Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận (TTVHC) có tổng diện tích gần 3500m2, tọa lạc ngay bên cạnh Quốc lộ I, thuộc địa phận làng Palei Dhaong Panan, nay là thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết hơn 65km về hướng Nam.
TTVHC trưng bày hàng trăm hiện vật văn hóa Chăm như tượng thần Siva, vũ nữ Apsara, vua Po Rome, Po Anit… bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như composite, kim loại, gốm, gỗ, vải... cùng hàng trăm hình ảnh mô tả, tái hiện lại những lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận. Các hiện vật được trưng bày thành nhiều khu vực khác nhau theo chủ đề như: khu sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm; khu trưng bày nông, ngư cụ truyền thống của người Chăm; khu trưng bày và trình diễn làng nghề gốm; khu trưng bày các loại nguyên liệu, công cụ, sản phẩm dệt thủ công cổ truyền…
Yếm của vua Chăm Po Klong Mơ Nai.
Bộ vương miện của vua và hoàng hậu Chăm.
Đôi hài đỏ và trắng của vua Chăm Po Klong Mơ Nai.
Dây choàng vai của vua Chăm Po Klong Mơ Nai.
Bộ kiếm của hoàng tộc Chăm thế kỉ XVII.
Trong số các hiện vật được trưng bày tại đây đáng chú ý nhất là bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm, với hơn 100 hiện vật đặc biệt do dòng tộc bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ của vua Chăm Po Klong Mơ Nai, lưu giữ suốt 400 năm qua. Đây là bộ sưu tập duy nhất còn lưu lại trong vương triều cuối cùng của Champa, bao gồm tượng vua, hoàng hậu, bộ ấn kiếm, trang phục, mũ vệ binh và những vật dụng cúng lễ như khay trầu, mâm lễ, lư đốt trầm… Giá trị nhất là bộ vương miện làm bằng vàng (vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm ở Việt Nam), cao 19,5cm, đường kính 19,5cm, với những hoa văn chạm khắc hình tượng con Makara uốn lượng rất độc đáo.
Trang phục lễ hội của hoàng tộc Chăm.
Gian trưng bày trang phục truyền thống của đồng bào Chăm ở Bình Thuận.
Tượng thần Shiva được đặt trang trọng trong Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận.
Tượng thần Shiva, vị thần gieo mầm sống và đưa lại phúc lành cho người dân, được đặt trang trọng trong Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận.
Tượng vua Chăm Po Klong Mơ Nai (giữa) và hai hoàng hậu.
Những hiện vật có giá trị được trưng bày tại TTVHC giúp người xem có một cái nhìn toàn cảnh về di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm, biểu hiện trên nhiều lĩnh vực như: nghệ thuật, dân ca, lễ nghi, phong tục, tập quán, hôn nhân...
Điểm đặc biệt là TTVHC tọa lạc ngay trong làng Chăm của huyện Bắc Bình, một ngôi làng vẫn còn bảo tồn được bản sắc dân tộc cũng như nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Chăm, đó là làng gốm Bình Đức. Hiện làng gốm này là trung tâm sản xuất gốm phục vụ nhu cầu cuộc sống thường ngày của người dân trong vùng, đồng thời đây cũng là nơi sản xuất gốm mĩ nghệ phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.
Bộ sách Chăm cổ viết trên lá buông có từ thế kỉ XVII.
Các đồ đựng lễ vật trong lễ hội của người Chăm.
Một số hiện vật được trưng bày trong Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận.
Du khách tham quan Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận.
Ngoài các hiện vật, TTVHC còn có phòng chiếu phim để giới thiệu tới du khách những giá trị văn hóa phi vật thể của người Chăm như: lễ hội Ka Tê của người Chăm Bà La Môn; lễ hội Ramưwan và đám cưới của người Chăm Bà Ni ở huyện Bắc Bình; lễ hội chém trâu của người Chăm ở Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; lễ hội tộc các họ Đặng, Nguyễn của người Chăm tại xã Phan Hiệp và đám hỏa thiêu của người Chăm Bà La Môn.
Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Sự ra đời của TTVHC ít nhiều phản ánh được diện mạo, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Chăm ở Bình Thuận từ giai đoạn cuối cùng của Vương triều Champa cho đến ngày nay. Đồng thời, TTVHC còn thực hiện chức năng sưu tầm, nghiên cứu về nhiều mặt từ văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật cho đến đời sống kinh tế của người Chăm, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ dân tộc Chăm ngày nay.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành
--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét