7 thg 2, 2013

Dinh nhà Vương

Gần 100 năm trước, ở khu vực người Mông (Hà Giang) sinh sống, có dòng họ Vương mà đứng đầu là Vương Chính Đức đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng vương. Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, "Vua Mèo" cho xây dựng dinh thự. Trải bao mưa nắng đến nay, dinh Vua Mèo vẫn tồn tại và trở thành một di tích lịch sử, văn hóa giá trị giữa cao nguyên đá Đồng Văn... 

Tương truyền, để chuẩn bị xây dựng ngôi nhà, Vương Chính Đức đã đích thân sang Tàu tìm thầy địa lý về chọn đất. Sau khi khảo sát khắp vùng cao nguyên đá, thầy địa lý đã chọn thung lũng Sà Phìn (nay là xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Giữa thung lũng nổi lên một khu đất hình mai rùa, được ví như là “thần Kim Quy”, phía trước là hai quả núi hình mâm xôi, tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ, ấm no. Sau nhà là một dãy núi sừng sững như bức tường thành vòng cung ôm lấy dinh thự mà thầy địa lý phán rằng con cháu đời sau sẽ vinh hiển.

Sau khi chọn được mảnh đất ưng ý, năm 1920, dinh thự họ Vương bắt đầu được xây dựng. Hầu hết thợ xây dựng là người Hồi vùng Vân Nam (Trung Quốc) và những tốp thợ giỏi nhất người Mông được huy động xẻ đá, chặt gỗ để làm nhà. Mất 8 năm và tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng nhà Vương mới hoàn thành.

Dinh nhà Vương được bao bọc bởi một bức tường đá chắc chắn và một cổng chính dẫn vào. 


Toàn cảnh bên trong khu dinh. 



Những họa tiết trang trí ở dinh nhà Vương. 

Hệ thống mái ngói cổ của dinh nhà Vương. 

Bậc tam cấp làm bằng đá xanh nguyên khối. 

Bức hoành phi mang dòng chữ “Biên chính khả phong” (có nghĩa là phong tặng cho vùng chính trị ổn định ở biên cương) do vua Khải Định phong tặng cho gia tộc họ Vương. 

Phòng tiếp khách trong dinh. 

Tổng thể dinh thự họ Vương rộng khoảng 1.200m2 mặt bằng kiến trúc. Xung quanh là tường bao bằng chất liệu đá xanh, dày 60 - 80cm, cao khảng 2,5 - 3m. Toàn bộ khu dinh gồm khoảng 13 hạng mục chính như: tiền dinh, trung dinh, hậu dinh, lô cốt, bể nước, chuồng ngựa… Hai bên có hai hàng cây sa mộc (tên khoa học là Cunninghamia, thuộc họ Hoàng đàn). Ở giữa có một con đường lát bằng đá xanh dẫn vào dinh thự họ Vương. Các bậc đá xẻ dẫn vào nhà được gọt đẽo theo những hình thù đặc sắc. Đi qua cổng thành với hai bên tường đá chúng ta sẽ đến khu nhà chính. Toàn bộ khu nhà dài 46m, chiều ngang 22m, cao hơn 10m gồm bốn nhà ngang, sáu nhà dọc, đều được làm hai tầng, có 64 buồng. Tường được trình bằng đất. Móng nhà làm bằng đá, bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ, mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ “thọ”. Những gian nhà trong được chia làm nhiều phòng nhỏ, phòng chính được dành cho Vương Chính Đức và ba người vợ của ông cùng các con trai, con gái. Ngoài ra còn có các phòng cho người hầu, lính gác, 

Kiến trúc nhà Vương được mô phỏng một phần kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc) kết hợp với các hoa văn của người Mông mang lại cho khu nhà một dáng vẻ bề thế, uy nghi, là sự phối hợp hài hòa đến tinh xảo giữa các nguyên liệu được chế tác ngay tại địa phương như: đá xanh, gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm – dương với cái nhìn tinh tế của những người thợ. 
Các bộ phận dù bằng đá hay gỗ đều được chạm khắc cầu kỳ, khéo léo thành hình rồng, phượng, dơi… tượng trưng cho sự trường tồn, hưng thịnh của các dòng họ quyền quý. Những cây cột cái được trạm trổ hình mai rùa và hai hàng vẩy rồng từ dưới chân lên đỉnh, cùng với các cột con được khắc ở chân hình rơi phú quý. Mái nhà cong cong như cánh bay của rồng. 

Dinh nhà Vương đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1993. Di tích đã được đưa vào khai thác, sử dụng, phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, tham quan du lịch của các nhà nghiên cứu và du khách.

Bài: Lê Hữu Tuấn - Ảnh: An Thành Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét