7 thg 2, 2013

Nhớ phố Hội sông Hoài

Lặng lẽ bên đôi bờ sông Hoài, phố cổ Hội An với những nếp nhà mái ngói rêu phong đượm màu cổ kính đang ngày lại ngày viết nên những câu chuyện thú vị về một vùng di sản nổi tiếng của Quảng Nam. Thời gian trôi nhanh, vậy là đã hơn 10 năm kể từ ngày khu phố cổ có tuổi đời gần 600 năm này được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới... 

Phố cổ Hội An giờ không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Nam, mà còn là niềm tự hào chung của người dân đất Việt. Hôm nay đây, đi giữa lòng phố cổ, thả bộ qua mấy con phố nhỏ yên ả như Bạch Đằng, Lê Lợi, Trần Phú… với những dãy nhà cổ kính rêu phong thấy như được sống lại với khung cảnh của những nếp nhà nền nếp gia phong của một thời xưa cũ.
Hội An nay, Faifo xưa, từ bao đời nay dường như vẫn thế, vẫn những nếp nhà gỗ lợp ngói âm dương sấp ngửa, những bậu cửa nhẵn bóng vết người ngồi theo năm tháng, những giàn bông giấy nở hoa rụng đỏ cả sân nhà, những hội quán, đình đền khói nhang nghi ngút, những ngõ nhỏ bình yên sâu hút, những giếng nước cổ trong vắt mát lịm giữa trưa hè, và cả những con người phố cổ hiền từ, nền nếp gia phong…


Những buổi chiều về, đứng trên Chùa Cầu cổ kính, ngắm nhìn dòng sông Hoài lững lờ xuôi dần về phía Cửa Đại để hoà mình vào biển Đông bỗng nhớ lại một thời quá khứ vàng son của mấy trăm năm về trước. Thời ấy, phố Hội tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền với từng đoàn thương thuyền của người Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ấn Độ… vào ra giao thương buôn bán.


Những dãy nhà cổ mái ngói rêu phong ở phố cổ Hội An. Ảnh: Trang Linh


Tham quan phố cổ bằng xích lô. Ảnh: Trang Linh

Một tiệm may ở phố cổ Hội An. Ảnh: Trang Linh

Nghề làm đèn lồng nổi tiếng ở phố Hội. Ảnh: Trang Linh 

Bình yên trên sông Hoài. Ảnh: Trang Linh

Phố cổ Hội An mùa nước nổi. Ảnh: Minh Quốc

Du khách tham quan Hội quán Phúc Kiến ở Hội An. Ảnh: Vinh Quang

Quán nhỏ bình yên nơi phố Hội. Ảnh: Trang Linh 

Hội An hôm nay còn quyến rũ du khách bởi hương vị hấp dẫn của li cà phê thơm lừng vào mỗi sáng, của những tô cao lâu, mì Quảng, bánh bao, bánh vạc… mang đậm hương vị và phong cách ẩm thực tài hoa của người xứ Quảng.


Người phố Hội nổi tiếng tài hoa, biết cách làm nên những sản phẩm giàu tính thẩm mĩ. Vì thế, du khách đến với Hội An hầu như ai cũng muốn lưu giữ kỉ niệm của một lần đến với phố Hội bằng một món quà ý nghĩa nào đó, như ghé qua tiệm may Thu Thuỷ đặt may một bộ cánh thật đẹp để làm kỉ niệm, hay ghé qua xưởng đèn lồng của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba chọn mua một chiếc đèn thật đẹp để tặng người thân.


Chú Ba làm đèn lồng ở Hội An giờ đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, chú sống với Hội An gần như đã trọn cuộc đời nên những buồn vui nơi này chú đều nắm rõ. Và có một chuyện chú thường kể với mọi người, đó là nhờ mảnh đất này nghề làm đèn lồng truyền thống của chú đã đơm hoa kết trái, để đến hôm nay những chiếc đèn lồng nổi tiếng của chú Ba đã theo chân du khách đem hình ảnh của Hội An đi khoe sắc khắp bốn phương trời.


Có người ví Hội An như một “bảo tàng sống”. Điều đó quả không sai, bởi theo số liệu thống kê của năm 2000, Di sản Văn hoá Thế giới Hội An hiện có 1360 di tích, trong đó có 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 ngôi mộ cổ loại đặc biệt và 1 cây cầu cổ.


Những con số biết nói ấy cho thấy đô thị cổ Hội An chứa đựng một tiềm năng văn hoá vô cùng to lớn. Đặc biệt, những tiềm năng quý giá ấy hiện vẫn đang tồn tại một cách bền vững trong sự bảo quản, chăm sóc và nâng niu gìn giữ của người dân phố Hội.


Có đến với phố Hội hôm nay mới thấy hết những nỗ lực của người dân nơi đây trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị của Di sản quý giá này. Sự nỗ lực ấy đã giúp cho Di sản Văn hoá Thế giới Hội An không chỉ được tồn tại bền vững mà còn đem đến cho du khách những cảm nhận tốt đẹp về địa danh nổi tiếng này. Đó là hình ảnh những con phố nhỏ phong quang, sạch đẹp không một tiếng động cơ, những hàng quán luôn rộng cửa đón chào du khách, những ngôi nhà lung linh trong muôn vạn ánh đèn lồng lúc về đêm và cả những nụ cười đầy thân thiện và mến khách của người dân…


Sau hơn 10 năm trở thành Di sản Văn hoá Thế giới, Hội An hôm nay không chỉ bảo tồn được những hồn cốt của năm xưa mà còn tạo được nhiều dấu ấn mới mẻ trong lòng mỗi du khách. Chính vì vậy mà trong nhiều năm qua Hội An đã đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Và đây cũng chính là một địa chỉ không thể thiếu trong hành trình khám phá đối với mỗi người khi đặt chân đến dải đất miền Trung giàu tiềm năng di sản văn hoá này.



“Phố cổ Hội An là mẫu hình bảo tồn tiêu biểu về một cảng thị truyền thống Đông Nam Á trong giai đoạn thế kỷ 15 - 19. Đặc biệt, trong suốt thế kỷ 17 và 18, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Champa hay được nhắc đến cùng với con đường tơ lụa trên biển. Với những giá trị nổi trội mang tính toàn cầu, tại kì họp thứ 23 từ ngày 29/11 đến ngày 4/12/1999 ở Marrakesh (Morocco), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới”.

Bài: Thái An - Ảnh: Trang Linh, Vinh Quang, Minh Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét