12 thg 3, 2015

Những người làm nên sức sống cho điệu múa trống Xa-dăm

Hồi cuối năm 2014, nghệ thuật múa trống Xa-dăm (Chhay dam) của người Khmer ở ấp Trường An, xã Trường Tây đã được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Sự kiện này cũng làm nhiều người đặt câu hỏi: Tây Ninh chỉ là một tỉnh nhỏ, đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ không nhiều so với các tỉnh miền Tây Nam bộ như Sóc Trăng, Trà Vinh... Tỉnh Trà Vinh còn có một đoàn nghệ thuật Khmer được Nhà nước bao cấp, đó là đoàn Ánh Bình Minh.

Vậy sao điệu múa trống của một xóm Khmer không đông lắm ở Tây Ninh lại được tôn vinh như thế? Những ai đã từng thưởng thức điệu múa trống Xa- dăm ấy chắc sẽ dễ dàng công nhận ngay mà không thắc mắc. Cũng có nhiều người đã biết điệu múa ấy hay và đẹp (do ở âm thanh dân dã, do các mảng miếng khi múa, khi lăn hoặc khả năng chơi trống bằng nhiều phần cơ thể của người múa…) nhưng nếu bảo nhận xét cụ thể hơn thì đành chịu! Vậy phải đi tìm lý do thôi, mà tốt nhất là bắt đầu với những người trong cuộc- những người dân ở ấp Trường An, xã Trường Tây. 

Múa trống Xa-dăm. 

Ở ấp Trường An có một gia đình từ hàng chục năm qua mở lớp dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc Khmer cho các em nhỏ, trong đó có trống Xa-dăm. Đó là gia đình chị Cao Thị Yến. Có một tin vui cho chị đây! Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh đang làm hồ sơ đề nghị phong tặng chị là Nghệ nhân Ưu tú.

Lớp nhạc ngũ âm của chị Yến hiện có 7 học viên, còn lớp múa có 22 em theo học. Căn nhà của chị Yến đã được xây sửa khang trang, có dành hẳn một phòng làm nơi tập đàn. Còn muốn tập múa thì phải ra Nhà Văn hoá dân tộc của ấp. Cuối tháng 11 âm lịch vừa qua là giai đoạn cao điểm của lớp học, vì các em học viên phải luyện tập mỗi ngày để còn phục vụ tết ở Toà thánh Tây Ninh.

Người có năng khiếu nếu chịu khó luyện tập mỗi ngày cũng phải mất ba tháng mới gọi là chơi được các loại nhạc cụ. Còn để chơi hay và thuần thục thì phải học tiếp theo không biết mấy thời gian. Hỏi chị Yến về sự khác biệt giữa múa trống Xa-dăm Tây Ninh và múa trống Xa-dăm của các tỉnh miền Tây; chị bảo: ở các tỉnh kia, trống Xa-dăm không thành một điệu múa riêng mà chỉ phụ hoạ cho các điệu múa Khmer khác.

Vậy chỉ có Tây Ninh mới có tiết mục múa trống này sao? Chị đáp: đúng vậy, ngay cả bên Campuchia cũng không có! Nói cụ thể hơn là múa trống Xa-dăm Tây Ninh hoàn toàn do người Khmer ở Trường Tây sáng tạo nên. Chị Yến nhắc đến người thầy đầu tiên của thế hệ mình, người đó chính là cha của chị- ông Cao Văn Un.

Ông Un cùng với người em trai là Cao Văn Bun và người bạn cùng xóm Cao Văn Đen là những học trò đầu tiên của Phối sư Chia (người Campuchia)- người được Tòa thánh giao phụ trách ban nhạc Tần Nhơn của đạo. Ông cũng quản lý luôn các loại nhạc cụ Khmer, trong đó có bộ nhạc cụ do hoàng thân Campuchia Sihanouk tặng. Chị Yến lại bảo: muốn tìm hiểu kỹ hơn thì đến gặp ông Trần Minh Châu- trưởng trống.

Gặp rồi, mới biết. Thì ra đội trống Xa-dăm 30 người có đến một nửa người Kinh chứ không riêng gì ông đội trưởng. Lý do chủ yếu là người Khmer Trường An vẫn phải chịu áp lực “miếng cơm, manh áo” nên đã không đủ người để theo đuổi và say đắm với nghệ thuật múa trống. Thế là đội trống phải tìm các thanh thiếu niên có năng khiếu, biết đam mê và có điều kiện hơn để truyền nghề. Vẫn là trên cơ sở kế thừa vốn liếng các ông thầy xưa để lại mà vẫn phải luôn nghĩ suy để sáng tạo ra những mảng, miếng mới trong múa trống.

Ngay cái trống cũng đã được cải tiến ít nhiều để phù hợp với sự linh hoạt của từng động tác múa. Nếu trống trước kia có thân là nguyên khúc cây tròn đục rỗng, mặt da trâu nặng tới 7- 8 ký thì trống nay đã được thay thế một phần đuôi bằng nhôm nên chỉ còn chừng 4 ký.

Ông Châu còn nhớ rõ lời các thầy mình kể về quá trình hình thành và phát triển tiết mục múa trống Xa-dăm ở tỉnh nhà. Thoạt đầu là từ khoảng năm 1953, khi hoàng thân Campuchia Sihanouk tặng Toà thánh bộ nhạc cụ Khmer gồm một đàn xuồng, hai đàn ngũ âm, một trống cơm, hai trống chiến, một bạc xà cùng ba trống Xa-dăm.

Đầu tiên, trống chỉ dùng để đánh nhịp phục vụ nghi thức cho lễ cúng tại đền thánh, sau này dần dần có sự phối hợp giữa múa trống với múa long mã, kỳ lân. Về sau, trống Xa-dăm được sáng tạo thêm các kiểu đánh bằng cùi chỏ, đầu gối, gót chân. Sau nữa (thời ông Châu làm trưởng trống) thì có thêm các điệu múa lăn tới và lăn ngược vv…vv…

Từ ba chiếc trống ban đầu ấy, nay bộ trống Xa-dăm của người Khmer Trường An đã có 25 chiếc. Điệu múa trống cũng trở nên phong phú linh hoạt hơn. Vậy là một điệu múa dân gian đặc sắc- chỉ Tây Ninh mới có đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Nói cách khác là đã có một “thương hiệu” cho múa trống Xa-dăm Tây Ninh.

Nhiều thế hệ người Tây Ninh đã góp công sức sáng tạo để từ những chiếc trống gỗ đơn sơ giản dị kia lan toả ra những sắc màu âm thanh rộn rã, đặc biệt cuốn hút. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất vẫn là các nghệ sĩ dân gian của ấp Trường An. Dẫu còn phải chật vật trong cuộc mưu sinh vất vả nhưng ngọn lửa đam mê sáng tạo trong họ vẫn luôn bừng cháy và truyền tiếp từ đời này qua đời khác.

TRẦN VŨ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét