21 thg 3, 2019

Kiến trúc tuyệt mỹ của “Thiếu Lâm Tự” nổi tiếng Việt Nam

Gắn với sự nghiệp thiền sư Chuyết Chuyết đến từ Trung Hoa, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh còn được biết đến với tên gọi "Thiếu Lâm Tự". Đây được coi là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.

Nằm ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Bút Tháp là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam. Chùa còn được biết đến với các tên gọi khác chùa Nhạn Tháp, Thiếu Lâm Tự, Hoàng Cung Tự
 
Theo sách Địa chí Hà Bắc (xuất bản năm 1982), chùa Bút Tháp có từ đời vua Trần Thánh Tông (1258-1278). Đến thế kỷ 17, chùa trở nên nổi tiếng với sư trụ trì là Hòa thượng Chuyết Chuyết (1590-1644) đến từ Trung Hoa. Năm 1644, Hòa thượng viên tịch, kế nghiệp là Thiền sư Minh Hạnh

Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc đã rời cung thất về chùa Bút Tháp tu hành. Thấy chùa bị hư nát nhiều, bà bỏ tiền của, ruộng lộc ra để trùng tu lại. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong. Về cơ bản, quy mô và cấu trúc của chùa Bút Tháp hiện nay được xây dựng từ thời đó

Trải qua nhiều thế kỷ, chùa được trùng tu vào các năm 1739, 1903, 1915, 1921 và gần đây vào năm 1992-1996. Quần thể kiến trúc của chùa còn giữ lại nhiều di tích của thế kỷ 17

Cũng như nhiều ngôi chùa cổ phía Bắc khác, chùa Bút Tháp được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, với các công trình kiến trúc được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm

Công trình ngoài cùng là tam quan, có kiến trúc tương đối giản dị. Tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái

Sau gác chuông là 7 tòa nhà nối tiếp nhau: Tiền Đường, Thiên Hương, Thượng điện, Tích Thiện Am, nhà Trung, phủ thờ, hậu đường, tổng chiều dài hơn 100 mét

Trong các công trình này, ấn tượng nhất là Tích Thiện Am, một tòa nhà ba gian hai chái, chính giữa có hai tầng gác nhô cao với các đầu đao uốn cong

Kết cấu các công trình của chùa Bút Tháp dùng khung gỗ chịu lực, phần nền bệ, lan can thì dùng đá

Nghệ thuật trang trí được thể hiện trên hầu hết các chất liệu gỗ, đá và các đồ thờ của chùa, trong đó nghệ thuật điêu khắc đá đạt đến đỉnh cao với các hình ảnh sống động tươi vui, hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt mang đậm nét nghệ thuật thiền

Một tác phẩm điêu khắc đã tiêu biểu của chùa Bút Tháp là câu cầu nối giữa Thượng điện và Tích Thiện. Cầu bắc qua hồ nhỏ trồng sen, súng, dài 4 mét gồm 3 nhịp uốn cong, mặt lát đá xanh

Hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá, linh vật... rất công phu, tinh xảo, nối liền với các phù điêu đá ở lan can tòa Thượng điện

Đầu cầu là hai con sư tử đá

Một công trình bằng đá khác được coi là biểu tượng của chùa Bút Tháp, đó là tháp Báo Nghiêm. Tòa tháp trông như một cây bút khổng lổ gồ 5 tầng với chiều cao 13.05m, tầng đáy rộng với mái hiên nhô ra; bốn tầng trên gần giống nhau, mỗi cạnh rộng 2m

Tầng tháp dưới cùng có 13 bức chạm đá với đề tài động vật. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc của người thợ Việt Nam xưa

Tương truyền vào năm 1876, khi vua Tự Đức qua chùa thấy có một cây tháp hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp, và ngôi chùa mang tên Bút Tháp từ đó

Các tòa tháp trong khu vườn tháp của chùa

Các công trình chính của chùa Bút Tháp được bao bọc bởi các dãy hành lang chạy dọc hai bên, mỗi bên gồm 26 gian

Trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật, đáng chú ý là một hệ thống tượng tròn rất đặc sắc so với những ngôi chùa cổ khác

Tượng Phật giáo ở đây có nhiều loại, như tượng các vị Bồ Tát, tượng Hộ Pháp, tượng các vị La Hán... trong đó có những pho rất quý, nổi tiếng cả nước và được giới nghiên cứu xem là khuôn mẫu của tượng Phật giáo Việt Nam

Nổi bật nhất trong chùa là pho tượng Phật Quan Âm nghìn tay nghìn mắt do nghệ nhân Trương Thọ Nam tạo tác và hoàn thành vào năm 1656. Đây là một kiệt tác hàng đầu về nghệ thuật tạc tượng làm nổi bật triết lý nhà Phật, và được công nhận Bảo vật quốc gia từ năm 2012

Tượng được đặt ở Thượng điện, cao 3.7m, ngang 2.1m, dày 1.15m, cánh tay dài nhất là 200cm, đặt trên tòa sen Rồng đội, biểu cảm thư thái, đôi mắt quảng đại, đằng sau là vầng hào quang tỏa sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước như thuỷ cung

Nét đặc sắc của tượng là có đến 42 tay lớn và 958 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Đặc biệt là mỗi bàn tay lại có một con mắt đen láy, nhịp điệu mỗi cánh tay cũng khác nhau. Cả nghìn tay nghìn mắt nhìn tổng thể như những vòng hào quang tỏa ra

Một cổ vật đặc sắc khác của chùa Bút Tháp là tòa Cửu phẩm liên hoa đặt bên trong Tích Thiện Am, một trong ba tòa Cửu phẩm liên hoa cổ xưa còn được gìn giữ ở Việt Nam

Đây là một tháp quay cao 9 tầng, 8 mặt. 9 tầng là 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chánh quả của Phật giáo. 8 mặt là 8 phương của nhà Phật, được chạm những bức phù điêu liên quan đến tích Phật giáo, khuyến thiện trừ ác, hành trang các vị tổ, đại sư

Mỗi vòng quay của tháp ứng với 3.542.400 câu niệm phật. Dù được làm từ mấy thế kỷ trước, tòa Cửu phẩm vẫn có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu

Hàng năm, lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức vào ngày 23 - 24 tháng 3 Âm lịch với các hoạt động văn hóa truyền thống thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương về dự

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật, chùa Bút Tháp đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia từ năm 1962. Đến năm 2013, chùa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét