7 thg 4, 2013

Tây Yên Tử: Tạo vòng cung phát triển du lịch tâm linh

Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang vừa khảo sát tuyến du lịch tâm linh từ TP Bắc Giang lên chùa Đồng thuộc hệ thống Tây Yên Tử. 

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hệ thống Tây Yên Tử trải dài từ Sơn Động (Bắc Giang) dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng khoảng 100km. Với quần thể các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của núi rừng trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo cho nơi đây tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cũng như tâm linh. Nhận thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của hệ thống Tây Yên Tử, từ nhiều năm qua UBND tỉnh đã quan tâm, chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông… làm tiền đề để biến hệ thống Tây Yên Tử trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử - trong đó có hệ thống điện, đường trục chính, đường lên chùa Đồng cùng nhiều hạng mục quan trọng khác. Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý cho tỉnh chỉ đạo hoàn tất thủ tục đầu tư thực hiện dự án xây dựng tuyến đường 293 qua 3 huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động. 


Hệ thống rừng nguyên sinh Tây Yên Tử được bảo vệ nghiêm ngặt.


Theo truyền thuyết khi Phật hoàng Trần Nhân Tông về Thăng Long ra Yên Tử để xuất gia, tu hành và đắc đạo. Sau khi đắc đạo ngài lại tiếp tục phổ độ chúng sinh bằng 2 con đường đó là, giáo dục đào tạo tăng tài, để lấy nhân lực phát triển phật giáo, ở Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), con đường thứ 2 là cụ phải ra hành đạo tai trung ương giáo hội Phật giáo Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Mỗi lần về điều hành công việc phật sự ở Bắc Giang, ngài đi theo con đường Tây Yên Tử.

Con đường hành đạo từ Đông sang Tây Yên Tử mà Phật hoàng đi qua nay còn lưu giữ.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện trên chiều dài con đường từ Đông sang Tây Yên Tử còn lưu giữ nhiều dấu tích của Phật hoàng để lại. Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, các tổ đệ nhị là Pháp Loa, đệ tam là Huyền Quang cũng đi theo con đường này để thực hiện các nhiệm vụ phật sự của giáo hội phật giáo Trúc Lâm đặt ra trước giáo pháp và dân tộc. “Về phía giáo hội, chúng tôi mong sự quan tâm giúp đỡ của các địa phương để cùng nhau phục hồi các giá trị di tích tâm linh của Phật hoàng Trần Nhân Tông để lại.

Hiện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã lữu giữ được nhiều cứ liệu di tích quan trọng, có giá trị, đó là núi Bụt, chùa Kim Quy, hệ thống am vãi… Chúng tôi căn cứ vào các phế tích cũ để phục hồi, giáo hội sẽ thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa, thực hiện các dự án tỉnh phê duyệt, làm theo đúng Luật Di sản, để giữ gìn và bảo tồn phát huy giá trị của di sản, tâm linh”, Thượng tọa chia sẻ.

Nơi đây còn lưu giữ dấu tích chùa Kim Quy, hiện vẫn còn mỏm đá hình Rùa

Để UNESCO công nhận khu vực Yên Tử trở thành di sản văn hóa của thế giới, đòi hỏi các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh phải nỗ lực phối kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, khôi phục trùng tu, bảo tồn các di tích nhà Trần tạo thành quẩn thể văn hóa du lịch tâm linh.


Nguyễn Vân

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét