Với người dân Đà Lạt, dã quỳ nở rộ mỗi dịp cuối năm như “hơi thở” cuộc sống hàng ngày nên nhiều khi họ cũng không mấy để tâm, như vẻ đẹp mặc nhiên của xứ lạnh. Với du khách, dã quỳ có một giá trị đặc biệt trong tình yêu họ dành cho Đà Lạt khi hầu hết đều tìm về Đà Lạt vào dịp tháng 11, để được chiêm ngắm vẻ rực rỡ mà dịu dàng của sắc vàng dã quỳ dưới cái nắng rót mật trên cao nguyên.
Nếu Đà Lạt được biết đến là “xứ sở ngàn hoa” thì dã quỳ từ lâu đã được mang giá trị biểu tượng trong số hàng ngàn loài hoa được trồng và sống tự nhiên ở Đà Lạt. Không chỉ thành phố này mà khắp các huyện lân cận như Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà…, thậm chí cả huyện Đạ Tẻh xa xôi (một huyện phía Nam Lâm Đồng, cách Đà Lạt 170km - PV) cũng có dã quỳ. Nhưng tất nhiên, nhắc đến dã quỳ thì người ta thường nghĩ ngay đến khung cảnh lãng mạn, yên bình nơi xứ lạnh Đà Lạt, nên thường gọi “dã quỳ Đà Lạt”.
Tháng 11 về, thời tiết se se lạnh, dã quỳ đã vàng rực, lan tràn khắp chốn, dọc qua những cung đường theo các triền núi hay hút vào thung lũng, trải dài như bất tận giữa trời cao nguyên. Dẫu sương sớm, mưa dầm trong tiết trời âm u, hay nắng vàng cao nguyên, dã quỳ cũng luôn là “điểm nhấn” tạo nên cảnh sắc rất riêng cho Đà Lạt, không gian và thời gian nơi đây như ngưng đọng.
Với người dân Đà Lạt, dã quỳ nở rộ mỗi dịp tháng 11 hàng năm như “hơi thở” trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh: Hà Hữu Nết