phê, nhà hàng... 

Mặt hàng nổi bật được bày bán trên phố là thiết bị âm thanh, rất đa dạng về chủng loại mẫu mã, phục vụ cho mọi đối tượng từ người bình dân đến giới “đại gia”

Vào thập niên 1990, đầu 2000, con phố này từng được coi là trung tâm băng đĩa của Hà Nội với sự hiện diện của rất nhiều cửa hàng băng đĩa. Hiện giờ vẫn có thể bắt gặp các quầy bán băng đĩa trên hè phố

Phố Hàng Bài cũng được biết đến như một tuyến phố tập trung rất nhiều quầy xổ số vỉa hè

Đó là do đầu mối phân phối vé số nằm ngay giữa phố: Công ty Xổ Số Kiến Thiết Thủ Đô có trụ sở tại 53E Hàng Bài

Một số hình ảnh khác về phố Hàng Bài.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét