23 thg 4, 2013

Chạm tay Mốc 42

Đúng 1 giờ 12 phút ngày 19/2/2013, chúng tôi chạm tay vào Mốc 42 sau hành trình ba ngày. Hoa đỗ quyên rợp trời biên cương, vạn chùm hoa nhỏ tinh khiết giữa núi rừng đón chào những người con từ miền Nam xa xôi, thật khó diễn tả cảm xúc khi đứng nơi biên ải quan tái này.


Mốc 42 sừng sững trên đỉnh Phu Xì Lùng ở độ cao 3.083m, lồng lộng gió và mây trời xanh ngắt. Trải qua nhiều hành trình, chạm tay vào nhiều đỉnh cao trải khắp nước nhưng cảm giác được chạm tay vào Mốc 42 thật thiêng liêng.

Không ai bảo ai, tất cả cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ khu vực quanh mốc, người nhổ cỏ lau dại, người lau chùi mốc cho sạch sẽ.

Sau đó, những người lính thực hiện đầy đủ thủ tục của những người gác cửa biên cương: chào mốc biên cương, kiểm tra tình trạng mốc, chụp ảnh lưu niệm... Cột mốc hữu hình trở thành cột mốc vô hình thiêng liêng, nằm sâu trong tình cảm của mọi người con đất Việt.

Trung tá Lê Công Thành, Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ đội biên phòng Lai Châu, giải thích: "Vị trí mốc giới Việt - Trung được cắm theo hệ tọa độ mặt đất năm 1984 (hệ tọa độ WGS-84), chuẩn độ cao sử dụng mô hình trường trọng lực toàn cầu năm 1996 (EGM96) và theo Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 30/12/1999".

Có trải qua hành trình tới với Mốc 42 mới thấu hiểu được hết những khó khăn của những người lính khi xây dựng cộc mốc biên cương này. Năm 2008 đã có kế hoạch phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thuộc tỉnh Lai Châu.

Lực lượng phân giới cắm mốc của tỉnh và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ đã có hành trình gian khổ như chúng tôi vừa trải qua.


Cái khác là họ phải leo dốc để cõng từng hòn đá, viên gạch, từng bao xi măng và cả từng can nước lên để xây dựng Mốc 42 trên quãng đường được xem là hiểm trở nhất biên giới Lai Châu.

Tính từ trung tâm xã Pa Vệ Sủ, đi bằng xe máy khoảng 3 giờ đồng hồ qua những con đường chênh vênh trên sườn núi mới đến được bản Sín Chải A, rồi từ đây phải bỏ lại xe máy, tiếp tục tìm đường băng rừng già, lội suối sâu, vượt núi cao, hết hai ngày trời mới đến được Mốc 42.

Trên đường đi, có lúc lội gần chục cây số đường suối, vượt những con dốc cao ngất phải trèo tới hơn 4 giờ mới qua, có những đoạn hơn 10km mà không có một khe suối hay mó nước nào. Chưa kể có khi còn dính những cơn mưa rừng dầm dề quái ác, đường dốc trơn tuột, đá chực chờ lở...

Được biết, để xây dựng được một cột mốc, trung bình phải vận chuyển khối lượng vật liệu hơn 10 tấn, trong đó riêng cột mốc nặng từ 3 - 5 tạ là khối bê tông cốt thép đúc sẵn...

Ngoài cát, đá, xi măng, các chiến sĩ phải cõng nước từ dưới trung tâm lên với mười mấy giờ đi bộ xuyên rừng như thế, lúc đói thì bỏ lương khô ra ăn, uống nước chai mang theo sẵn, tối đến chưa kịp tới lán trên mốc thì ngủ tạm trong hang đá trên đường đi để mai cõng tiếp.

Nơi đây sương mù bao phủ quanh năm, thời tiết rất lạnh và đặc biệt là khan hiếm nước vào mùa khô. Mỗi lần tuần tra bảo vệ đoạn biên giới và Mốc 42 này, cán bộ, chiến sĩ biên phòng phải chặt những ống tre, nứa để lấy nước uống.

Cứ thế, như những con ong chăm chỉ, những con kiến cần mẫn xây dựng được cột mốc vững chãi khẳng định chủ quyền cương thổ. Chỉ là những phiến đá đánh số nhưng đó là biểu tượng chủ quyền thiêng liêng nhất mà mỗi người con đất Việt phải hiểu những cây cột vẽ lên dáng hình Tổ quốc.


Toàn tuyến biên giới Việt - Trung được đánh dấu bằng 1.971 mốc, trong đó 1.378 mốc chính và 593 mốc phụ. Còn nhớ, cột mốc số 1.369 tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh là cột mốc đầu tiên của Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt - Trung, được khởi công xây dựng vào ngày 11/12/2001, mở đầu cho giai đoạn cắm mốc thực địa theo Hiệp định về Biên giới trên đất liền ký tháng 12/1999.

Cột mốc cuối cùng của tuyến biên giới đất liền Việt - Trung ở khu vực cửa sông Bắc Luân (TP. Móng Cái, Quảng Ninh), nơi có cột mốc được đánh số 1.378, nơi cửa sông hòa vào Biển Đông mênh mông.

Hòa bình đã hiện diện ở khắp nơi nhưng chiến tranh thì chưa bao giờ bị quên lãng, luôn là lời nhắc nhở những người lính biên phòng phải cảnh giác. Những cây cột đứng vững trong gió sương không phải bằng bê tông cốt thép, mà hiên ngang giữa trời đất bằng máu xương của ông cha, bằng hồng đức của tổ tiên để con cháu đời đời hưởng phúc ấm trên chính Tổ quốc của mình.

Có những dân tộc lang thang hàng ngàn năm để tìm lại đất nước của mình, không chỉ để thở, để sống, mà còn để được chết và hòa vào cát bụi trên mảnh đất của ông cha mình.

Tổ tiên nước Việt đã để lại dải giang sơn trọn vẹn như ngày nay và con cháu muôn đời phải giữ gìn từng tấc đất này. Trên đỉnh núi rừng hoang vắng nhưng những cây cột mốc chưa bao giờ yên lặng, mà ngày đêm mãi ca lời thề chủ quyền, định vị cho những người con đất Việt ranh giới của đất nước mến yêu để tìm ra mình giữa thế giới rộng lớn này.


QUỶ CỐC TỬ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét