28 thg 12, 2013

Đền Và

Nằm ở Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây Bắc, đền Và là một công trình kiến trúc nghệ thuật cuối đời Lê đầu đời Nguyễn, một danh thắng của xứ Đoài, đã được Bộ văn hóa xếp hạng. Đền thờ Đức thánh Tản Viên Sơn (tức Sơn Tinh), vị thần của người nông dân Việt Nam, phù hộ cho mùa màng, thời tiết.

Hôm đó, từ Sơn Tây, chúng tôi đi về hướng Thành cổ, rẽ qua cầu Công Cộng đến khu Xã Tắc, nằm bên dòng sông Tích. Theo con đường láng nhựa khoảng một cây số, qua cánh đồng làng Vân Gia chúng tôi đến đền Và. Một ngôi đền cổ kính nằm giữa rừng lim già nguyên sinh, trên gò đất rộng 6 ha hình con rùa, đầu quay về hướng Bắc. 

Một góc đền Và 



Theo truyền thuyết, Đức thánh Tản Viên là một trong bốn vị thần (tứ bất tử) của dân tộc Việt nam (Bà Chúa Liễu thần dạy nghề, Thánh Gióng thần đánh giặc ngoại xâm, Tản Viên thần mùa màng thời tiết và Tiên Dung - Chữ đồng tử là thần tình yêu).

Chuyện kể rằng, vào một ngày 14 tháng giêng âm lịch, không rõ năm nào, nhân một lần đi đánh giặc về, Sơn Tinh đi đến vùng bãi, ven sông Hồng, người, ngựa còn bám đầy cát bụi, mồ hôi nhễ nhại, trời lại oi bức (có tài liệu nói là Thánh Tản sang cung Bắc chơi, thăm mẹ), ngài dừng chân và chọn gò đất cao có bóng mát để nghỉ ngơi, chuẩn bị hành trình về núi Tản. Vừa lúc ấy có một người đàn bà gánh sọt đi tới. Ngài bèn gọi người đàn bà lại, ngỏ ý nhờ gánh cho hai sọt nước mát giữa sông để tắm. Người đàn bà ngạc nhiên, nói: “Gánh nước cho tướng quân tắm, tôi không ngại, nhưng tôi chưa thấy ai dùng sọt gánh nước được bao giờ”. Sơn Tinh bảo: “Bà cứ dùng sọt mà gánh sẽ được”. Người đàn bà làm theo thì kỳ lạ thay đôi sọt tre mà đựng được nước! Bà gánh nước lên gò cao có cây cối um tùm rồi lặng lẽ ra về.

Sơn Tinh tắm mát xong chẳng nhìn thấy người đàn bà đâu. Ngài cùng quan quân, người ngựa lướt nhẹ trên sông Hồng trở về Núi Tản. Ngày hôm sau người đàn bà ra chỗ ngài tắm và lẳng lặng hóa thân ở đó. Ít ngày sau, mối đùn lên phủ kín xác bà. Nhớ ơn này Sơn Tinh liền loan báo cho dân làng ra rước thi hài bà về mai táng và cho xây đền thờ. Ngôi đền ấy ngày nay gọi là đền Dội (làng Di Bình - Vĩnh Phúc). Có mối liên quan đến đền Và như sau. 

Dấu thời gian 


Lễ hội Rằm tháng Giêng ở đền Và là lễ hội của một vùng. Những năm đại hội có sự tham gia của tám làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai (Sơn Tây) và Di Bình (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Lễ hội rước bài vị Đức Thánh Tản Viên từ đền Và (xã Trung Hưng) qua sông Hồng sang đền Dội (Di Bình - Vĩnh Phúc), lấy nước giữa sông Hồng làm lễ mộc dục (tắm rửa ngai). Tại đền Dội có nghi lễ cúng lợn sống (vì xưa ngài vội ra đi mà chẳng kịp nấu ăn). Dân nhìn vào lá cờ đại, khi nào thấy đổi gió về hướng đền Và thì lại rước ngài quay về thăm mẹ. 

Nhà ngang 

Đền Và là một ngôi đền lớn, rộng rãi. Trước cửa đền có giếng ngọc và ngũ Dinh. Ngoài cổng nghi môn có 3 cửa rộng, hai bên là gác chuông, gác trống. Qua một sân gạch rộng, bước vào đền Trung. Tại đây có 4 pho tượng lớn, hai con ngựa hồng và bạch, vào trong nữa là đền Thượng và hậu cung, có 3 ngai thờ Tản Viên và hai anh em họ của ông là Cao Sơn và Quý Li. Trong đền có nhiều đồ thờ cổ có giá trị như: lọ lộc bình, choé, cột đèn bằng đá, chuông đồng…. và nhiều hoành phi, câu đối. Các cửa đền sơn son, vẽ rồng vàng.

Đền Và còn có tên gọi khác là Đông cung - là một trong hệ thống Tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài. Đền Và qua các triều đại (Lý, Trần …) đều được trùng tu sửa chữa. Đến đời Duy Tân (1907-1916) đền được trùng tu đến ngày nay. Đây là ngôi đền nổi tiếng thiêng liêng ở xứ Đoài, người dân các vùng lân cận thường đến đây cầu xin, khấn nguyện. 

Rừng lim cổ thụ ở đền Và 

Sau khi vào thăm đền, thắp hương, chúng tôi trải tấm bạt ngồi dưới gốc những cây lim già, tán lá dày không một vệt nắng. Nhìn xa xa, dòng sông Tích uốn lượn, nước trong xanh mát. Lòng bình yên khi ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh rì, ngút mắt. Con đường làng nhỏ nhỏ, những quán chè chén đầu làng đặc trưng cho vùng quê Bắc bộ Việt Nam…

Đặc biệt, làng Vân Gia có một đặc sản rất ngon là bánh tẻ. Đây là một loại bánh giống như bánh giò, nhưng dai hơn và không có nhân thịt, ăn rất ngon, rất đặc trưng mà không nơi nào có được.

BÌNH AN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét