9 thg 2, 2013

Di sản Hội Gióng

Hội Gióng không chỉ được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá là có tính độc đáo nhất trong tổng số hơn 7000 lễ hội dân gian truyền thống của người Việt, mà nó còn có những giá trị văn hóa - tín ngưỡng đặc biệt mang tầm nhân loại. Chính vì vậy, lễ hội này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghìn năm hội Gióng vẫn còn.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hùng Vương thứ 6 (khoảng 1718-1631 TCN), ở làng Gióng (nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), có một chú bé mới 3 tuổi bỗng chốc vươn vai thành một thanh niên cường tráng, cưỡi ngựa sắt ra trận đánh đuổi giặc Ân phương Bắc xâm lược. Giặc tan, ông đến núi Sóc (nay thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) rồi bay về trời… 

Với những chiến công thần thánh ấy, dân gian gọi ông là “Phù Đổng Thiên Vương”, tục gọi là Thánh Gióng và suy tôn thành một trong “tứ bất tử” (bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam gồm: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh).


Đặc biệt, để tưởng nhớ đến công lao của ông, hàng năm, nhiều nơi ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đã tổ chức hội Gióng với nhiều nghi lễ đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt cổ. Điển hình nhất là hội Gióng ở đền Phù Đổng (Phù Đổng - Gia Lâm - Hà Nội), tương truyền là nơi Thánh Gióng sinh ra và hội Gióng ở đền Sóc (Phù Linh - Sóc Sơn - Hà Nội), tương truyền là nơi Thánh Gióng hóa về trời.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Hội Gióng là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại. ảnh: Trần Thanh Giang.

Hàng vạn người dân thành kính dự Lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc - Hà Nội.  Ảnh: Trần Thanh Giang.

Dân làng Phù Đổng cùng nhau chuẩn bị cho ngày hội Gióng. ảnh: Trần Văn Bộ.

Dân làng Phù Đổng dâng lễ lên ngày hội Gióng. ảnh: Trần Văn Bộ.

Lễ rước nước mở màn hội Gióng thể hiện ý nghĩa lấy nước rửa khí giới trước khi bước vào trận chiến và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. ảnh: Hoàng Quang Hà.

Triền đê sông Hồng tưng bừng ngày hội Gióng. ảnh: Trần Huấn. 

Tương truyền, hội Gióng có từ xa xưa nhưng bắt đầu trở thành quốc lễ vào khoảng thế kỉ XI, tức vào đời vua Lý Thái Tổ, người sáng lập ra triều Lý. Và chính vua Lý Thái Tổ là người đã ra lệnh tôn tạo, mở rộng đền Phù Đổng cũng như đặt ra các quy định, thể thức tổ chức lễ hội Gióng.

Khác với các lễ hội dân gian khác, ngoài việc cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tưởng nhớ tôn vinh các bậc thánh thần… hội Gióng còn được ví như một “kịch trường dân gian” sôi động, bởi ở đó hàng nghìn người dân sắm vai diễn viên cùng tham gia diễn xướng những tích trò mô phỏng lại sự tích đánh trận của đức Thánh Gióng năm xưa tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của hội Gióng. Việc diễn xướng ấy tuy chỉ mang tính ước lệ, tượng trưng nhưng lại hàm chứa những triết lí sâu xa về thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt. Đó là đức tính “trí - trung - dũng” của người làm tướng trước vận mệnh non sông, dân tộc; lòng hiếu đễ của đạo làm con; sự khoan dung, độ lượng của người chiến thắng trước kẻ thù, và niềm khát khao được sống trong một thế giới hòa bình, hạnh phúc…

Từ xưa, hội Gióng đã ảnh hưởng sâu đậm trong tiềm thức văn hóa và tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là đối với cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Chính vì vậy mà ngày nay, tại một số vùng nông thôn, người ta vẫn thấy còn nhiều dấu tích cũng như dấu ấn văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến hội Gióng. Đặc biệt, ở xã Phù Đổng và xã Phù Linh, hiện vẫn còn nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị như đình đền, miếu mạo liên quan đến sự tích Thánh Gióng. Và quan trọng hơn cả là từ xưa đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch và mồng 9 tháng Tư âm lịch, cư dân hai xã Phù Linh và Phù Đổng lại nô nức đứng ra tổ chức hội Gióng để tưởng nhớ đến công lao của người anh hùng xưa.

Có lẽ vì quá ấn tượng trước những giá trị và không khí đặc biệt của hội Gióng, nên trong cuốn “Revue de I,Histoire des religions, Paris, 1893” nhà nghiên cứu người Pháp G. Dumoutier đã viết như sau: “...hội Gióng còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người giống như một trong những cảnh tượng cảm động nhất mà chúng tôi chứng kiến ở vùng Bắc kỳ. Liệu rằng ở châu Âu già cổ của chúng ta người dân có còn tự hào làm lễ kỉ niệm một sự kiện lịch sử đã diễn ra hai nghìn ba trăm năm trước”.

Có thể nói, giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của hội Gióng chính là việc hiện tượng văn hóa này đã được bảo lưu, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách liên tục và toàn vẹn. Mặc dù ở gần chốn đô thị, lại trải qua nhiều biến động lịch sử cùng với sự tác động của nhiều luồng văn hóa ngoại lai… nhưng hội Gióng vẫn tồn tại nguyên vẹn một cách độc lập, bền vững, không bị nhà nước hóa và thương mại hóa như nhiều lễ hội khác. 

Độc đáo hội Gióng đền Phù Đổng.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu như hội Gióng ở đền Sóc nặng về tính chất của một lễ hội cầu mùa theo tín ngưỡng dân gian thường thấy như ở hầu hết các hội xuân vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, thì hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) được đánh giá là một trong những lễ hội văn hoá cổ truyền mô phỏng sinh động nhất, khoa học nhất diễn biến những trận đánh của Thánh Gióng, một hình thái chiến tranh mang đậm sắc thái của các bộ lạc cổ xưa, thông qua những màn diễn xướng của chính hàng nghìn người dân địa phương.

Mới đây, vào ngày mồng 9 tháng Tư năm Tân Mão, tức ngày 11/5/2011, tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, tương truyền là nơi Thánh Gióng sinh ra, nhân dân trong vùng đã cùng nhau khai hội Gióng. Đây là lễ hội đầu tiên được tổ chức kể từ khi hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại vào năm 2010.

Diễn xướng nghi lễ đá bát biểu hiện sức mạnh “bạt núi san đồi” của Thánh Gióng. ảnh: Hoàng Quang Hà.

Tái hiện hình ảnh đội quân Thánh Gióng đóng khố cởi trần, làm lễ trước giờ ra trận. ảnh: Trần Huấn.

Hàng vạn người xem dân làng diễn trò vây bắt hổ biểu hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng. ảnh: Hoàng Quang Hà.

“Ông hiệu trống”, vai diễn tượng trưng cho một vị tướng của Thánh Gióng. ảnh: Hoàng Quang Hà.

Ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt của Thánh Gióng năm xưa. ảnh: Hoàng Quang Hà.

Hình ảnh đội quân Thánh Gióng hùng dũng xung trận đánh đuổi quân xâm lược. ảnh: Trần Huấn.

Tái hiện hình ảnh tướng giặc thua trận đầu hàng với lá cờ trắng cầm trên tay. ảnh: Hoàng Quang Hà.

“Ông hiệu chiêng”, một vị tướng của Thánh Gióng, nổi những hồi chiêng ra lệnh thu quân thắng trận trở về.  Ảnh: Trần Thanh Giang.

Quân lính Thánh Gióng phát lộc thánh cho người đi xem hội. ảnh: Hoàng Quang Hà.

Đại tiệc khao quân mừng chiến thắng. ảnh: Hoàng Quang Hà.

Hội Gióng được ví như một “kịch trường dân gian” bởi có sự tham gia trực tiếp của hàng vạn người dân. ảnh: Trần Huấn. 

Cũng như mọi năm, hội Gióng đền Phù Đổng năm nay được tái hiện bằng nhiều tích trò diễn xướng dân gian đặc biệt. Tại lễ hội này, người dân không chỉ được sống trong bầu không khí náo nhiệt của hội hè mà còn được chứng kiến lại từng khoảnh khắc của lịch sử thông qua các tích trò được diễn xướng trong lễ hội.

Trước đó vào ngày mồng 6 tháng Tư âm lịch, dân làng đã tiến hành lễ rước nước khai hội Gióng. Việc lấy nước mở màn cho lễ hội ngoài ý nghĩa đội quân Thánh Gióng lấy nước rửa khí giới trước khi bước vào trận chiến còn hàm ý cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Sáng mồng 7 tháng Tư âm lịch, vào giờ Tỵ (khoảng 10 giờ sáng) có lễ rước cỗ chay gồm có cơm và cà muối nhằm kể lại sự tích dân làng góp cơm cà nuôi Thánh Gióng ăn no đánh giặc.

Tưng bừng và náo nhiệt nhất là ngày chính hội diễn ra hôm mồng 9 tháng Tư âm lịch. Hôm ấy có trò diễn của các đội quân Thánh Gióng (tục gọi là “phù giá”). Đội quân này gồm 120 trai đinh, có độ tuổi từ 18 đến 36, được chia làm 6 đạo, lúc tiến lúc lùi đều tăm tắp theo hiệu lệnh, thể hiện hình ảnh một đội quân tinh nhuệ và kỉ luật của Thánh Gióng. 

Đến đầu giờ Ngọ (khoảng 11 giờ trưa) phường Ải Lao diễn trò săn hổ trước đền Phù Đổng. Trước khi vào trò vui vây bắt hổ, tất cả 20 người, bắt đầu từ ông hổ, rồi lần lượt đến hai người cầm cờ lau, người cầm cần câu, cung tên… biểu diễn những động tác múa hát theo nhịp trống, chiêng trông rất đẹp mắt và điêu luyện. Làm lễ xong mọi người mới vào trò vây bắt hổ. Kết thúc trò diễn, hổ dữ tuy dũng mãnh nhưng cuối cùng cũng bị bắt trói. Từ đó đến chiều, nhiều tích trò mô tả cảnh đánh trận được diễn ra sôi động và náo nhiệt. Đến chiều tối, quân giặc bị đánh bại hoàn toàn, tiệc khao quân được mở ra. Xong tiệc thì trời cũng vừa tối. Đêm hôm đó có cảnh đốt pháo hoa, đốt cây bông, diễn tuồng và các trò vui khác kéo dài đến quá nửa đêm để thể hiện cảnh vui ca mừng thắng trận. Hội vui cứ thế kéo dài sang đến tận ngày 11 và 12 tháng Tư mới tàn.

Diễn biến của hội Gióng xưa nay đại thể là như vậy. Tuy chỉ là những nghi lễ dân gian mang tính ước lệ, nhưng nó giúp người xem có thể hình dung được những câu chuyện lịch sử liên quan đến huyền thoại Thánh Gióng. Đó là hình ảnh đoàn quân Thánh Gióng ra trận đánh đuổi giặc Ân, hình ảnh người lính từ biệt mẹ già trước ngày ra trận, hình ảnh đoàn quân thắng trận ca khúc khải hoàn trở về, hình ảnh quân giặc đầu hàng, cảnh khao quân ăn mừng chiến thắng…

Điều đó cho thấy, Hội Gióng không chỉ là một hoạt động văn hóa – tín ngưỡng dân gian thuần túy mà nó còn là một “vở diễn lớn” có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, nghệ thuật, cũng như tính triết lí và ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc của người Việt xưa về quan niệm đấu tranh sinh tồn, bảo vệ nòi giống và dân tộc cũng như đạo lí làm người trong thời loạn cũng như thời bình. 

Chính vì vậy, hội Gióng không chỉ có sức sống trường tồn với thời gian mà còn xứng đáng được tôn vinh. Với những giá trị văn hóa đặc biệt mang tầm nhân loại như trên, vào lúc 18h ngày 16/11/2010 (tức 22h20 giờ Việt Nam) tại thủ đô Nairobi (Kenya) Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Hà Nội, đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.


Bài: Thảo Vy - Ảnh: Hoàng Quang Hà, Trần Thanh Giang, Trần Huấn, Trịnh Văn Bộ

--- Tổng hợp các thông tin về văn hóa và du lịch Việt Nam tại www.amazingvietnam.vn ---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét