14 thg 5, 2016

Lá bép, lá bướm Mã Đà

Trong quyển "Những kỷ niệm ở rừng miền Đông" của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân có kể rằng, một đơn vị bộ đội khi hành quân trên vùng Bình Phước chẳng may bị lạc rừng. Hết lương thực, đoàn quân hàng trăm người phải tìm lá cây rừng ăn cầm hơi suốt một tuần. Đó là những thứ lá rừng vị ngọt thanh, ăn khá ngon miệng. Mãi sau này, nhiều người mới biết đó là lá bép.

Lá cây bép


Ông Nguyễn Văn Nổi, già làng dân tộc Chơ Ro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) kể rằng, thỉnh thoảng các con ông cũng vào rừng tìm lá bép, lá bướm hái đem về làm rau ăn. Đối với ông và nhiều người dân tộc thiểu số lớn tuổi khác thì lá bép, lá bướm còn là đặc sản vì cái vị ngọt khó quên của nó. Nhiều người dân từng vào rừng hái lá bép, lá bướm về nấu canh, làm rau sống hoặc luộc chấm nước mắm. Với món canh, sau khi nấu nước sôi, bỏ lá bép non được thái nhỏ vào và nêm chút muối là có món canh ngon ngọt mà không cần thêm tôm, thịt và bột ngọt. Hai loại lá rau rừng này dùng làm rau sống hoặc luộc đem chấm với mắm hoặc cá kho thì vừa ngọt vừa bùi. Gần đây, nhiều người dân miệt rừng còn hái lá bép về làm rau ăn với bánh xèo, bánh khọt cũng rất ngon miệng. So với lá bép thì lá bướm không ngọt, bùi bằng nhưng đây là thứ rau ăn cũng rất mát như rau dền, mồng tơi. Riêng lá bép ăn vào rất mát nên nhiều người thường dùng khi bị khô da, táo bón. Ngoài lá thì trái bép cũng được nhiều người ưa thích. Trái nhỏ bằng đầu đũa, mọc thành chùm. Khi còn non trái màu xanh, già trái chín đỏ. Nhiều thú rừng rất thích ăn trái bép. Trái chín có thể ăn sống hoặc luộc ăn bùi như đậu phộng.

Cây bép và cây bướm thân đều mềm như cây rau dền, mọc thành rừng, lá nhỏ bằng hai ngón tay người (lá bép mỏng, lá bướm dày hơn và thân có lông mịn), có nhiều ở rừng miền Đông. Trong chiến tranh, lá bép, lá bướm từng có thời kỳ vừa được các anh nuôi ở nhiều cơ quan, đơn vị hái về nấu ăn thay cơm, làm canh, thậm chí có lúc còn làm thức ăn mặn (lá bép kho với nước mắm). Nhiều chiến sĩ, cán bộ giao liên đi rừng bị lạc đường cũng hái lá bép, lá bướm ăn cầm chừng để tìm đường về. Do vậy, hai loại lá rừng này với nhiều người từng có thời gian sống và làm việc ở Chiến khu Đ là món ăn quen thuộc và với đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng là món ăn thường thức. Hiện nay, ở một số chợ nhỏ ven rừng miền Đông, người dân vẫn thường đem lá bép ra bán như các món rau cải tươi khác với giá khá rẻ.

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng trên báo Đồng Nai 15/12/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét