7 thg 5, 2016

Cung đường hiểm Du Già - Mậu Duệ

Mùa hạ lên Hà Giang theo cung đường Minh Ngọc - Du Già - Mậu Duệ, những người thích khám phá, ham mạo hiểm sẽ được thưởng ngoạn nhiều điều mới lạ bên cạnh các khúc cua hay núi đá tai mèo.

Mùa hạ khung cảnh núi đá vôi Du Già được bao phủ bởi lớp thực vật xanh khiến tất cả sinh động hơn bao giờ hết. Những bản làng thưa thớt mà nhỏ bé nằm nép mình bên sườn núi càng tô điểm cho bức tranh thiên nhiên này. 

Nhà Bàn hay Nhà Bàng?

Nhiều du khách đến Tịnh Biên (An Giang), người dân địa phương từ xưa đến nay đều thắc mắc về một địa danh tồn tại hai cách viết khác nhau – Nhà Bàn và Nhà Bàng. Vấn đề tranh luận này đến nay chưa kết thúc, có thể sơ lược sự bất nhất sau:
  • Bảng hiệu đơn vị hành chính, cơ quan, trường học sở tại ghi thị trấn Nhà Bàng.
  • Trong Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 56 – HĐBT ngày 10/5/1986 về việc thành lập thị trấn Nhà Bàn/Nhà Bàng ghi “Thị trấn Nhà Bàng”.
  • Trên các cột mốc Km dẫn đường khi ghi Nhà Bàn, lúc thì Nhà Bàng.
  • Có nhiều ý kiến, cách viết ở nhiều tài liệu liên quan đến địa phương (Lịch sử Đảng bộ huyện Tịnh Biên…) cho rằng Nhà Bàn đúng hơn Nhà Bàng và ngược lại.

Hến cù lao Phố

Năm nay đã 57 tuổi và có đến 26 năm sống, làm việc ở ngay trung tâm TP. Biên Hòa, vậy mà ông Sáu Bình (Phạm Công Bình) đang cư ngụ tại KP4, phường Quyết Thắng vẫn hào hứng, sôi nổi kể về chuyện bắt hến ở Cù lao Phố:
  • Đúng là vào tháng ba (âm lịch), thời điểm nắng nóng nhất này cũng là mùa bắt hến ở Cù lao Phố đây. Tôi sinh ra ở khóm Bình Tự, có bến đò Kho nên mới 5, 6 tuổi đã biết đi bắt hến. Mùa này nước ròng sát có thể mặc xà lỏn qua bên kia sông đụng với làng Tân Mai. Mới 5 - 6 giờ sáng đã có hàng trăm người ở cù lao đổ xô ra khúc sông cạn này để bắt hến. Mọi người í ới vang động cả một khúc sông. Vui lắm! Đám con nít tụi này 3 - 4 đứa xúm lại bắt một hồi cả thúng hến. Mà con hến hồi đó bự lắm, bằng con sò huyết bây giờ, chớ hổng phải nhỏ xíu đâu!
Đầu bếp Đặng Thị Thu của quán Hương Huế đang chỉ dẫn cách chế biến hến Cù lao Phố thành món ăn lối Huế

Dơi quạ miệt vườn

Đầu xuân vào mùa hoa sầu riêng trổ bông, khách từ các nơi, nhiều nhất là Biên Hòa, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh thường kéo nhau về miệt vườn trái cây Phú Hội, Long Tân (huyện Nhơn Trạch) để thưởng thức một món ăn độc đáo. Đó là dơi quạ.


Miệt vườn này có đủ mặt các loại dơi ở vùng đất miền Đông như: dơi sen, dơi chó, dơi hương... Nhưng dơi quạ là loài dơi to nhất (mỗi con nặng cả ký và khi bay giang cánh ra dài cả 2 mét), lại sống bằng cách hút mật bông sầu riêng, ăn chôm chôm chín nên được nhà vườn miệt Phú Hội và dân sành điệu cho là thịt dơi quạ... đại bổ.

6 thg 5, 2016

Ngẩn ngơ mùa trâm chín núi Tô

Khó tìm ra nơi nào có nhiều cây trâm như vùng núi Tô (Tri Tôn, An Giang), để rồi mỗi khi chuẩn bị vào hè, những cây trâm lại dày đặc những chùm trái chín làm ngẩn ngơ lòng người. 

Những chùm trâm dày đặc trái trên cành ở vùng núi Tô - Ảnh: N.T.Đăng 

Thứ trái dại màu tím ấy cũng không biết tự khi nào đã trở thành món quà quê mộc mạc, ra khỏi vùng đồng quê sơn cước về với những phố thị xa xôi...

Hằng năm, từ khoảng tháng 4 đến tháng 7, trâm núi Tô lại vào mùa trái chín. Về Tri Tôn mùa này, ra khỏi nội ô thị trấn, xuôi theo tỉnh lộ 15, trong đoạn đường dài khoảng 3km (thuộc xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang) du khách dễ dàng nhìn thấy những cây trâm đang dày đặc những chùm trái chín tím sẫm trên cành.

Đà Lạt với mùa "đặc sản" mưa và mây

Ngay từ khi những cơn mưa phố núi vừa trút xuống, những người bạn yêu mây Đà Lạt đã vội lên đường. Những cơn mưa cao nguyên mù sương, trắng xóa sợi nước không biết từ bao giờ đã trở thành "đặc sản" với nhiều người. 

Suối Vàng Đà Lạt đầu hè huyền ảo trong màn mây buổi sớm - Ảnh: Cao Cát 

Những cơn mưa cao nguyên mù sương trắng xóa sợi nước, nhanh và lạnh nhưng cũng đủ làm xôn xao những vạt áo len với từng hạt bụi mưa bám li ti.

Trung tâm thành phố, ven hồ Xuân Hương vài năm nay rất khó thấy mây sà và sa mù lãng đãng bay. Vì thế những cung đường mới mở quanh hồ Tuyền Lâm, suối Vàng và những đồi dốc Trại Mát thường được chọn lựa. 

Hồ Quan Sơn – tiên cảnh ‘sát rạt’ Hà Nội bạn phải đến thử

Hồ Quan Sơn (thuộc địa phận của 5 xã, huyện Mỹ Đức) được ưu ái chọn lựa là một địa điểm cực thú vị dành cho những ai muốn “đổi gió” du lịch trong ngày. Khu du lịch sinh thái Hồ Quan Sơn chỉ cách Thủ đô chưa đến 50km, vì thế bạn hoàn toàn có thể sở hữu một chuyến đi “đã đời” mà vẫn đảm bảo tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí. Hồ Quan Sơn đẹp hùng vĩ và tràn trề sức sống của gần 20 ngọn núi lớn nhỏ kéo dài, lừng lững trên mặt hồ nước cùng với thảm thực vật xanh mướt vô cùng phong phú. Đến đây, bạn sẽ được thả hồn mình với cỏ cây hoa lá, trôi bồng bềnh giữa mặt nước mênh mông, tận hưởng bầu không khí dịu mát và ngắm nhìn trọn vẹn cảnh vật bao la, rồi chợt nhận ra thiên nhiên quanh ta sao mà tươi đẹp đến thế.

Rộn ràng mùa chem chép

Cách nay trên chục năm, trong một lần cùng đồng nghiệp xuống xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) để tìm hiểu cơ sở thực tế của câu ca dao Đồng Nai: “Cá buôi, sò huyết Phước An/Gạo thơm Phước Khánh, tôm càng Tam An”… tôi được nghe ông Tư Nhu (Hồ Văn Nhu, Chủ tịch Hội Nông dân xã lúc bấy giờ, nay đã nghỉ hưu) nói một câu mà tôi cứ nhớ hoài: “Hình như ông trời thương dân vùng này nên mùa điều chín cũng là mùa chem chép ngon nhất. Chem chép thời điểm này, bắt được con có vỏ cỡ nào thì ruột gần cỡ nấy. Nấu canh chem chép cứ lựa trái điều già (đào lộn hột), giòn mà không chát để nấu thì không cần nêm nếm thêm gia vị gì cả. Cứ vậy mà ăn đến no cũng không muốn thôi!”.

* Món… “trời thương”!


Liền sau đó tôi được ông Ba Trá (Lý Văn Mười) ở ấp Vũng Gấm là một “thổ địa” của vùng sông nước Phước An, lòng chảo Nhơn Trạch tự tay nấu đãi món canh chem chép nấu điều. Nước canh nóng hổi, đậm đà vị ngọt, thơm, béo của thịt chem chép hòa cùng vị chua chua, chát chát của trái điều già tạo ra một hương vị thật độc đáo. Nước canh này chan vào bún, mới vừa húp mấy muỗng đã túa mồ hôi. Gắp vài con chem chép trắng ngần chấm vào dĩa nước mắm sống dằm ớt hiểm hườm hườm, đưa vào miệng nhai lại tiếp tục ứa mồ hôi, vì... quá đã. Ít có món nào ăn trong mùa nóng mà ngon đến không biết no như canh bún chem chép nấu với điều.


Mua bán chem chép ở vựa Tư Lớn. ảnh: B.Thuận

Chem chép, sò huyết Phước An

Dân sống nghề hạ bạc ở vùng sông nước Phước An (huyện Nhơn Trạch) phân biệt mùa nước trong năm khá rõ rệt. Mùa nam tức mùa nước cạn khởi đầu từ tháng giêng đến cuối tháng 6 âm lịch, còn mùa nước gà gáy (tức mùa nước ngập) từ tháng 7 đến tháng chạp. Như vậy, mùa nam chỉ còn khoảng một tháng nữa. Đây là mùa dân sống nghề sông nước ở Rạch Mới, Bà Trường, Bàu Bông tập trung vào việc đào chem chép, bắt sò huyết. Từ lâu, sò huyết Phước An đã được đưa vào ca dao Đồng Nai: "Cá buôi, sò huyết Phước An". Sò huyết ở vùng rừng Sác ngập mặn này ngon không kém gì sò huyết đầm Ô Loan (tỉnh Phú Yên). Món sò huyết nướng chấm muối chanh tạo ra vị ngọt, thơm và béo, rất hợp với khẩu vị của người thích uống bia. Việc bắt sò huyết được khởi sự sớm hơn, từ đầu mùa nam, tức là mới tháng giêng khi nước cạn làm lộ ra những bãi bồi ven sông Bà Hào, Bà Gioi, Thị Vải... Công việc đi bắt sò huyết khá sạch và nhàn nhã.

Sò huyết

Cá buôi sông Thị Vải

Đề cập đến những món ngon xứ Đồng Nai, trong kho tàng ca dao dân gian đã xếp "cá buôi, sò huyết Phước An" đứng đầu danh sách. Sò huyết thì hầu như ai cũng biết, còn cá buôi thì kẻ biết người không. Ông Tư Nhu (Hồ Văn Nhu), chủ tịch Hội nông dân xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) năm nay 56 tuổi là dân cố cựu có gia đình sông mấy đời ở ấp Vũng Gấm nói một cách quả quyết: "Cá buôi chính là con cá đối sống lâu năm trở thành. Thường được gọi là cá buôi, con cá phải bằng cườm chân trở lên. Tức phải cỡ nửa kg trở lên. Hồi trước dân hạ bạc Phước An này đánh được những con cá buôi nặng từ 2kg đến 2,5kg là chuyện thường. Nhưng bây giờ "đỏ con mắt" mới kiếm được con cá buôi nặng 1 kg !".

Bà chủ quán Ba Lai (Nguyễn Thị Đào) với những con cá buôi tươi rói được ngư dân Phước An cung cấp.