3 thg 4, 2013

Thổ cẩm Chăm ở làng dệt Mỹ Nghiệp

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay ở làng Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Nét độc đáo của làng nghề cổ này chính là việc người dân dệt thổ cẩm theo phương pháp thủ công, lưu giữ dấu ấn văn hóa Chăm còn mãi với thời gian.

Nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp có lịch sử lâu đời, do bà Ponưga, một nghệ nhân đã tạo ra những hoa văn rất đặc sắc trên nền vải, truyền lại cho đồng bào Chăm ở làng Ca Klaing, bây giờ là làng Mỹ Nghiệp. Hiện nay, từ sợi chỉ đến phẩm nhuộm sử dụng làm nguyên liệu cho nghề dệt thổ cẩm đều có trên thị trường đã giúp người thợ dệt Mỹ Nghiệp bớt phần vất vả bởi các công đoạn tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm đập, nhuộm... Trước đây, để có màu đen làm nền, người dệt phải nhuộm tẩm thổ cẩm bằng lá chùm bầu, sau đó ngâm trong bùn non bảy ngày đêm liên tục. Muốn có màu đỏ thì phải đi tìm mủ cây cánh kiến ở rừng, còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm... 

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay ở làng Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). 


Thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống bên khung cửi dệt thổ cẩm.

Đôi tay thoăn thoắt như thoi đưa.

Để tạo nên những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về màu sắc.

Thổ cẩm Mỹ Nghiệp từ lâu đã là một nét văn hóa rất riêng của người Chăm. 

Trong các công đoạn dệt thổ cẩm khó nhất phải kể đến khâu phối màu. Để tạo nên những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về màu sắc. Ở khâu dập vải đòi hỏi phải làm đều tay, nếu không thổ cẩm sẽ không căng mịn và khó làm nổi bật hoa văn. Từ đôi tay khéo léo của người dệt, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành từng mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo nổi bật.

Điểm độc đáo của mỗi tấm thổ cẩm Mỹ Nghiệp là đều có những nét riêng cho dù được dệt bởi cùng một nghệ nhân. Đứng trước hàng nghìn tấm thổ cẩm, khó có thể tìm được sự trùng lặp về hoa văn, kiểu cách… khi mỗi nghệ nhân làng Mỹ Nghiệp tạo ra sản phẩm đều làm theo sự sáng tạo, ngẫu hứng riêng. Trên nền thổ cẩm màu đen - đỏ, màu đặc trưng của thổ cẩm Chăm, các kiểu hoa văn hiện lên hết sức đa dạng, từ những khối hình học cơ bản, đến mỏ neo, mây, kỳ nhông, rồng, phượng cách điệu... Hoa văn trên trang phục phụ nữ Chăm theo đó cũng thể hiện tầng lớp, địa vị của người mặc.

Dệt thổ cẩm của người Chăm là nghề mẹ truyền con nối. Do vậy, một trong những tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (bà tổ quê hương) đặt ra cho phụ nữ Chăm là phải thông thạo nghề dệt. Có thể nói, nghề dệt thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các làng Chăm chứ không riêng gì Mỹ Nghiệp, từ Hữu Đức, Chung Mỹ, Văn Lâm... ở Ninh Thuận đến các làng xa xôi nhất ở Bình Thuận. Nếu ở các làng nghề thổ cẩm khác, công việc chính là do các bà, các mẹ, các chị đảm nhiệm, thì ở Mỹ Nghiệp, hầu hết người dệt đều là thanh niên, con gái ngồi khung kéo sợi, khung cửi còn con trai cắt, may thành sản phẩm. Hiện tại, ở làng Mỹ Nghiệp có tới 95% người dân theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống. 

Một số sản phẩm thổ cẩm Chăm ở làng Mỹ Nghiệp.

Hoa văn trên thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngày càng phong phú hơn. 

Chất lượng thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngày nay cũng mềm và mịn hơn.

Du khách có thể thoải mái chọn mua các sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ngay tại làng dệt Mỹ Nghiệp.

Cơ sở dệt Inrahani những năm qua góp phần không nhỏ vào việc đưa thổ cẩm Mỹ Nghiệp đến với khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. 

Không dừng lại ở các loại sản phẩm thô, làng dệt Mỹ Nghiệp còn có cơ sở chế tác ra những mẫu mã như túi xách, ví, ba lô bằng thổ cẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ ở Mỹ Nghiệp còn vào tận Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia các cơ sở dệt thổ cẩm tư nhân, để vừa giới thiệu vừa tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm của mình. Một số khác thì tự tìm thị trường cho thổ cẩm Mỹ Nghiệp bằng việc đi tiếp thị ở các tỉnh, thành trong và ngoài nước, giới thiệu những nét đặc trưng của thổ cẩm. Ngoài ra, các bạn trẻ còn cùng các nghệ nhân trong làng, nghiên cứu tìm ra những nét hoa văn mới, độc đáo, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Thực tế, Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là làng nghề tiêu biểu khi chất lượng thổ cẩm Mỹ Nghiệp đang từng bước được nâng lên, sợi chỉ mềm mại hơn, màu sắc phong phú hơn. Hoa văn cũng ngày càng sáng tạo và có giá trị thẩm mỹ cao. Sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và được khách hàng khắp nơi trên thế giới biết đến. Nhiều nghệ nhân còn được tham dự các hội chợ, triển lãm hoặc đi trình diễn nghề dệt ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Malaysia…


Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét