12 thg 4, 2013

Còn đâu kơnia ngả bóng che ngực em

Buổi sáng em làm rẫy
Thấy bóng cây kơnia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ.


Đã mấy chục năm rồi kể từ khi bài thơ nổi tiếng Bóng cây kơnia của nhà thơ Ngọc Anh ra đời và được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Có dịp ghé lên Tây nguyên, không ít người lại muốn nhìn thấy bóng cây kơnia lãng mạn đó.

Nhưng bây giờ tìm kơnia ở đâu giữa Tây nguyên bạt ngàn?

Buôn Kơnia chỉ còn ba cây 


Cây kơnia còn sót lại ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (Gia Lai) - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG


Ở Krông Pa có một buôn tên gọi Kơnia. Thoạt nghe qua cái tên buôn Kơnia, nhiều người tưởng đó là buôn có rất nhiều loài cây này. Già làng Ale Lê ở buôn Kơnia cười: “Ồ, đúng là như thế đấy nhưng đó là ngày xưa khi mới đưa dân về thôi, giờ cả buôn chỉ còn sót lại đúng ba cây kơnia”. Nói rồi ông chạy xe máy đưa chúng tôi đi một vòng quanh buôn.

Ba cây kơnia còn sót lại nằm ở ba góc cách trung tâm buôn cả cây số, hầu hết đều ở những bìa rẫy không đụng chạm đến đất canh tác của bà con. “Hồi xưa trong buôn này có hơn trăm cây, dân không có gỗ nên người ta chặt để làm nhà. Thấy xót, mình can mấy lần nhưng người ta vẫn chặt, cây nằm trên rẫy của bà con nên người ta có quyền mà” - Ale Lê kể.

Không còn nhiều người biết rõ và gắn bó với loài cây đặc biệt của mảnh đất Tây nguyên này như già làng Ale Lê. Ông nói rằng trông cây chưa bị mục giữa thân nhưng cái tuổi của nó thì đã lớn gấp ông mấy lần. Ông nói: cây kơnia đâu có mang yếu tố thần linh, “kơnia không có Yàng” mà chỉ là loài cây gắn liền với đời sống của bà con khi lên nương lên rẫy.

Ngày xưa khi phát rẫy cây kơnia rất cứng nên người con trai chặt thường bị hỏng rìu, hơn nữa tán cây ít gây hại đến hoa màu nên bà con giữ lại để làm bóng mát. Vào mùa ra hoa, kơnia trổ bông trắng thơm ngào ngạt, khi đậu trái người ta thường đập hạt tách lấy ruột ăn. 

Hạt kơnia - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Trẻ con theo mẹ lên rẫy thường được đặt dưới gốc cây nằm ngủ, câu kơnia khô làm củi đun rất đượm, cây kơnia nhỏ được đốn về để làm chày giã gạo vì rất cứng... Cứ như vậy, cây kơnia đã đi sâu vào đời sống thường ngày của người dân J-rai.

“Hồi xưa khi buôn mình còn ở dưới kia, cha mình mấy lần đưa bà con lên đây làm rẫy. Ông thường dặn mọi người nếu thấy cây kơnia to lớn, tán còn xanh thì hãy giữ lại làm bóng mát cho buôn. Dân mình hồi đó ai cũng thương cây kơnia lắm. Không ai chặt như bây giờ đâu” - già làng nói.

Ông cho biết cũng chính vì trước đây bà con thương cây kơnia nên khi phải nhường đất lại cho hồ thủy lợi, nhìn buôn cũ ngập dần trong dòng nước và máy móc kéo đổ nhiều cây kơnia cổ thụ trong lòng hồ, bà con rất buồn.

Thật may mắn, vị trí khu tái định cư mới được bố trí tại một vùng đất bằng phẳng và bao quanh là hàng trăm cây kơnia. “Cán bộ xã muốn mình đặt cho buôn một cái tên, mình không muốn đặt theo tên của người Kinh mà lấy ngay là buôn Kơnia vì buôn cũ có nhiều kơnia mà buôn mới còn nhiều hơn nữa”.

Tuy nhiên, chỉ sau năm năm từ khi dời làng về nơi ở mới, cái tên kơnia giờ chỉ còn là địa danh và ba cây sót lại. 


Ai còn thương nhớ kơnia? 

Đi vào những ngôi làng ở dọc sông Ba, thật khó để tìm thấy một gốc cây kơnia cổ thụ còn tỏa “bóng ngả che ngực em, bóng tròn che lưng mẹ”. Ông Ksor Run - chủ tịch xã Ia Rmok sau một lúc suy nghĩ mới nhớ ra được một vài cây kơnia còn sót lại tại xã mình.

Tại ngã ba đường đất dẫn vào buôn Blắk, xã Ia Rmok có cây kơnia cổ thụ to khoảng bốn người ôm. Ông Rơ Jah - già làng buôn Blắk - tự hào vì buôn vẫn giữ được cây quý: “Cái cây này có từ đời ông đời cha, chúng tôi lớn lên rồi đi làm rẫy ngày nào cũng thấy cây kơnia đứng đó nên ai cũng biết của ông bà tổ tiên để lại nên không dám chặt”.

Rồi ông khoe: “Dân làng thương cây kơnia nhưng ngày xưa kơnia cũng thương dân làng lắm! Vào mùa giáp hạt, trái của nó được bà con phơi khô rồi dùng đá đập lấy lõi. Lõi trong hạt kơnia giòn béo, ăn rất mát bụng và giúp qua cơn đói”.

Ngược lên khoảng 6km theo dọc sông Ba, ngay trước cửa trụ sở UBND xã Chư Răng hiện cũng còn hai cây kơnia cổ thụ quanh năm tỏa bóng mát. Ông Nay Hem - chủ tịch xã - cho biết dù trụ sở cũ bị đập phá để xây một trụ sở cơ ngơi, to đẹp nhưng cán bộ xã vẫn quyết tâm giữ lại hai cây kơnia mà theo ông có thể là hai trong số ít cây hiện còn lại ở xã.
Ở Krông Pa hiện nay cây kơnia đang đối diện với sự hủy diệt từ việc chặt hạ để làm nhà cửa và làm củi đốt từ các lò than. Theo già làng Ale Lê, một phần nguyên nhân do giới trẻ bây giờ không còn hiểu được giá trị và cuộc sống của bà con cũng không còn gắn bó với cây kơnia như hồi xưa nữa. 

Hiện nay cây kơnia cũng đang bị các chủ lò sấy thuốc lá tìm mua xẻ làm củi đốt. Mất hàng trăm năm để có một cây kơnia cổ thụ, nhưng chỉ cần 700.000-800.000 đồng là bà con sẵn sàng giao cây cho chủ lò.

Cách đây vài năm về trước, nhiều người dân ở buôn Tang (xã Phú Cần, thị trấn Phú Túc, Krông Pa) còn chứng kiến nhiều cây kơnia cổ thụ đứng tỏa bóng trước cổng Trường tiểu học Lương Thế Vinh.

Học sinh giờ ra chơi thường ra đây đánh bi, nhảy dây, thường hái trái ăn nhưng đến nay những cây kơnia này đã ngã xuống thay vào đó là rẫy mì. Bà Nguyễn Thị Hoan - chủ khu vườn mì này - nhớ lại: “Cũng nghe người dân trong buôn bảo không nên chặt cây này nhưng có người đến mua ba cây 3 triệu nên tôi bán. Trước khi đưa máy cưa đến đốn hạ, tôi thấy họ tổ chức cúng ở gốc cây mấy lần”. 

Đầu tháng 9-2012, cây kơnia phía đầu cầu Đak Bla (Kon Tum) đã bị chặt hạ để xây dựng 'đảo giao thông' ở đây. Đây là cây kơnia cuối cùng trên địa bàn TP Kon Tum - Ảnh: TRẦN THẢO NHI

Hiện nay các thành phố tại các tỉnh Tây nguyên cây kơnia được giữ lại khá ít. Tại TP Buôn Ma Thuột hiện một số nơi còn sót lại cây kơnia như khuôn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi, trên tuyến đường vào thị trấn Buôn Đôn... Tại TP Pleiku thì kơnia có nhiều ở quảng trường Đại Đoàn Kết, trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai... Ở Kontum kơnia hiện còn lại một vài cây ở làng Kon Klor...


Ông Kpă Pual - Ban Giáo dục dân tộc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai - nhà nghiên cứu về văn hóa J-rai, phân tích: Người dân tộc J-rai ngày xưa thường có tập tục sinh con trên nương rẫy. Khi phụ nữ trở dạ, lên cơn đau đẻ phải lên nương rẫy sinh. Chính vì thế, phần lớn họ của người J-rai đều có nguồn gốc từ núi rừng (ví dụ như họ Kpă tức là người đó được sinh trên rẫy bắp, họ Rơlan tức là người đó được sinh dọc đường...). Nhiều người tâm linh hóa cây kơnia liên quan đến tập tục này của người J-rai theo ông Pual, là không chính xác.

Ông Pual cho rằng cây kơnia thân thuộc bởi loài cây này mọc rất nhiều ở đất Tây nguyên (người Kinh gọi là cây cầy). Tán kơnia nhỏ ít xâm hại nên bà con giữ lại để làm chỗ nghỉ ngơi. Phụ nữ lên nương rẫy thường đặt con dưới gốc cây để con ngủ, đàn ông đi săn thường dựa vào cây nghỉ ngơi lúc mệt, trái kơnia còn có thể ăn để qua cơn đói...

THÁI BÁ DŨNG
Loạt bài Tìm bóng hình xưa trong câu hát cũ - Kỳ 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét