2 thg 11, 2014

Khám phá Đà Lạt thu nhỏ trong đường hầm đất sét

Nằm giữa khu rừng thông xanh ngắt cạnh Thiền Viện Trúc lâm, “Đường hầm đất sét” là điểm du lịch mới của Đà Lạt. Công trình điêu khắc này hấp dẫn du khách không chỉ bởi nghệ thuật tinh xảo mà còn hết sức độc đáo và khác lạ. 

Nhà thờ Con Gà bằng đất sét 

Trên một khu vực đồi núi rộng lớn, các tác phẩm điêu khắc giàu tính hiện thực được khoét tạo hình ngay vách núi. Với nguyên liệu chính là đất đỏ bazan, các tác giả đã tái hiện các giai đoạn phát triển của Đà Lạt, kể từ khi thành phố được phát hiện vào năm 1893 bởi bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin cho đến sau năm 1975. Theo chủ nhân công trình, anh Trịnh Bá Dũng, dù làm bằng đất đỏ không nung, nhưng công trình “Đường hầm đất sét” hoàn toàn có thể chịu đựng được các tác động và biến đổi của thiên nhiên, khí hậu, thời tiết. 

Phố Đà Lạt 

Dù có tên là “đường hầm”, nhưng tất cả các tác phẩm đều lộ thiên dưới ánh mặt trời. Tuy nhiên, để chiêm ngưỡng công trình, du khách phải thường xuyên leo lên những bậc thang, những vách núi hay trèo xuống mặt đất ở phía dưới chừng vài ba mét. Thậm chí, có chỗ sâu nhất tới 12m.

Bước qua cánh cổng bằng đất sét, sau khi được một con rồng đất dài khoảng 10m chào đón, du khách bắt đầu đi vào đường hầm điêu khắc, chiêm ngưỡng sự phát triển của thành phố Đà Lạt từ thuở hồng hoang qua các tác phẩm đất sét. 


Bắt đầu những khu rừng nguyên sinh với rừng cây cổ thụ, suối nước róc rách… từ thuở trái đất còn sơ khai. Ở đó, đám khỉ đang chạy nhảy, nô đùa, những chú voi rừng nối đuôi nhau, con rắn trườn mình qua khe nước, đàn rùa nhởn nhơ phơi nắng, đội quân kiến vểnh râu đi theo đoàn, đám kỳ đà vô tư bám vào vách đá… Mỗi tác phẩm là một công trình điêu khắc tinh tế và sống động. 


Tiếp theo là những ngôi nhà sàn, những cây chuối, buồng chuối, dàn bí đỏ, những cây rừng, trái dại… Kèm theo đó là những hình ảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc như phụ nữ cùng nhau giã gạo, ông già cao nguyên trầm tư với cái tẩu thuốc, đám thanh niên quây quần bên ché rượu cần… 


Đi tiếp vào trong, du khách được chiêm ngưỡng hình ảnh Đà Lạt trở nên hiện đại hơn với ga xe lửa, đầu máy hơi nước, nhà thờ Con gà, Giáo hoàng học viện, chùa Linh Sơn, Viện Pasteur, Đại học Đà Lạt… 

Ga xe lửa Đà Lạt 

Giáo hoàng học viện 

Chùa Linh Sơn 

Các vật dụng, phương tiện một thời gắn bó với người dân phố núi như: xe máy, xe hơi cổ, vespa, xe song mã, điện thoại cổ…cũng được tái hiện hết sức sinh động, chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Ngay cả bản nhạc “Ai lên xứ hoa đào” cũng được khắc lên vách núi một cách tinh tế đầy tính nghệ thuật, rõ nét từng nốt nhạc, từng câu chữ. 



Ngôi nhà đất sét 90m2 nhìn ra bờ hồ với bốn bức tường là những hình ảnh về thiên nhiên Đà Lạt cùng mái nhà là bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa cũng hết sức độc đáo. Nội thất bên trong căn nhà khá đầy đủ, từ bàn ghế, bồn tắm, chậu rửa mặt và tất cả đều được làm từ đất sét. 

“Đường hầm điêu khắc đất sét” không chỉ đã hoàn thành mục đích của tác giả Trịnh Bá Dũng: “…muốn để lại cho đời một cái gì đó ý nghĩa” mà còn góp thêm sản phẩm mới cho thành phố du lịch Đà Lạt.

GIAO THỦY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét