21 thg 5, 2016

Giữ rừng mùa ươi...

Hằng năm, từ giữa tháng 4 đến tháng 5, cây ươi (còn gọi là đười ươi, lười ươi) có quả già, chín và rơi rụng theo những cơn gió. Do thời tiết năm nay khắc nghiệt nên ươi đậu quả ít. Mặc dù vậy, lực lượng bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vẫn thường xuyên tuần tra, chốt trực để ngăn chặn kịp thời những đối tượng vào rừng chặt phá cây ươi.
Ươi ra quả ít

Vượt đường rừng gần 15 km qua các khu vực trảng cỏ, lồ ô… cuối cùng chúng tôi cũng đến được vùng đồi Đất Đỏ là nơi có nhiều cây ươi. Càng tiến sâu vào rừng, chúng tôi càng nhìn thấy cây ươi mọc nhiều hơn. Kiểm lâm viên Lại Văn Kiệt, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên cho hay, trái ươi già chín sẽ theo hướng gió bay xa với khoảng cách khoảng 10 m. Khi gặp môi trường có độ ẩm thích hợp hạt ươi sẽ nẩy mầm và lớn lên thành cây. Do vậy, cây ươi mọc rải rác khắp nơi trong rừng.

Gần khu vực Trạm kiểm lâm Đồi Đất Đỏ, có nhiều cây ươi lâu năm, thân cây to bằng hai người ôm và vươn lên cao từ 30 - 40 m, thẳng tắp. Cành, lá và quả của cây ươi đều tập trung trên ngọn cao, muốn hái được trái phải leo đến gần ngọn cây. Thế nhưng, do trái ươi bán được với giá cao nên không ít người bất chấp nguy hiểm lẻn vào rừng để trèo hái ươi. Kiểm lâm viên Đinh Sỹ Đạt chia sẻ: “Trái ươi thường thu hoạch vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa. Thời điểm này, hiện tượng thời tiết thường xảy ra là gió kèm theo mưa, ươi gặp nước là nở ra hư hết. Có những năm trái ươi được giá, nhiều người lại đổ xô đi hái ươi, hái cả trái xanh”.

Lực lượng kiểm lâm VQG Cát Tiên đang tuần tra khu vực có nhiều cây ươi


Theo Kiểm lâm viên Lại Văn Kiệt, chu kỳ cứ 3 năm cây ươi ra quả một lần và rất sai quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, ươi ra quả ít. Kiểm lâm viên Lại Văn Kiệt giải thích: “Bắt đầu từ tháng 3 dương lịch, cây ươi rụng lá, sau đó ra hoa đậu quả. Tuy nhiên, năm nay nhiều cây sau khi rụng lá lại không ra hoa. Thậm chí có những cây đã ra hoa nhưng lại rụng chứ không đậu quả. Do vậy, sản lượng ươi năm nay rất thấp”.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác, thuộc Khu bảo tồn) cho biết, cây ươi của Khu bảo tồn chủ yếu tập trung ở khu vực: DaKin, Bù Đăng, Suối Ràng, Bàu Điền, Trung ương cục… Năm 2014, ươi ra quả rất nhiều, ước lượng mỗi cây có thể thu được khoảng 20 kg. Năm nay, ươi ra quả rất ít. Những cây nào năm trước đã ra quả rồi thì năm nay không ra nữa. Số còn lại cho quả không đáng kể. “Theo tôi nghĩ, việc ươi ra quả không ổn định một phần cũng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do vậy, rất khó đoán được chu kỳ cây ươi ra quả. Thực tế, có khi 5 năm cây ươi ra quả sai một lần, nhưng cũng có khi 3 năm một lần. Mấy năm gần đây thì năm nào cũng có nhưng không được nhiều”, ông Hiệp tâm sự.

Bảo vệ tài nguyên rừng

Ông Trần Văn Bình, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên nửa đùa, nửa thật: “Ươi ra ít quả lại giúp chúng tôi đỡ cực”. Rồi ông giải thích: “Công việc của chúng tôi là bảo vệ rừng “tại gốc” nên luôn bị áp lực suốt cả năm. Vào mùa khô, lực lượng tập trung công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ cây ươi, còn mùa mưa chú trọng công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Do ươi mất mùa, giá lại thấp nên người dân ít đi khai thác ươi hơn những năm trước đây”.

Người dân trèo hái ươi (Ảnh: VQG Cát Tiên cung cấp)

Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc VQG Cát Tiên cho biết, ươi thường được thương lái thu mua và bán sang Trung Quốc với giá rất cao. Hiện nay, hạt ươi bán cho người tiêu dùng có giá khoảng 450.000 đồng/kg. Những năm trước có thời điểm giá hạt ươi lên đến 700.000 - 800.000 đồng/kg. Cũng theo ông Diện, toàn vườn có gần 26.600 cây được định vị, trong đó cây ươi chiếm khoảng trên 5.000 cây, tập trung ở Cát Lộc (Lâm Đồng), khu vực đồi Đất Đỏ. Trước đây, vườn đã phân chia lực lượng kiểm lâm quản lý tất cả các cây ươi và ngăn chặn không cho người dân vào rừng nhặt, hái ươi. Tuy nhiên, lực lượng mỏng nên không thể quản lý địa bàn rộng lớn. Do vậy, đối tượng thỉnh thoảng vẫn xâm nhập vào rừng để chặt nhánh, đốn cây ươi để hái quả. Vài năm trở lại đây, Vườn đã khoán cho cộng đồng bảo vệ rừng (những người dân tham gia tích cực công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trong nhiều năm qua) bảo vệ khu vực có cây ươi, không để người lạ vào chặt phá. Qua đó, VQG cho phép họ đi nhặt những quả ươi rơi rụng để kiếm thêm thu nhập. “Đây là phương án chia sẻ lợi ích với người dân, đồng thời vận động họ cùng tham gia quản lý nguồn tài nguyên rừng. Nhờ vậy, năm 2014, mặc dù ươi được mùa nhưng không có cây nào bị chặt. Theo kinh nghiệm dân gian, quả ươi có giá trị giải khát. Mùa nắng nóng người dân đem trái ươi ngâm nước cho nở, sau đó pha với hạt é và đường thành một loại nước giải khát ngọt, mát. Ngoài ra, hạt ươi còn dùng chữa trị được một số bệnh nên ươi thường được thương lái thu mua và bán sang Trung Quốc với giá rất cao. Có thời điểm giá ươi lên đến 700.000 - 800.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Hữu Đạo (Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) cho biết, tùy theo năm mà Khu bảo tồn thực hiện phương án khác nhau, có năm cấm không cho người dân vào thu hoạch nhằm để tái sinh cho rừng, cũng có năm cho thu hoạch nhưng chỉ được nhặt lượm chứ không cho leo chặt nhánh, đốn cây. 

Trái ươi hái từ trên cây xuống (Ảnh: VQG Cát Tiên cung cấp)

Ông Đặng Văn Nhơn (Trưởng ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) còn cho biết thêm: “Năm nay, người dân không mặn mà với việc vào rừng nhặt, hái quả ươi do sản lượng ươi quá ít; giá cả xuống thấp (ươi bay dưới 150.000 đồng/kg, còn ươi xanh khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg); công tác tuần tra bảo vệ ươi nghiêm ngặt của lực lượng bảo vệ rừng. Do vậy, bỏ công đi một ngày vất vả trong rừng cũng chẳng được bao nhiêu tiền, trong khi đi làm thuê mỗi ngày cũng được từ 150.000 - 200.000 đồng. Đó là chưa nói đến chuyện leo trèo rất nguy hiểm, rồi gặp rắn, rết, thú dữ. Do vậy, tôi cũng thường xuyên vận động người dân đừng vào rừng nhặt hái ươi và nhiều người cũng nghe theo”.

Thành Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét