10 thg 12, 2019

Về xứ Nghệ, khám phá du lịch làng nghề




Xóm Quy Chính 1 và 2 xã Vân Diên huyện Nam Đàn được công nhận làng nghề từ năm 2006, làng có truyền thống làm nghề sản xuất miến gạo từ lâu đời. Miến gạo nơi đây là loại thực phẩm dạng sợi khô giàu protein, trong miến còn chứa nhiều dưỡng chất và gần như không chứa chất béo, hàm lượng tinh bột trong miến cũng được cho là khá thấp, rất tốt cho những người muốn giảm cân. Được làm hoàn toàn từ gạo khang dânsạch 100% không chất bảo quản, chất tạo độ dai và độ sáng. Sản phẩm miến được thiết kế với nhiều hình dáng: Miến vuông, miến bó sợi, miến cuộn tròn … Tùy vào mục đích chế biến và sở thích mà người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua những loại miến với hình dáng đó và chế biến được nhiều kiểu như nấu canh, miến xào, miến trộn.

Miến gạo Quy Chính hiện nay là một trong những “báu vật” của huyện Nam Đàn. Và nghề chế biến miến gạo đang tạo công ăn việc làm, giúp nhiều gia đình làm giàu chính đáng. Sản phẩm miến của làng được tiêu thụ ở nhiều nơi như Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Vinh, Hà Tĩnh…. 


Bên cạnh nghề làm miến, nghề làm tương ở khối Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn cũng có từ lâu đời. Thăm làng nghề, du khách có thể cảm nhận được mùi thơm phức tỏa ra từ những chum tương đặt ở quanh vườn của các gia đình; thưởng thức các quy trình, bí quyết thủ công truyền thống từ làm mốc, ngạ tương.

Tương là một món ăn dân dã. Người xưa khi chế biến món tương là dùng để chan cơm. Ngày nay, tương Nam Đàn trở thành đặc sản, có mặt trong các nhà hàng sang trọng, theo chân con người vào Nam, ra Bắc.

Nguyên liệu chính để làm tương là những thứ gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày như đậu nành, nếp hoặc ngô được trồng trên bãi bồi ven sông Lam, muối và nước. Để có được chum tương ngon, đòi hỏi ở người làm tương sự kỳ công, tỷ mẩn.

Tương ngon là khi giở ra ngoài mùi thơm nức còn phải có màu vàng rơm hoặc màu cánh gián. Khi ăn bát cơm chan tương, ta cảm nhận được vị mát lành của hương phù sa trong từng hạt đỗ, hương thơm của ruộng đồng trong nếp xôi, vị mặn mòi của biển cả trong hạt muối và vị nồng ấm của mạch đất quê hương qua từng giọt nước.

Ở Nam Đàn còn lưu truyền câu chuyện: Xa quê hàng chục năm nhưng Bác Hồ không bao giờ quên được hương vị của nước tương. Mỗi lần, đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An ra thăm Bác, không thể nào không mang theo một ít tương ra làm quà biếu Người. 



Nằm trên địa bàn huyện Diễn Châu, Vạn Phần là làng nghề làm nước mắm có truyền thống nổi tiếng từ vài thế kỉ trước. Sản phẩm của làng nghề đã từng có vinh dự là đặc sản “Tiến Vua”.

Không ai rõ nghề làm nước mắm xuất hiện tại đất Vạn Phần xưa tự bao giờ, chỉ biết rằng, nơi khởi nguồn được xác định là ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Những tổ nghề từ xa xưa đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ biển cả, kết hợp với phương pháp ủ chượp truyền thống để cho ra loại nước mắm thơm ngon. Dần dần, làm nước mắm trở thành nghề truyền thống của địa phương theo hình thức cha truyền con nối. Nguyên liệu chế biến nước mắm Vạn Phần thường là cá nục, cá thu, cá cơm, cá hồi, cá vảnh, cá trích được chọn lọc một cách kỹ lưỡng. Sau khi đánh bắt từ ngoài khơi về, cá được rửa sạch rồi đem trộn muối theo tỷ lệ 4:1 (cứ một tạ cá thì trộn khoảng 25 kg muối). Muối nguyên liệu thường là muối cũ, được để qua thời gian dài nhằm giảm bớt độ chát; đồng thời, phải sạch, không lẫn bụi bẩn. Việc chọn muối khá quan trọng, bởi nếu lẫn tạp chất, nước mắm thành phẩm sẽ có vị chát, không ngon. 


Với quy trình chưng cất cầu kỳ, kéo dài có khi cả một năm, nước mắm Vạn Phần là sự tổng hòa giữa vị mặn của muối, vị ngọt béo của cá tươi, mùi thơm của nắng, vị nồng nhưng không chát… Nước mắm càng đề lâu càng ngon, màu trong, vàng sậm, sánh đặc.

Đến với làng nghề nước mắm Vạn Phần, du khách có thể bắt gặp những nghệ nhân da ngăm rám nắng, kiên nhẫn bên những chum sành, vại sành to lớn hoặc trầm mặc bên các bếp lửa chưng cất thứ sản phẩm có mùi thơm đặt biệt như linh hồn, sự kết tinh năng lượng của biển và năng lượng của con người. Thăm làng nghề, khách du lịch có thể mua cho mình những chai nước mắm “tuyệt hảo” làm đậm đà hơn trong những bữa ăn, sum vầy. 


Từ Quốc lộ 7 vào bản Xiềng (xã Môn Sơn, Con Cuông), mất 20km đường quanh co. Bản Xiềng có 100% số hộ là dân tộc Thái, với những ngôi nhà sàn cổ kính, nằm dọc theo con đường đến trung tâm xã và thắng cảnh Đập Phà Lài. Với bản tính siêng năng cần cù, ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây bao đời nay vẫn cần mẫn, gìn giữ và phát triển dệt thổ cẩm, đan lát..

Nghề dệt ở thổ cẩm có từ Làng Xiềng từ rất lâu đời. Trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ chỉ mang tính chất phục vụ gia đình nên sản phẩm của bà con làm ra chưa mang lại giá trị cao về kinh tế. Từ năm 2014, nghề dệt thổ cẩm đã có bước phát triển mới. Các thợ dệt được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ nghề. Tháng 3/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp Bằng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm bản Làng Xiềng. Đây cũng là làng nghề thổ cẩm đầu tiên của huyện Con Cuông. 


Đến làng nghề dệt thổ cẩm bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loại sản phẩm như: khăn, váy, áo… với những nét họa tiết, hoa văn phong phú mang giá trị nghệ thuật cao, phản ánh tay nghề khéo léo của những người thợ lành nghề và nghệ nhân. Nhiều hoa văn được truyền lại từ hàng trăm năm trước, qua người mẹ truyền cho con gái hoặc con dâu. Các hoa văn mô phỏng các con vật, loài cây trên rừng, hay các vì sao trên trời, nghĩa là tất cả những gì gần gũi, thân thuộc với người Thái, với triết lý sống hòa hợp với thiên nhiên được người dân đưa vào sản phẩm.

Trên cơ sở được công nhận là làng nghề; cộng thêm những cảnh quan của một làng thuần Thái cổ, Làng Xiềng được xác định là điểm nhấn về du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề của huyện Con Cuông. 


Làng Trù Sơn, còn gọi là làng Nồi, xưa thuộc Trù Ú, cách thị trấn Đô Lương 20km về phía Đông Nam; nghề chính của làng là trồng lúa, nghề phụ là làm gốm “vắt đất làm nồi”. Theo các nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Dân tộc học, Trù Sơn là làng nghề nồi đất vào loại cổ nhất trên toàn quốc. Nhiều tài liệu cho thấy nghề làm gốm có ở Trù Sơn từ đời Trần, khoảng thế kỷ 13.

Khác với Phù Lãng hay Bát Tràng, nghệ nhân làm nồi đất ở Trù Sơn có những cách thức, kỹ thuật khéo léo, kỹ xảo riêng để làm nên những sản phẩm nồi đa dạng, đa dụng trong cuộc sống. Những hòn đất sét có màu đỏ, dẻo qua bàn tay thô ráp nhồi nặn của người thợ, qua lửa khói nung lên, rồi trở thành những nồi, niêu, chảo, ấm; rồi lên xe thồ và “phủ sóng” cả nước.

Những niêu, nồi đất đã lên núi ngâm nhuộm thổ cẩm; ra thành thị vào các nhà hàng khách sạn để nấu cơm, kho cá; trở thành chậu nuôi phong lan, dụng cụ sắc thuốc Bắc. Ước có khoảng 30 loại nồi với kích cỡ, chủng loại khác nhau được làm ra ở làng Trù Sơn.

Gốm Trù Sơn được ví như một cô gái quê chưa hề được trang điểm, không biết làm dáng nhưng lại có những nét duyên ngầm. Đặc điểm khá riêng biệt của dòng gốm này là đơn giản, thô mộc, không men tráng và hoàn toàn không có dấu hiệu của nghệ thuật trang trí. Tuy nhiên, gốm Trù Sơn có những ưu điểm rõ rệt về độ mỏng và nhẹ. Với độ mỏng lý tưởng đó thì độ thấm nước gần như không có.


Đến với làng nghề Trù Sơn hôm nay, du khách sẽ được tham quan thực nghiệm nghề “vắt đất làm nồi”. Dân làng ai ai cũng nhiệt tình với khách, vui vẻ sẻ chia trình diễn các công đoạn nhồi đất, tạo hình, làm nhẵn với kỹ thuật khéo léo, tỉ mỉ.

Ngoài sự hiếu khách, người dân xã Trù Sơn đã có cách làm hay để thu hút sự chú ý đến nghề làm nồi đất của mình, đó là: Hàng năm, chào đón Lễ Giáng sinh, bà con vẫn thường làm một cây thông Noel khổng lồ từ các nồi đất thật ấn tượng, mang đậm bản sắc địa phương. Đây chính là cách để tiếng lành Nồi đất Trù Sơn thêm được bay xa. Đặt biệt, cây thông Noel nồi đất năm 2017 cao 25m của Trù Sơn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Cây thông Noel ghép bằng nồi đất lớn nhất Việt Nam”. 


Làng Trung Kiên có tên cổ là Hùng Lao (Hoàng Lao), nằm ở cửa sông Cấm, thuộc địa phận xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc. Nghề đóng tàu thuyền ở đây có khoảng từ 700 năm trước. Đến thời Vua Lê Thánh Tông, thợ Hoàng Lao được huy động để đóng và sửa chữa thuyền cho hạm đội hải binh đóng tại Cửa Lò, làm căn cứ để bảo vệ biên giới phía Nam và xuất quân đi bình định phương Nam. Từ đây, danh tiếng của làng đóng tàu thuyền nổi danh khắp trong Nam, ngoài Bắc và lan sang tận Trung Quốc.

Đến nay, trải qua nhiều biến cố thăng trầm, làng nghề vẫn luôn tồn tại, phát triển. Trong thời kì dân tộc Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Trung Kiên chính là một trong những xưởng sản xuất chính làm nên những tàu, thuyền phục vụ chiến đấu, vận tải. Đã có lúc thực dân Pháp ném bom thiêu rụi làng (năm 1952) nhưng Trung Kiên vẫn hiên ngang tồn tại, bền bỉ với nghề truyền thống của mình. Những năm 1958-1960, làng Trung Kiên là cơ sở đóng tàu không số đầu tiên của cả nước. 


Trước đây, làng nghề Trung Kiên đóng tàu bằng kỹ thuật và phương tiện thủ công. Người thợ Hoàng Lao nổi tiếng tài hoa, kỹ thuật bí truyền, rất khéo léo và tinh xảo trong từng đường cưa, nhát đục… Ngày nay, Trung Kiên đóng tàu với kỹ thuật cao, nhất là loại tàu thuyền công suất lớn. Người Trung Kiên biết kết hợp kỹ thuật hiện đại với kinh nghiệm quý báu từ truyền thống để tạo nên tàu thuyền vững chắc, bền đẹp.

Vào dịp đầu Xuân năm mới, du khách nên về với Trung Kiên để được chứng kiến nghi lễ khai mộc thiêng liêng của người dân làng nghề. Mỗi cơ sở đóng tàu, thuyền sẽ chọn cho mình một giờ khai mộc khác nhau tùy theo yếu tố hợp tuổi với người chủ xưởng. Lễ vật dâng lên chư vị thần linh, tiên tổ cũng chỉ giản dị là những sản vật gần gũi với đời sống như cỗ xôi gà, mâm ngũ quả, chén rượu tịnh, nén hương thơm… nhưng trên tất cả là tấm lòng thành kính, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, tàu thuyền được suôn sẻ, hanh thông.

Nghi lễ khai mộc bên cạnh ý nghĩa tâm linh còn mang giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ nhớ đến thuở lập làng lập nghề, tri ân nghề đóng thuyền đã mang lại cho làng sức sống bền bỉ. 


Bản Thái Minh ở xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ có 100% hộ dân là người dân tộc Thái sinh sống. Nghề dệt thổ cẩm ở đây đã có từ rất lâu đời, người già trao truyền cho người trẻ tiếp nối. Bà con dân bản kể chuyện phong tục xa xưa: Khi người con gái Thái đi lấy chồng là phải sắm đủ 4 chiếc gối, 4 cái nệm, 5 cái váy, ngoài ra là khăn, túi. Chính điều này đã bắt buộc mỗi một cô gái phải tự học, trau dồi nghề dệt để còn sau này dạy cho con, cháu mình và hầu như nhà nào cũng có khung cửi.

Năm 2009, Thái Minh được công nhận làng có nghề. Đến năm 2016, bản được UBND tỉnh Nghệ An đã trao bằng công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm. Sự công nhận này đã giúp nghề dệt thổ cẩm ở bản có bước phát triển mới với sự tham tích cực của nhiều hộ gia đình, sản phẩm có thương hiệu và thêm được ưa chuộng. Người phụ nữ Thái Minh bây giờ không chỉ dệt để đáp ứng nhu cầu cho bản thân và gia đình mà còn đem sản phẩm bán rộng rãi trên thị trường, phục vụ nhu cầu du khách.

Du khách đến với làng nghề thổ cẩm Thái Minh sẽ được sống, trải nghiệm trong không khí lao động miệt mài của những cô gái Thái. Những cô gái Thái vẫn thường tranh thủ dệt vào buổi trưa hoặc tối. Họ gắn kết với nhau bên khung cửi, cần mẫn, khéo léo để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp về mẫu mã, hoa văn, phong phú về kiểu dáng, màu sắc rực rỡ. Những sản phẩm được tạo ra như khăn, váy, áo, gối, đệm, túi…hoàn toàn có thể trở thành một món quà đầy ý nghĩa để du khách mua về sử dụng hoặc tặng bạn bè, người thân.



Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 được hình thành và xây dựng ngay trên khu du lịch trọng điểm Cửa Lò, Cửa Hội. Năm 2010, làng nghề sản xuất nước mắm Hải Giang 1, phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò chính thức được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Năm 2013, nước mắm Hải Giang 1 đã được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Tháng 7/2018, nước mắm Hải Giang 1 được tỉnh Nghệ An bình chọn 1 trong 14 sản phẩm tiêu biểu và lọt tốp sản phẩm tiêu biểu của Bắc Trung Bộ.

Theo ông Hoàng Đức Thương, Trưởng ban Quản lý làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang 1: “Nghề làm nước mắm ở đây đã có lâu đời, từ khi cha ông đến khai hoang lập ấp đã gắn bó với nghề biển. Nước mắm Hải Giang 1 là một trong những thương hiệu nước mắm có tiếng ở trong vùng. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Hải Giang 1 nằm ở công thức chế biến….”.

Ở làng nghề này, bên cạnh nước mắm được chưng cất trực tiếp, đem phơi nắng để bán ra thị trường thì còn có loại nước mắm được hạ thổ rất đặc biệt. Loại đặc biệt được để lâu, có ngâm vừng vàng (thêm chất béo) dùng chống rét cho người đi biển mùa Đông, tăng thêm sức khỏe cho thợ lặn, làm thuốc điều trị bệnh đau bụng gió, bụng bão…

Hiện nay, làng nghề có 78 hộ tham gia. Bình quân mỗi năm làng nghề chế biến khoảng 800.000 lít nước mắm cung cấp ra thị trường chủ yếu là phía Bắc, phần còn lại là bán nhỏ lẻ cho khách du lịch khi về tham quan tắm biển tại Cửa Lò, Cửa Hội. 



Nghề dệt thổ cẩm là một nghề mang đậm dấu ấn truyền thống của đồng bào người Thái ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Nghề hình thành từ hàng trăm năm trước, như một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con.

Ở Hoa Tiến nhà nào cũng có khung dệt, không những người già, trung niên mà kể cả những bé gái đều biết dệt, thêu thổ cẩm. Vào dịp cuối năm hay sắp đến ngày lễ hội không khí bản làng lại rộn hẳn lên. Bằng đôi bàn tay khéo léo, các bà, các chị đã cho ra thị trường hàng trăm sản phẩm phong phú, đa dạng, từ thổ cẩm tấm, quần áo, ga trải giường, khăn trải bàn cho đến những chiếc cặp, chiếc ví, cà vạt, khăn quàng cổ, đội đầu với những nét hoa văn tinh tế và độc đáo. 


Sản phẩm dệt thổ cẩm bao đời nay vẫn thế, được làm theo phương pháp thủ công truyền thống với những tấm vải, những chiếc váy, khăn đủ hoa văn, màu sắc, chuyển tải những triết lý văn hóa, tín ngưỡng dân tộc trong cuộc trường kỳ tìm tiếng nói chung với tự nhiên mà tồn tại. Các mẫu mã vốn có nguồn gốc từ cuộc sống được cách điệu, tạo hoa văn sặc sỡ, công phu, giàu tính sáng tạo trên thứ chất liệu cỏ cây của núi rừng.

Chính vì được nhuộm bằng các loại cây rừng nên thổ cẩm có màu sắc tự nhiên, không giống với bất kỳ sản phẩm thổ cẩm của các vùng, miền khác. Thổ cẩm Hoa Tiến rất được du khách ưa chuộng, nhất là khách du lịch quốc tế. Hiện, thổ cẩm Hoa Tiến đã có mặt ở các hội chợ thương mại lớn tổ chức tại Hà Nội, phố cổ Hội An, sang cả Lào, Thái Lan.

Du khách đến với làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến sẽ thấy bên nhà sàn ven suối, giữa cảnh núi non nước hữu tình, những người phụ nữ nhẫn nại, đam mê với tiếng thoi như muôn đời nay vẫn vậy, sắp đặt từng sợi chỉ, bên ngoài trời dệt từng sợi nắng chiều xuống tóc.

Nội dung: Thành Chung 
Ảnh: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Nghệ An 
Thiết kế - Kỹ thuật: Chôm Chôm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét