7 thg 2, 2013

Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nơi an nghỉ của vị cha già dân tộc mà còn là nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước, nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà cả dân tộc Việt Nam gọi một cách thân thương là Bác Hồ.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (2/9/1969), thể theo nguyện vọng của người dân cả nước, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng Lăng để bảo quản thi hài của Người. Lăng được khởi công ngày 2/9/1973 với sự tham gia của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị quân đội và nhân dân. Sau 2 năm thi công liên tục và khẩn trương, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành vào ngày 29/8/1975.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi yên nghỉ của vị cha già dân tộc. 


Mỗi ngày Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Ao cá và nhà sàn Bác Hồ. 

Chùa Một Cột – ngôi chùa nghìn năm tuổi nằm trong khuôn viên Khu di tích. 

Du khách quốc tế tham quan Khu di tích. 

Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi lưu giữ nhiều tư liệu về Người. 

Du khách nước ngoài tìm hiểu những trang tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rất đông du khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. 

Trước cửa Lăng, nơi đường Hùng Vương chạy qua là hai hàng cây chò nâu được đưa về từ đất Tổ Phong Châu (tỉnh Phú Thọ); quảng trường lớn trước Lăng trồng hai hàng đại và 18 cây vạn tuế tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu là món quà của các tỉnh đồng bằng dâng lên Bác. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tạo dáng như một đóa hoa sen tượng trưng cho khí tiết thanh cao của dân tộc và phẩm chất cao đẹp của Người. 

Vào trong Lăng, theo bậc thang bằng đá lên tầng hai, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang nghiêm đặt trong hòm kính. Người nằm đó hiền từ như vừa chợp mắt. Vẫn chiếc áo ka ki màu trắng mà Người thường mặc và đôi dép cao su giản dị quen thuộc đặt dưới chân. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp gần gũi, thân thương đến lạ kỳ.

Ra khỏi Lăng, du khách tiếp tục tham quan nhà sàn, nơi ở và làm việc của Bác Hồ. Theo một con đường đẹp trải sỏi trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, một vườn cây với biết bao cây trái đón chào du khách. Các loại hoa được đem về từ mọi miền đất nước, tất cả đều được sắp xếp, trồng tỉa khéo léo không làm mất đi cảnh quan dân dã, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. Những hàng râm bụt, những cây dừa, khóm nhài, bụi tầm xuân, gốc chè... thoang thoảng đưa hương dẫn du khách tới ngôi nhà sàn, nơi lưu dấu những kỷ niệm khó quên về Bác. Sau nhà là vườn cây ăn quả - những giống cây đặc sản của nhiều vùng miền cả nước mà người dân kính tặng Người. Mỗi cây là một kỷ niệm, một câu chuyện về Bác với nhân dân. Cây vú sữa của đồng bào miền Nam cùng những hàng bưởi Phúc Trạch, cam Xuân Mai, song mai Đông Mỹ, hồng Thạch Thất... của đồng bào miền Trung, miền Bắc gửi biếu Bác Mỗi loài cây như là hình ảnh người dân luôn hướng về Bác, luôn ở bên Bác. Trong nhà sàn, vẫn còn lưu giữ đồ dùng của Bác năm xưa, từ đôi dép, bộ ấm chén pha trà đến chiếc áo ka ki mà Người thường mặc… tất cả như lưu giữ mãi hình ảnh vị Chủ tịch nước giản dị, nhân hậu. Mỗi người đến đây dường như đều lưu luyến và xúc động chiêm nghiệm về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao đẹp của Người.

Tiếp tục chuyến tham quan, du khách đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, một công trình kiến trúc được đánh giá cao về tính mỹ thuật và cảnh quan. Nhìn từ xa, nhà Bảo tàng trông như một bông sen lớn mọc lên trên cao giữa không gian rộng lớn. Bốn khối hình vuông ở tầng trên cùng vừa là cánh sen, vừa là 4 khuôn cửa hướng trông ra đường Hùng Vương, Nhà sàn của Bác, phố Ngọc Hà, phố Nguyễn Thái Học. Chính những sự cách điệu từ 4 khối hình vuông này đã gắn kết kiến trúc công trình với cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Cách bài trí bên trong được sắp xếp khoa học, đầy tính thẩm mỹ với những tư liệu, hình ảnh sống động, mang lại cho du khách nhiều nguồn tư liệu quý giá về cuộc đời hoạt động của Bác và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, như một mốc son chói lọi của lịch sử đất nước. Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1990), cũng là năm UNESCO công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Mỗi năm, Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí MInh đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đến đây, mỗi người đều có những cảm nhận sâu sắc hơn về một giai đoạn hào hùng của cách mạng Việt Nam và hơn hết là những bài học, những tư liệu quý giá về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và nhân cách cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài: Lê Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt, Trần Thanh Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét