16 thg 3, 2015

Thăm Long Tuyền cổ miếu - Cần Thơ


Long Tuyền cổ miếu tức Đình Bình Thủy ngày nay đã được vua Tự Đức năm thứ 5 phong sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng ngày 29 tháng 11 năm 1852.

Ngôi đình hiện tại được xây dựng từ 1909. Đây là một trong những ngôi đình lâu đời của Nam bộ còn giữ được khá nguyên vẹn ở Cần Thơ.

Đình Bình Thủy là một công trình kiến trúc - nghệ thuật có giá trị của dân tộc Việt Nam, nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân trong những ngày lễ hội truyền thống.

Ngày 5 tháng 8 năm 1989, bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định công nhận đình Bình Thủy là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật.


Trên đây là toàn văn bia ký tại Đình Bình Thủy - Long Tuyền cổ miếu.

Từ trung tâm TP Cần Thơ đi theo đướng Cách mạng Tháng Tám (quốc lộ 91) khoảng 5 km qua cầu Bình Thủy, vừa qua cầu thì bên phải là Long Tuyền cổ miếu.

Sao gọi là Bình Thủy?

Năm 1852 tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt đi tuần thú trên sông gặp một trận cuồng phong nhưng kịp thời nấp vào rạch Bình Hưng nên thoát nạn. Sau khi tìm hiểu biết nơi đây quanh năm cây trái tươi tốt, dân an cư lạc nghiệp nên đặt tên cho con rạch là Bình Thủy với ý nghĩa là dòng nước bình an. Khi về triều, ông tâu xin vua Tự Đức ban sắc phong thần cho làng Bình Thủy. Nhà vua sắc phong thần cho làng là Bổn Cảnh Thành Hoàng ngày 29/11/1852. Từ đó làng có tên mới là Bình Thủy và nơi thờ tự gọi là đình Bình Thủy.


Sao gọi là Long Tuyền?

Khi xưa, địa danh Long Tuyền bao gồm từ chợ An Thới đến mạn Đông cầu Trà Nóc và chạy sâu vô bên trong theo trục đường Bùi Hữu Nghĩa - Bình Thuỷ, nối với tỉnh lộ 923 và kéo tận đến phường Long Tuyền. Do phạm vi rộng lớn và có nhiều di tích văn hóa - lịch sử cổ kính nên vùng nầy còn được gọi là làng cổ Long Tuyền, với ngôi đình Bình Thuỷ - vốn xưa gọi là  Long Tuyền cổ miếu - là đầu mối. Địa danh này được đặt từ 1906, do các cụ hương chức trong làng cho rằng con rạch Bình Thủy có hình dáng như rồng nằm uốn lượn (Long Tuyền nghĩa là suối rồng).

Bình Thủy nay vẫn còn là tên quận của TP. Cần Thơ, nhưng Long Tuyền đã là tên cổ. 

Đình Bình Thủy không có tam quan, mà chỉ có cổng đình như thế này thôi:


Nhưng hiện nay TP Cần Thơ đã tôn tạo khu di tích này và làm 2 cổng tam quan, một ở mặt tiền đường Cách mạng Tháng Tám, một quay ra rạch Bình Thủy, tạo thành một khuôn viên rộng trước đình. Từ đường lộ, qua cổng tam quan, nhìn bên trái sẽ là cổng đình.

Cổng tam quan ở phía đường lộ, nhìn từ bên trong

Cổng tam quan phía rạch Bình Thủy, với khoảng sân rộng thênh thang.

Mô tả chi tiết về Long Tuyền cổ miếu xin mời bạn đọc bài viết của anh Lâm văn Sơn: Long Tuyền cổ miếu, ở đây chỉ xin nêu một vài cảm nhận của tôi thôi.

Nhìn bên ngoài, kiến trúc Long Tuyền cổ miếu khá đơn giản, không cầu kỳ, phô trương.

Mặt tiền khu đình chính, rộng 14,5 m, dài 35,8 m.

Kiến trúc khá đơn giản

Tuy nhiên, khi vào bên trong, ta thấy đầy đủ vẻ uy nghiêm, trang trọng của một ngôi đình cổ Việt Nam.



Và điều gây ấn tượng lớn nhất là trong đình thờ rất nhiều những danh nhân Việt Nam thời cận đại, những anh hùng kháng chiến chống Pháp hoặc danh sĩ như Nguyễn Trung Trực, Đinh Công Tráng, Bùi Hữu Nghĩa...

Bàn thờ Nguyễn Trung Trực



Ảnh thờ các vị tiền bối này với áo dài khăn đóng Việt Nam tạo nên nét khác biệt so với các tượng thờ thần thánh thường thấy ở các đình làng. Ta sẽ không thấy ngạc nhiên lắm với điều này nếu biết rằng vùng đất Bình Thủy - Long Tuyền chính là nơi các cụ trong phong trào Đông Du chọn làm địa bàn hoạt động. Phía bên kia sông, đối diện với Long Tuyền cổ miếu là Nam Nhã Đường, ngôi chùa, là cơ sở của các chí sĩ phong trào Đông Du. Phía sau Nam Nhã Đường hiện vẫn còn phần mộ của nhiều chí sĩ Đông Du.

Bước ra tam quan (hướng sông), nhìn sang bên kia sông ta thấy ngôi chùa Nam Nhã Đường nằm yên ả soi mình trên mặt nước.


Còn đây là cầu Bình Thủy, cây cầu nối 2 di tích của vùng đất Long Tuyền: một bên là Nam Nhã Đường, một bên là Long Tuyền cổ miếu.


Như tên của vùng đất này, dòng nước bình yên, những di tích chứa đựng trong mình bao thăng trầm của lịch sử vẫn nằm bình dị, đơn giản, không cầu kỳ, phô trương. Và như thế thật đáng cho chúng ta đến đây để ngưỡng vọng và chiêm nghiệm lẽ đời, phải không bạn?


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét