7 thg 5, 2016

Dơi quạ miệt vườn

Đầu xuân vào mùa hoa sầu riêng trổ bông, khách từ các nơi, nhiều nhất là Biên Hòa, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh thường kéo nhau về miệt vườn trái cây Phú Hội, Long Tân (huyện Nhơn Trạch) để thưởng thức một món ăn độc đáo. Đó là dơi quạ.


Miệt vườn này có đủ mặt các loại dơi ở vùng đất miền Đông như: dơi sen, dơi chó, dơi hương... Nhưng dơi quạ là loài dơi to nhất (mỗi con nặng cả ký và khi bay giang cánh ra dài cả 2 mét), lại sống bằng cách hút mật bông sầu riêng, ăn chôm chôm chín nên được nhà vườn miệt Phú Hội và dân sành điệu cho là thịt dơi quạ... đại bổ.

Món đầu tiên khi người ta làm thịt dơi quạ là lấy huyết pha rượu. Chưa có sự kiểm chứng nào về mặt y học, nhưng trong dân gian đồn đại với nhau là huyết dơi quạ ngâm rượu uống trị được ho lao (!?).

Dơi quạ to bằng con mèo nhưng khi chặt bỏ đôi cánh, chân và lột da chỉ còn một khối thịt đỏ hỏn nặng khoảng nửa ký, được dân nhậu chặt ra xào lăn.

Nhưng món làm nên "tên tuổi" cho dơi quạ lại là nấu cháo đậu xanh. Thịt dơi được băm nhuyễn nêm nước mắm, củ hành, bột ngọt cho xào nhẹ một lượt rồi đổ vào nồi cháo nấu nhừ với đậu xanh. Khi ăn rắc thêm một ít tiêu, hành ngò... tô cháo thịt dơi quạ thơm lừng, át hẳn cái mùi dơi đặc trưng là "dơi càng hôi thì nấu ăn càng ngon". Đây chính là món được truyền tụng... đại bổ!

Dơi quạ chỉ xuất hiện ở miệt vườn trái cây Nhơn Trạch hai lần trong một năm. Lần đầu là đúng vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào khoảng Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch): mùa chôm chôm chín. Dơi quạ bay theo từng đàn hàng chục con và chọn những cây sầu riêng cao đang nở bông trắng xóa, thơm ngát đổ xà vào cắn đài bông hút mật.

Chúng bất ngờ xuất hiện vào lúc nửa khuya về sáng, bâu vào cành, ngọn sầu riêng để cắn bông và kêu la inh ỏi tiếng "chét, chét". Mờ sáng, đàn dơi quạ biến mất nhưng chủ vườn vẫn nhận diện được dấu vết mà chúng đã ghé qua bằng bông sầu riêng xả trắng gốc cây.

Những ông chủ vườn sầu riêng có tiếng ở Phú Hội đều cho rằng: "Loại dơi quạ này khôn và quỷ quái lắm! Nó chỉ cắn bông hút mật những cây sầu riêng loại ngon, còn sầu riêng dở nó không thèm để ý tới!".

Để tránh bị thất thu sầu riêng, chôm chôm do dơi quạ gây ra, nhà vườn ở Phú Hội, Long Tân đã nghĩ ra cách ngăn chặn chúng bằng việc giăng lưới. Lưới là những sợi dây nhợ dài khoảng 3m có gắn hàng chục lưỡi câu treo lòng thòng bên những cành sầu riêng đang hé nụ. Khi bông sầu riêng nở rộ ngào ngạt hương thơm mời gọi đàn dơi xà xuống thì cánh bị vướng vào lưỡi, càng vùng vẫy chúng càng bị dính chặt vào sợi dây đành bị treo tòn ten chờ sáng chủ vườn ra gỡ đem vào làm thịt.

Ông Chín Ra (nhà ở ấp Bến Cam, xã Phước Thiền) và ông Ba Vọng (nhà ở thị trấn Long Thành) đều trên 70 tuổi và là những cán bộ từng tham gia kháng chiến ở vùng xóm Hố (Phú Hội) và xóm Hố (Long Tân) là vùng ven khu rừng lòng chảo Nhơn Trạch cho biết: không ở đâu dơi quạ nhiều như ở Phú Hội vì hết mùa sầu riêng trổ bông đến mùa chôm chôm chín nó có thức ăn dồi dào. Và từ miệt vườn Phú Hội, ăn đêm xong nó kéo qua vùng rừng lòng chảo để ngủ ngày. Dơi quạ ngủ rất nhiều, suốt cả ngày đến nửa đêm. Trong khi mới chạng vạng tối đám dơi chó sống trong các đọt chuối đã bay ra tìm bắt muỗi, thì dơi quạ vẫn còn yên giấc nồng. Hồi đó mấy cái hầm là cứ của Huyện ủy có rất nhiều dơi quạ. Nó đeo ngủ tòn ten kín cả nắp hầm và nửa khuya thức giấc kêu chít chít rủ nhau đi ăn rất ồn ào.

Người cựu cán bộ kháng chiến trên chiến trường Nhơn Trạch năm xưa thở dài: "Mùa bông sầu riêng năm nay không còn thấy đàn dơi quạ nào nữa! Tính ra cả chục năm rồi dơi quạ đã vắng bóng ở miệt vườn Phú Hội, Long Tân".

Đôi mắt già của ông Chín Ra bỗng trở nên xa xăm: ... "Ờ, mà rừng giồng ở Nhơn Trạch đâu còn để cho đàn dơi quạ có chỗ ngủ ngày!".

Bùi Thuận
Đậm đà hương vị Đồng Nai - Đã đăng trên báo Đồng Nai ngày 13/04/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét