26 thg 6, 2017

Hoang sơ suối Chí

Những ngày nắng nóng, về suối Chí len lỏi trong những cánh rừng tự nhiên, đắm mình trong dòng nước mát lạnh... du khách sẽ quên đi những mệt nhọc, ưu phiền bộn bề.

Dòng suối khá dài nên nhiều gia đình tự chọn cho mình điểm tắm riêng biệt mà không phải giao lưu bất đắc dĩ với những nhóm du khách khác - Ảnh: Võ Quý Cầu 

Suối Chí nằm ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, trên trục tỉnh lộ TP Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Ba Tơ, cách TP Quảng Ngãi vài chục kilômet.

Gỏi cà đắng cá cơm

Tây Nguyên không chỉ có núi rừng hùng vĩ, sông hồ thơ mộng, con người hiền hòa mà có cả những món ăn đậm chất dân tộc. Trong đó có món gỏi cà đắng cá cơm, một món độc đáo được coi là “hương biển giữa rừng”.

Trước khi đến Tây Nguyên thưởng ngoạn, những người bạn từng đi bảo: “Lên đó cậu nhớ dùng thử món gỏi cà đắng cá cơm, ngon lắm đấy!”. Thực sự tôi chưa nghe qua món này nên ngẩn ngơ. Nhưng khi đến nơi, thưởng thức và cảm nhận món ăn, tôi mới biết nó không còn là lời đồn nữa mà phải nói trên cả tuyệt vời.

Cà đắng (còn gọi Prền Bơtang, Sơre Prền, Đưng Prền) là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, sau này được đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên mang về trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm. Quả cà đắng giống cà pháo nhưng nhỏ hơn, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng. Người dân tộc Ê Đê, K’Ho, Chu Ru… thường dùng cà đắng để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo và hấp dẫn, trong đó có món “gỏi cà đắng cá cơm”. Tuy nhiên, để thưởng thức món gỏi cà đắng cá cơm đúng chất cần phải đến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Tất nhiên, cá cơm là loài hải sản, chẳng có ở núi rừng Tây Nguyên. Nhưng ngộ ở chỗ, mang khô cá cơm ở vùng biển trộn với gỏi cà đắng ở núi rừng lại trở thành món ăn ngon đáo để.

Lễ hội Rija Praung của người Chăm

Lễ hội Rija Praung được tái hiện tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô - Sơn Tây (Hà Nội) đã thu hút được đông đảo du khách tới tìm hiểu. Rija Praung là một lễ hội thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của tộc họ đối với thần linh, thượng đế, đất trời đã giúp người Chăm ở Ninh Thuận vượt qua bệnh tật. 

Lễ hội Rija Praung là lễ hội múa lớn nằm trong hệ thống lễ hội dân gian của người Chăm, gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật múa Chăm đặc sắc. Đây là lễ hội do tộc họ tổ chức, có ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo từ Malaysia.

Theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, khi trong tộc họ có người bị bệnh tật, gặp phải tai ương, đã chữa trị bằng nhiều phương cách nhưng không khỏi thì người Chăm tổ chức lễ Rija Praung để cầu mong thần linh, tổ tiên phù hộ cho người bệnh tai qua nạn khỏi.

Ngoài ra, người Chăm còn tổ chức lễ Rija Praung để tôn chức vũ sư cho bà vũ sư dòng họ, hoặc khi các nghệ nhân đánh trống Baranưng, trống Ginăng, hay nghệ nhân thổi kèn Saranai… thăng quan, tiến chức. 

Vị sư cả người Chăm chuẩn bị các lễ vật để dâng lên tổ tiên, thần linh và thượng đế trong lễ hội Rija Praung.

Văn Miếu Trấn Biên

Kể từ khi xây dựng vào năm 1715, Văn Miếu Trấn Biên (Biên Hòa - Đồng Nai) đã trở thành trung tâm đào tạo nhân tài của xứ Đàng Trong trong thời kỳ phong kiến. Ngày nay, Văn Miếu Trấn Biên là một địa điểm du lịch lý thú để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt xưa trên bước đường khai phá vùng đất phương Nam. 

Năm 1715, sau khi lập nên dinh Trấn Biên, nhằm có nơi để bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục của dân tộc Việt trên vùng đất mới, Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đã sai Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn Miếu Trấn Biên. Đây chính là Văn Miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả Văn Miếu Huế (1808).

Sách Đại Nam nhất thống chí, bộ sách dư địa chí Việt nam viết bằng chữ Hán, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thời vua Tự Đức, có viết: "Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp, phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía Bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt. Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo...". 

Cổng vào Văn Miếu Trấn Biên ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

25 thg 6, 2017

Kiến trúc sư châu Á duy nhất đoạt giải Khôi nguyên La Mã

Với nhiều công trình nổi tiếng để lại như dinh Độc Lập (nay là Hội trườngThống Nhất), Viện Hạt nhân Đà Lạt, Viện ĐH Huế, Đại chủng viện Đà Lạt, chợ Đà Lạt…, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã trở thành một cây cao bóng cả của giới kiến trúc sư Việt Nam. 

Có rất nhiều bài báo viết về kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ nên bài viết này chỉ kể lại vài câu chuyện ít người biết, được chính ông kể cho tôi khi còn sống vào hơn 20 năm trước. Tôi vẫn còn nhớ rõ ông đã mặc một chiếc áo dài xanh khi tiếp tôi, một sự trọng thị hiếm có của bậc tiền bối đối với kẻ hậu sinh… 

Xứ Đoài đệ nhất đình So

Với một địa thế phong thủy độc đáo cùng nét kiến trúc cổ tiêu biểu, đình So (làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) được mệnh danh là ngôi đình cổ đẹp nhất xứ Đoài khi đã trải qua tuổi đời hơn 350 năm. 

Địa danh xứ Đoài là tên gọi của tỉnh Sơn Tây (cũ), một trong 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (từ năm 1831) bao gồm diện tích của tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía Bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Bởi vậy, tuy hiện tại địa danh xứ Đoài không còn nữa nhưng với một vùng diện tích rộng lớn, địa danh này có hàng trăm ngôi đình cổ, mà trong số đó đình So được mệnh danh là “đệ nhất” đình của xứ Đoài. Điều đó cho thấy vị thế quan trọng của ngôi đình này trong kho tàng kiến trúc cổ của vùng Bắc Bộ xưa.

Kiến trúc của đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Đình thờ tam vị Nguyên soái Đại Vương, là các vị tướng đã theo vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp loạn 12 sứ quân (giữa thế kỷ X).

Đình So nằm tại làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, đình có tuổi đời hơn 350 năm.