15 thg 4, 2013

Mùa mưa đến Ba Động hòa mình với thiên nhiên

Người ta thường đến biển để giải tỏa cái nắng nóng trong những ngày hè. Nhưng nếu đến Ba Động trong những ngày mưa, đảm bảo bạn sẽ được hưởng không khí hoang sơ mà gần gũi của một khu rừng đước với nhiều “hải vị” nhớ đời.

Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), là một trong 3 bãi biển nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long (2 bãi kia là Mũi Nai - Hà Tiên, Kiên Giang và Tân Thành - Gò Công, Tiền Giang). Bãi Ba Động trải dài khoảng 50km qua 3 xã Trường Long Hòa, Vân Thành và Đông Hải cùng huyện, nằm giữa hai cửa sông lớn ra biển Đông của dòng Cửu Long là Cung Hầu (tiếp giáp tỉnh Bến Tre) và Định An (tiếp giáp tỉnh Sóc Trăng). Vì là nơi không khí trong lành, phong cảnh hữu tình nên thời Pháp thuộc, Ba Động được chọn làm nơi nghỉ mát cuối tuần của một số quan chức thực dân đến tắm biển và nghỉ ngơi. Ngày nay, mùa hè nóng bức, đến Ba Động đón những ngọn gió hào phóng của biển khơi rồi nhào xuống biển nô đùa thỏa thích có lẽ không gì hấp dẫn bằng. Tắm biển xong, thưởng thức một vài món đặc sản của nhà hàng, rồi ra về là một điều “phí phạm”, nếu như bạn không lên tàu đến rừng đước Long Khánh cách đó khoảng 7km.



Chiếc tàu nổ máy êm êm đưa bạn đến Long Khánh theo con sông hiền hòa hai bên bờ rợp bóng dừa nước. Rời tàu, chuyển sang xuồng chèo, trong tiếng lách cách của mái dầm, chiếc xuồng đưa bạn đi ngoằn ngoèo qua cánh rừng rộng 688ha, từ xã Long Khánh trải dài đến bờ biển Đông. Bạn sẽ thỏa mắt ngắm nhìn thảm thực vật khá đặc trưng của rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới như: dà, vẹt, mắm, giá…, đặc biệt là những cụm chà là gai. Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chà là gai là loại cây đã từng làm nản lòng bước chân ruồng bố của giặc, góp phần biến Duyên Hải thành căn cứ cách mạng vững chắc của Trà Vinh. Rừng chà là gai còn là nguồn khai thác đuông, một món ngon độc đáo mà các vua triều Nguyễn rất ưa thích, tôn xưng là “đệ nhất đặc sản miền Tây Nam bộ”. Món ăn “trân quý” này ngày nay rất hiếm vì chà là gai mọc trơ vơ vài ba cụm, không còn là nơi trú ngụ của “ấu trùng của kiến dương, lớn cỡ ngón tay út, béo nhũn nhà nhũn nhịn như con sâu đo, đầu bằng đít, đít bằng đầu. Sắc nó trắng màu ngà, không có chân, nhưng ở đầu và đít có mầy đen, và chân nó thì có ngấn kiểu ở ngoài Bắc ta vẫn kêu “béo mầm” (1). Chính vì thế mà bạn không có dịp “phiêu lưu” vào chốn gai góc của rừng chà là để chặt cũ hũ, bắt đuông làm thành món nhằm thưởng thức “cả một sự diễn tiến của mấy kiếp sống vào lòng, ăn đuông là ăn cả hương hoa của đất thơm, là ăn cỏ cây, mây nước, là ăn mấy chục năm buồn vui, tươi đẹp và thơ mộng” (2). 


Bù lại, bạn sẽ có dịp thỏa thích ngắm cái màu xanh mát mắt của cánh rừng bao la và thưởng thức những “hải vị” độc đáo khác. Mùa khô, đi chân đất trên những vạt rừng, bạn nghe đất đai mềm mát thấm sâu vào gan bàn chân, thật là dễ chịu. Nhưng đi vào mùa mưa thì ướt át, lầy lội là điều mà bạn đang kiếm tìm lại tuổi thơ chơi trò bùn đất ở quê xưa. Xuồng chèo xuyên rừng trong màn mưa giăng kín, nước mưa hắt tạt vào người mát lạnh, tê da, lãng mạn. Xuồng cặp bến, dựng trại xong, cả nhóm thi nhau trổ tài săn bắt sản vật. Trong cơn mưa nhiệt đới nặng hạt, đất rừng trơn như thoa mỡ, té lên, té xuống trở thành dấu ấn khó quên. Không quen chài lưới, bạn có thể câu cá hoặc câu tôm. “Tệ” hơn thì dùng vợt bắt cua. Nhưng thú vị nhất là mò bắt vọp hay bì bõm lội qua những chang đước bắt chù ụ. Bắt chù ụ rất khó, vì hang nó nằm lẫn lộn với chi chít những hang còng, hang ba khía. Nếu được người địa phương hướng dẫn, bạn sẽ học được cách khám phá hang chù ụ chính xác, dễ dàng. Đó là những cái hang miệng tròn lẳn, bên cạnh có đùn mớ đất nhỏ. Có khi chỉ vài nhát thuổng là bạn đã có trong tay một chú chù ụ nặng cả trăm gam. Nhưng phần lớn bạn phải cật lực đào sâu mới bắt được con vật “khó tánh” này! Để có được những con giáp xác này, bạn phải thoa thuốc chống muỗi, quần áo dầy kín, đi sâu vào trong ruột cánh rừng thâm u, mù mịt đầy muỗi, vắt, con mòng chó… 


Khi các hải vật thu hoạch như ý, cả nhóm tắm rửa sạch sẽ rồi quây quần bên các món ngon vật lạ. Cá, tôm, cua, vọp nướng mọi trên lửa nhóm bằng nhánh đước khô, chấm muối chanh ớt ăn kèm rau sống. Tôm sú, tép bạc đất, vọp tái chanh, chấm mù tạt xanh cay nồng. Cá nâu, cá đối, cá phi nấu lẩu chua với trái giác, lá giấm hoặc cơm mẻ. Nhưng ngon nhất, độc đáo nhất và lạ nhất có lẽ là con chù ụ. Chúng ta quá quen con cua biển, ghẹ, ba khía, nhưng con vật to tròn, mập mạp giống con ba khía, có màu đỏ như lửa này hầu như ít ai biết, vì hình như nó chỉ có mặt ở rừng đước Long Khánh. Chù ụ hấp bia, rang me, hoặc nướng chấm muối tiêu chanh, bụng đói như cào sau những giờ lao động cật lực, bữa ăn mới ngon làm sao. Ngồi xếp bằng trên tấm đệm lớn, tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tăng, bay mù qua tàn cây rậm rạp tạo âm thanh xạc xào thật là hạnh phúc. Nhai chiếc ngoe mập mạp nóng giòn của chù ụ, bạn nghe trong vòm miệng mình hơi hướm của cua biển, của ghẹ và một chút hương vị ngọt lạ độc đáo của chù ụ. “Đã!”. Nhưng “đã” hơn là vào khoảng tháng 2 tháng 3 Âm lịch, là mùa chù ụ “cốm”. Những con chù ụ đang lột vỏ này sẽ cho bạn cảm nhận được sự mềm mại của lớp vỏ non và những miếng thịt béo ngậy đến tê răng! Trong không gian khoáng đãng, gai gai lạnh; trong thời gian êm ả lặng trôi, hương vị độc đáo của những hải sản này được nhân lên gấp nhiều lần nếu như bạn chiêu một ngụm rượu Xuân Thạnh chánh gốc. Với nồng độ trên 40, mỹ tửu của Trà Vinh nổi tiếng cả nước từ mấy chục năm qua, sẽ làm mồ hôi bạn tỏa ra các lỗ chân lông, sảng khoái!


Một ngày với biển Ba Động, nhất là với rừng đước Long Khánh, bạn đã được thiên nhiên ban tặng những gì tốt đẹp nhất về các mặt tinh thần và vật chất. Đó là kỷ niệm đáng nhớ, chắc chắn bạn sẽ trở lại, cũng như rủ rê bạn bè đến với điểm du lịch hoang sơ mà gần gũi này.

CÁT LỘC 

1, 2. Vũ Bằng, “Đuông”, “Hương vị quê nhà – Văn hóa ẩm thực”, Tuyển tập đặc biệt từ tập san Xuân Sài Gòn Tiếp Thị 1996, 1997, 1998, 1999 & 2000, tr. 121 trích đăng lại từ quyển “Món lạ miền Nam”.

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét