17 thg 3, 2019

Sống chậm ở Dran - Thị trấn cổ bên “Hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên

Tuy chỉ cách TP. Đà Lạt 40 km, thị trấn Dran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) vẫn là một nơi vắng bóng du khách, êm ả nép mình bên hồ Đa Nhim - nơi được mệnh danh là “Hòn ngọc xanh” của Tây Nguyên. Nếu là một người yêu thích sự yên bình, nét hoài cổ lãng mạn thì thị trấn lưng đèo này xứng đáng dành ra một vài ngày để dạo chơi.

Thị trấn Dran yên bình bên hồ Đa Nhim (ảnh T.N) 

Dran là tên gọi do người Pháp đặt. Thị trấn có vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm giữa hai con đèo dài là Dran và Ngoạn Mục. Do đó, Dran được ví là thị trấn lưng đèo.

Bạn có thể đến thị trấn Dran bằng nhiều cách. Nếu ở Đà Lạt có thể đi xuống Dran theo hướng về Trại Mát, Cầu Đất và vượt đèo Dran. Đây là cung đường đẹp bậc nhất ở vùng ngoại ô Đà Lạt. Nếu từ TPHCM thì đi theo hướng Đức Trọng, rẽ qua Đạ Ròn - Lạc Xuân, băng qua vùng trồng rau củ lớn nhất của Lâm Đồng. Từ TP Phan Rang đi theo hướng đèo Ngoạn Mục gặp những đoạn đường uốn lượn đúng như cái tên của nó.

Đèo Dran với những đoạn cong uốn lượn (ảnh K.Q)

Đèo Dran là nơi lý tưởng nhất để du khách có thể nhìn được toàn cảnh thị trấn Dran nhỏ bé, hiền hòa nằm im lìm bên đập thủy điện Đa Nhim xanh biếc, đẹp như một hòn ngọc bích. Những người lớn tuổi ở thị trấn Dran kể rằng, ngày xưa, lòng hồ Đa Nhim (khi chưa xây dựng) từng là vùng đất bằng phẳng, có một ngôi làng rất đông vui tên là Lập La. Sau đó, chính quyền phải di tản làng Lập La về xã Ka Đô (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) để xây dựng hồ thủy điện - dự kiến là thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hồi ấy. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong đập thủy điện, vùng đất xung quanh vẫn còn trống rất nhiều. Người dân Nam - Nghĩa - Phú - Bình mới di tản vào đây sống. Đó là cụm danh từ chỉ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định bây giờ. Do vậy, dân cư ở Dran hiện nay đa phần là người miền Trung. Họ mang theo tính cách khẳng khái, tiếng nói, văn hóa và ẩm thực quê mình vào đây.

Một ngôi nhà gỗ cổ ở Dran (ảnh Eric Phương)

Dran có dân số khiêm tốn, đa phần mọi người trong thị trấn đều biết nhau. Người dân địa phương vô cùng đôn hậu, thân thiện. Đặc biệt, những người lớn tuổi ở Dran rất thích những cuộc gặp gỡ, trò chuyện, họ sẵn sàng dành cả ngày để kể về thị trấn nhỏ của mình bằng sự tự hào vốn có. Thị trấn Dran quá nhỏ, chưa phát triển du lịch nên không nhiều khách sạn để ở lại, bạn còn có thể xin ở trọ nhà người dân và có cơ hội tham quan vườn rau củ, vườn hồng, chuối, thơm, quýt - những đặc sản xứ Dran đồng thời trải nghiệm cuộc sống giản dị, đời thường.

Đền Càng Rang - ngôi đền trăm tuổi ở Dran (ảnh K.Q)

Không có nhiều địa điểm du lịch, check - in như Đà Lạt, tuy nhiên, thị trấn cổ này vô cùng thu hút vì vẫn còn lưu dấu tích của những công trình trăm năm gắn với lịch sử ban sơ hình thành Đà Lạt như: dấu tích cầu sắt Dran, đền Càng Rang lưu bút tích vua Duy Tân, dấu tích nhà ga tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt… Những ngôi nhà gỗ kiểu cổ xưa xen kẽ những tòa biệt thự cổ kính đặc trưng kiến trúc phương Tây cũng tạo nên nét hoài cổ, lãng mạn của thị trấn nhỏ.

Họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng có thời gian sinh sống ở đây và Dran tạo ra niềm cảm hứng sáng tác bất tận cho hai nghệ sĩ tài danh. Họa sĩ Đinh Cường từng có những dòng thể hiện nỗi nhớ thương, gắn bó với thị trấn nhỏ này: “Nhớ khói lam chiều lan xa trên sườn núi/ những đoạn đường đèo hoang vu trên Đơn Dương/ tiếng lục lạc của chiếc xe thồ cũ kỹ/ móng ngựa mòn rơi trên đường/ và bạn tôi không còn cùng tôi”.

Không xinh đẹp nổi bật như Đà Lạt hay thơ mộng như B’Lao, Dran còn chút hoang sơ của núi đồi, của những ngọn lau trắng bạt ngàn, làn gió lành lạnh rất nghệ sĩ mang đến vẻ gì đó vô cùng đặc biệt cho người ghé thăm. Sự bình yên, hoài cổ và man mác buồn, đủ để khơi dậy cảm hứng cho những tâm hồn lãng mạn.

Minh Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét