Là địa danh nổi tiếng trong bốn xứ Mường cổ đất Hòa Bình (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động), Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) được ví như Nóc nhà xứ Mường bởi cảnh sắc đẹp và còn giữ được nhiều nét sinh hoạt truyền thống của người Mường.
Truyền thuyết “Đẻ đất Đẻ nước” của người Mường ở Hòa Bình kể rằng, xưa Lũng Vân là nơi có những bản làng đang sinh sống yên bình. Một cơn hồng thuỷ ập đến bất thần trong đêm tối đã cuốn trôi hết tất thảy nhà cửa, bản làng, người dân, trâu bò và nhấn chìm cả rừng núi. Có đôi vợ chồng nhà nọ bám được một chiếc bè luồng rồi vướng vào cây Bi – một cây cổ thụ khổng lồ, rễ cây ăn xuyên qua chín sông mười núi nên vẫn vững vàng trong cơn hồng thuỷ. Cơn hồng thuỷ rút cũng là lúc tất cả trở nên hoang xơ. Không còn đường về, họ dựng lều ở ngay dưới gốc cây Bi để ở và sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc thung lũng thành ruộng bậc thang, làm cọn (guồng) để lấy nước, thuần phục thú rừng thành vật nuôi, lập nên mường bản. Nhớ ơn cây cứu mạng, họ lấy tên cây đặt cho tên mường, hình thành nên vùng Mường Bi ngày nay, một vùng núi rừng rộng lớn bao gồm nhiều xã thuộc huyện Tân Lạc. Lũng Vân là vùng đất nơi cây Bi mọc trong truyền thuyết và cũng là nơi sinh sống cao nhất của Mường Bi.

Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 trong năm, khi những cơn mưa rừng ập đến Lũng Vân, xuất hiện hàng trăm con suối, thác nước từ trên núi cao đổ xuống tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp ở đây.