31 thg 3, 2019

Một số đình, chùa tiêu biểu của người Kinh, có thể khai thác phát triển thành điểm đến du lịch của tỉnh Sóc Trăng

Trong các tour du lịch đến Sóc Trăng, ngoài việc tham quan vui chơi nghỉ dưỡng, mua sắm... ở các điểm du lịch nổi tiếng, trải nghiệm thực tế, hoà vào cuộc sống của người dân ở từng điểm đến, không ít du khách còn có nhu cầu được tham gia du lịch nghỉ dưỡng, giải trí hoặc du lịch sông nước kết hợp với du lịch tâm linh hoặc tham gia hẵn trọn vẹn tour du lịch tâm linh.

Cổng Thiên Phước cổ tự (huyện Kế Sách)

Theo thống kê, toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 200 ngôi chùa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và một số cơ sở tôn giáo khác. Trong đó, một số chùa Khmer, chùa Hoa đã được khai thác, trở thành điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch của khách khi đến Sóc Trăng. Đó là chùa Mahatup, chùa Kh'leang, chùa Đất Sét, chùa Ông Bổn, chùa Sà Lôn,…và gần đây du khách còn đến các chùa Som Rong, chùa La Hán để tham quan, chiêm bái. Đặc biệt, Trung tâm từ thiện văn hoá tâm linh thuộc chùa Phật Học là điểm đến thu hút rất nhiều du khách trong cả nước đến tham quan, chiêm bái, cúng dường. Với diện tích của Trung tâm lên đến 12 ha, nhiều công trình đã được xây dựng gắn đạo với đời; lịch sử, truyền thuyết với cuộc sống hiện tại; cùng khu khám chữa bệnh, nuôi dưỡng người già neo đơn v.v. . . đã góp phần tạo điểm đến mới thu hút nhiều du khách, cả khách nước ngoài.


Đình chợ cũ - Mỹ Xuyên

Thông qua công tác khảo sát, tiếp xúc ghi nhận tại một số đình, chùa của người Kinh, cho thấy có khá nhiều đình, chùa có nguồn gốc thành lập, quá trình lịch sử gắn với những truyền thuyết mang những nét hấp dẫn, độc đáo riêng. Thiết nghĩ nếu biết cách khai thác phù hợp, giới thiệu, quảng bá các đình, chùa với các công ty du lịch và du khách, chắc chắn sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động du lịch của địa phương.

Chùa Giồng Đá TP. Sóc Trăng

Trong 73 ngôi đình người Kinh trong tỉnh, nếu được quan tâm, đầu tư,…có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới, đó là một số đình dưới đây:

Đình thần Nguyễn Trung Trực, thuộc ấp 1 thị trấn Long Phú là 01 trong 29 đình mang tên anh hùng Nguyễn Trung Trực, có vị trí tốt, thuận lợi đi lại, diện tích chung khá rộng, cách bố trí tượng Nguyễn Trung Trực cùng nhiều tiểu cảnh mạng tính giáo dục, khung cảnh nhẹ nhàng, không khí trong lành..., đem lại sự thư giản cho mọi người.

Đình Năm Ông TP. Sóc Trăng

Đình thần Chợ Cũ (huyện Mỹ Xuyên) có từ cuối thế kỷ XIX, cùng các cơ sở thờ tự khác gắn với thương cảng Bãi Xàu xưa tạo sự thu hút riêng đối với du khách. Đình thần Chợ Cũ đã được người dân sửa sang, tu bổ khang trang, có sự quản lý chặt chẽ.

Đình Năm Ông được xây dựng vào năm 1760, hiện toạ lạc tại TP. Sóc Trăng. Ban đầu chỉ là một ngôi đền nhỏ, do những người Hoa và Việt dựng lên để thờ Quan Công, sau này lại thờ đền 5 Ông nên gọi là đình Năm Ông, vừa có người Hoa, vừa có người Việt. Đó là 2 vị tướng Võ Đình Sâm và Trần Văn Hòa, được thờ chung với 3 ông: Quan Công, Quan Bình, Châu Xương (của người Hoa).

Đình Hoà Tú, có từ trước năm 1940, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổi tiếng của Sóc Trăng và một số tỉnh Nam kỳ. Đình là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, Đình đã được xây dựng mới 2010, có 03 gian song song (chữ tam), cổng đình nhìn ra hướng Đông Bắc. Mái đình lợp ngói âm dương. Trong đình, từ cột kèo, bài vị, bệ thờ, liễn đối đều được chạm trổ khéo léo tinh vi.

Đình Song Phụng (huyện Long Phú), có từ cuối thế kỷ XIX, tuy cơ sở vật chất còn đơn giản, nhưng đình nổi tiếng với 2 cây bàng đá. Trong này có 1 cây đã chết, được ông Mai Kiên ở Sóc Trăng mua về cùng nhóm thợ điêu khắc tạo ra tượng Phật gỗ cùng các linh vật từ bộ gốc, rễ của cây bàng này. Hiện nay, tác phẩm nghệ thuật độc đáo này được trả gia hàng chục tỷ đồng nhưng không bán. Hiện 1 cây bàng còn sống ở sân trước bên tay phải của đình, tuổi thọ trên 300 năm, đang được chăm sóc chu đáo. Đình gắn liền với lịch sử của 2 cuộc kháng chiến của huyện và tỉnh.

Đặc biệt, ở Sóc Trăng còn có 02 ngôi đình mang những nét riêng mà các tỉnh khác ít có như: đình Âu Cơ - Lạc Long Quân (huyện Kế Sách), đình Quốc Tổ Lạc Hồng. Đình Quốc Tổ Lạc Hồng (ấp 8, TT Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị) được xây dựng vào năm 1970 do cô Ngọc Lầu đứng ra xây dựng và lúc đó là chùa Thiên Khai Huỳnh Đạo, cho đến năm 1992 được chú Trần Văn Ra xây dựng lại và đổi tên là Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng. Đình có diện tích khoảng 1000m2 có khá nhiều công trình kiến trúc nhiều ý nghĩa. Phía trước sân đình có Võ Ca (Rạp hát) và điện thờ Quốc Mẫu (Mẹ Âu Cơ) với kiến trúc rất độc đáo có Long và Hạc. Vào phía trong chánh điện có thờ Quốc Phụ (Lạc Long Quân), Quốc Tổ (Vua Hùng Vương), Hồn thiêng sông núi, Bác Hồ và Lạc Đồ, Hà Thơ. Phía sau nhà hậu tổ có thờ Cửu Huyền Thất Tổ, có nhà bếp và nhà ở cho những người cai quản đình. Có thể nói đình Âu Cơ - Lạc Long Quân và đình Quốc Tổ Lạc Hồng, tuy kiến trúc không được quy mô, hiện đại, kiên cố, nhưng đến đây là về nguồn, là nhớ về Tổ Tiên của nước Việt.

Nói về chùa, trong 71 ngôi chùa và 18 tịnh thất, tịnh xá... của người Kinh trong tỉnh, sẽ có một số đang là "ngọc trong đá", hầu như chưa được phát hiện để có thể phát huy, tham gia vào loại hình du lịch tâm linh, gồm:

Trước hết là ngôi chùa Giồng Đá, tức Thiên Phước cổ tự, thuộc xã Xuân Hoà, huyện Kế Sách. Đây là ngôi chùa được thành lập từ năm 1880 và đại trùng tu mới nhất vào năm 2003; và được được xây dựng mới, khang trang, khung cảnh trong sạch, an lành. Chùa có nhiểu truyền thuyết hấp dẫn, hiện vật liên quan đến vùng đất và trong hai cuộc kháng chiền. Tên Giồng Đá là chù yếu nguồn từ khoảng đất sau chùa có những giồng đá nhô lên cao, theo nhiều người kể lai, trước năm 1975, đã từng có đoàn khảo cứu do nhà Bác học Lưu Văn Lang đã từng ừng đến nơi đây tìm hiểu về những tảng dá này. Những tảng đá nằm nhô lên và sâu trong đất này được ghi nhận là phần cuối của dãy Trường Sơn hùng vĩ như phần cuối của những con rồng nhô lên.

Chùa Bửu Long, hình thành vào năm 1962 và được xây dựng mới vào năm 1993. Chùa được nhiều người biết đến với câu chuyện về tượng Phật nỗi ngự tại Thủy Hùng Cốc. Đây là tượng được nông dân phát hiện khi đang cày ruộng, ban đầu chỉ có 2 bàn chân bằng đá, đứng trên một bục đá. Sau đó, người dân tin rằng sẽ còn có phần thân trên và cùng nhau ra ruộng tìm kiếm và gặp được phần còn lại. Đó là tượng bằng đá, có đặc điểm là chân không mang hài, hai tai dài, bốn tay bắt ấn, thể hiện nét từ hòa, khả kính, cứu khổ chúng sanh một tượng bằng đá, có đặc điểm là chân không mang hài, hai tai dài, bốn tay bắt ấn, thể hiện nét từ hòa, khả kính, cứu khổ chúng sanh. Phật bốn tay là tượng Phật hiếm có trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chùa Khánh Sơn là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở thành phố Sóc Trăng, vào khoảng năm 1860; đến năm 2002 chùa được xây dựng mới với lối kiến trúc đặc sắc, mái cong hình thuyền, chân cầu thang chánh điện, hậu tổ đều có linh vật rồng (rồng đời Trần), uốn lượn, tạo nên sự uy nghiêm cho ngôi chùa. Đặc biệt, chùa có Bảo tháp xây ở góc phải trên nóc chùa, với 7 tầng tháp mái cong hình thuyền, kiến trúc đặc sắc. Tháp là nơi thờ linh cốt, tượng Phật, kinh Phật,… Chùa Khánh Sơn còn là nơi lưu trữ khoảng 200 kinh sách Phật học có giá trị. Hiện nay, chùa là VP. Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng,.

Chùa Phước Trường An, ở thị xã Vĩnh Châu, hình thành cách đây 300 năm. Vị tổ sư của chùa thường được nhắc đến và tổ chức lễ giỗ hàng năm là Lục Tà Mẹt dân tộc Khmer,. Ông đến tu tại đây và thực hiện nhiệm vụ của vị sư trụ trì đối với Phất tử. Tục truyền ông có phép thần thông nghe tiếng nói của loài chim muông thú rừng và xem đó là những bạn hữu.

Chùa Quan Âm (Long Phú) hình thành vào năm 1860 và được xây dựng (trùng tu) vào năm 2011; Chùa được xây dựng trên dựng trên diện tích 1.920 m2. Nổi bật là phía trước chánh điện (đang được xây dựng) có tòa nhà 01 trệt 01 lầu xây kiểu thượng lầu hạ hiên, chia thành 03 khu vực thờ khác nhau, gồm: Cổ lôi âm – Di đà Phật điện – Chung cảnh tĩnh. Trong khuôn viên chùa có nhiều công trình phụ như: Địa mẫu thánh miếu; Quan Âm lộ thiên, Địa Tạng lộ thiên. Chùa gắn liền với lịch sử Đảng bộ và quân dân tỉnh Sóc Trăng đón tiếp đoàn tù Chính trị Côn Đảo trở về đất liền ngày 23.9.1945,...

Chùa Vĩnh Hưng (TP. Sóc Trăng). Chùa Vĩnh Hưng còn có tên gọi là chùa Cây Điệp được thành lập vào năm 1912, bà Đinh Thị Định sáng tạo. Đây là ngôi chùa theo phái Bắc Tông, với diện tích khoảng 5.200 
m2 . Ngôi chùa có nhiều điểm tương đồng và khác biệt so với các chùa người Kinh trong tỉnh. Đặc biệt chùa được xây dựng hoàn toàn bằng đá, bố cục hài hòa giữa kiến trúc thổ phù của Nhật Bản và Việt Nam, mỗi khối đá có kích thước là dài 0,3m, 0,2m rộng, cao 0,2m. Nhiều công trình phụ của chùa đều mang nết thu hứt mọi người đến tham quan chiêm bái.

Chùa Phước Lâm thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên: Hình thành vào năm 1886 và được xây dựng mới, khang trang – đẹp vào năm 2007; chánh điện rộng, thoáng có 02 tầng lầu. Có nhiều công trình phụ như: ngôi Tứ Đồng Tâm; Ngôi mộ Tổ Thích Huệ An; khu phật thất. Nét nổi bật ở chùa là có nuôi dưỡng các bệnh nhân nghèo, người già neo đơn (khoảng 100 người), có phòng y tế chữa bệnh và châm cứu hốt thuốc.

Chùa Bửu Linh thuộc tại chợ Kinh, ấp Dương Kiển, Hòa Tú II – Mỹ Xuyên). Chùa hình thành vào cuối thế kỷ 19. Chùa đã qua 3 lần trung tu, và hiện đang còn xây dựng nhà khách tăng, nhà khách ni. Chùa còn lưu lại khoảng 100 tượng Phật bằng gỗ lớn nhỏ, các kinh bằng gỗ (chưa rõ nội dung) và chùa duy nhất trong tỉnh có 01 tháp Cửu Long bằng đồng.

Có thể nói đình, chùa là nơi thể hiện và giải quyết nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của một bộ phận người dân có đạo hoặc không có đạo, nhưng cũng là nơi có thể thành điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước, nếu có những đặc điểm nổi bật, hấp dẫn về nguôn gốc lịch sử, về các truyền thuyết gắn liền với địa phương và toàn vùng, về kiểu kiến trúc đặc sắc và độc đáo,…

Với một số đình, chùa vừa nêu, cho thấy những nét nổi bật, độc đáo riêng mà các đình chùa khác không có. Tuy nhiên, để đưa vào hoạt động theo mô hình du lịch tâm linh, các ngành chủ quản về lĩnh vực du lịch và địa phương có sự quan tâm, phối hợp trong công tác triển khai quy hoạch và có lộ trình phát triển thành điểm đến phục vụ khách.

Lý Thị Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét