9 thg 12, 2019

Làng khô đón Tết

Nước lũ rút cũng là lúc làng khô cá đồng Vĩnh Hội Đông (An Phú) tất bật vào vụ mùa sản xuất, chuẩn bị đón Tết. Tuy nhiên, vì lũ không như mong đợi nên sản lượng cá nguyên liệu không dồi dào, khiến vụ khô Tết năm nay “kém vui” hơn. 

Thời điểm này, cặp theo tuyến lộ trung tâm đi qua xã Vĩnh Hội Đông sẽ thấy những vỉ khô cá đồng vàng rượm trong ánh nắng miền biên giới. Nói về khô cá đồng thì không đâu hơn xã giáp biên này, bởi nguồn nguyên liệu dồi dào từ Campuchia chuyển xuống. Ở đây có đủ mặt khô, từ cá kết, cá chèn, cá chạch, cá lăng, cá chốt cho đến khô rắn, khô trăn và nhiều thứ khác nữa. Dân sành ăn hẳn sẽ phải tìm về vùng biên giới này để tận hưởng thứ đặc sản đậm chất miền Tây. 

Làm khô đón Tết 

Từ khi nước lũ “trái tính, trái nết”, các loại cá đồng khan hiếm dần. Vốn là thức ăn dân dã, cá đồng bỗng trở thành đặc sản. Bởi thế, việc lấy cá làm khô càng trở nên “xa xỉ”, nhưng xứ Vĩnh Hội Đông vẫn còn duy trì được nghề dân dã này nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên. Tuy nhiên, các hộ làm khô năm nay đều rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn cá nguyên liệu, nên họ đón vụ khô Tết với nhiều nỗi lo.

Nhanh tay mang những con khô cá lóc ra phơi, chị Trần Thị Kim Chen (hộ làm khô ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông) không giấu sự lo lắng bởi vụ khô Tết năm nay không như mong đợi. Chị Chen cho biết, do nước rút nhanh, cá đồng không kịp lớn nên cá khô cũng nhỏ theo. Bởi thế, năm nay khô ngon khá hiếm dù chủng loại vẫn phong phú. Hơn nữa, với nguồn khô như hiện nay thì đến Tết Nguyên đán mức giá sẽ lên cao, gây khó cho cả người bán lẫn người mua. 

Khô cá đồng ở Vĩnh Hội Đông với phẩm chất thơm ngon 

Thời điểm hiện tại, giá các loại khô đã “nhóng” lên so với giữa mùa nước nổi. Theo đó, khô cá chốt có giá 200.000 đồng/kg, khô cá chèn bầu ở mức 280.000 đồng/kg, khô cá chạch còn xương giá 270.000 đồng/kg, trong khi khô cá chạch xẻ 370.000 đồng/kg. Riêng loại đặc sản trứ danh của miền biên giới là khô rắn từ 500.000-600.000 đồng/kg. Lý giải cho mức giá này, nhiều hộ làm khô cho biết, mỗi kg khô rắn phải tốn hơn 10kg rắn nguyên liệu, bởi người ta chỉ lấy 2 nuộc lưng của loài vật này. Hơn nữa, rắn chỉ có nhiều trong mùa lũ, sang tháng mùa khô hầu như rất hiếm, không đủ để làm khô.

Một lý do khác là các loại cá đồng không chỉ tiêu thụ ở các vùng giáp biên như trước nữa, mà đã được vận chuyển ngược lên các thành phố lớn của Campuchia để tiêu thụ. Do đó, các hộ làm khô đang gặp sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến nghề truyền thống này ở xã Vĩnh Hội Đông. Nếu giá khô quá cao, người tiêu dùng sẽ quay lưng với loại đặc sản này. Hiện tại, chị Kim Chen và gần 20 hộ làm khô tại Vĩnh Hội Đông đang cố gắng giữ giá không tăng quá cao so với cùng kỳ, bởi nhiều khách hàng luôn tin tưởng vào phẩm chất con khô cá đồng nơi đây. 

Khô rắn- đặc sản nổi tiếng của đầu nguồn An Phú 

Hiện tại, các hộ làm khô trong ấp Vĩnh Hội đang có nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh nhưng chủ yếu tiêu thụ ở mức nhỏ lẻ, bởi nguồn nguyên liệu cá đồng chưa bao giờ dồi dào. Tuy nhiên, nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên, nhiều mặt hàng khô cá đồng ở Vĩnh Hội Đông vẫn có lai rai quanh năm để phục vụ những thực khách muốn tìm về vị mặn dân dã của con cá đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng những con khô cá đồng vẫn được khoe sắc trong cái nắng của vùng biên giới Vĩnh Hội Đông. Các hộ làm khô ở xã giáp biên này vẫn tất bật chuẩn bị cho vụ khô Tết năm nay với kỳ vọng sẽ có nguồn thu kha khá. Với những người con xa xứ, được thưởng thức miếng khô cá đồng bao giờ cũng mang đến cảm giác rất riêng, gợi lại trong họ ký ức của những ngày xưa. Bởi thế, người chân thành hay biếu nhau mớ khô ăn Tết, như nhắc nhau nhớ đến tình quê và đừng quên cái vị ngon chân chất của chốn ruộng đồng.

THANH TIẾN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét