4 thg 4, 2024

Người Nùng ở Phúc Sen sở hữu làng rèn thủ công "ngàn năm tuổi"

Ai có dịp ghé thăm mảnh đất Cao Bằng, về với các huyện vùng cao Quảng Hoà, Trùng Khánh, Hạ Lang khi qua đèo Mã Phục quanh co 7 tầng dốc sẽ bắt gặp những cửa hàng kim khí san sát ven đường. Đây chính là xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà nơi có nghề rèn thủ công nổi tiếng “ngàn năm tuổi” của người Nùng.


Tương truyền, nghề rèn nơi đây đã có từ thế kỉ thứ XI, ban đầu là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của Nùng Tôn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống xâm lược. Sau chiến tranh, người dân dần chuyển sang rèn công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.


Hiện nay, hơn một nửa trong số gần 400 hộ dân ở các xóm Phia Chang trên, Phia Chang dưới, Ðầu Cọ, Pác Rằng, Tình Ðông và Lũng Vài, xã Phúc Sen làm nghề rèn, khiến Phúc Sen được mệnh danh là "xưởng rèn thủ công" lớn nhất miền Bắc.


Theo người dân nơi đây, để có được một sản phẩm hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm.


Trong đó, tôi thép và ram thép là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Phúc Sen nổi tiếng. Điều đặc biệt là nước để tôi thép ở đây, bao gồm rất nhiều thành phần, là bí quyết thành công tạo nên sản phẩm của làng nghề nơi đây.


Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng, tính mài mòn, độ bền cho dao.


Ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn. Chỉ những người thợ giỏi và lành nghề, mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào màu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.


Để khẳng định thương hiệu nghề rèn, sau khi các sản phẩm nông cụ được hoàn tất các công đoạn, chủ cơ sở rèn đều cho đóng dấu nổi tên cơ sở gia đình mình.


Điểm đặc biệt nữa, là mỗi lò rèn trong nhà, đàn ông làm thợ chính để trui, dập, tạo dáng còn thợ phụ là già trẻ lớn bé làm công việc đẩy ống thổi, mài dao, đánh bóng...


Anh Lương Văn Khiêm, Chủ của thương Hiệu Dao Phúc Sen Hà Khiêm kể lại, năm vừa rồi, sau 2 lần thi tay nghề những chiếc dao của xưởng anh Khiêm đã đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP. Chứng nhận OCOP giúp khách hàng đễ nhận biết sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm cho khách hàng khi mua dao.

Anh cũng chia sẻ: "Trước kia làm rèn vất vả lắm, phải quay bễ bằng, quai búa bằng tay. Nhưng giờ nhàn hơn nhiều rồi. Đã có quạt điện, đôi khi dùng cả máy móc đập thay tay mình. Bởi vậy, thợ rèn ở Phúc Sen cũng có thời gian hơn để cho ra đời nhiều mẫu mã dao, kéo đẹp, hiện đại không thua kém nước ngoài, nhưng chất lượng vẫn tốt đúng với thương hiệu Phúc Sen quê mình."


Với vị trí địa lý nằm cạnh Quốc lộ 3 trên đường đi thác Bản Giốc, có rất nhiều du khách quốc tế đến tham quan. Họ đã dừng lại để xem thực tế và trải nghiệm sản xuất nghề rèn.


Ông Lương Văn Bạch, người xóm Pác Ràng cho biết, nghề rèn đã đem lại thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng/ tháng cho mỗi lao động. Nghề rèn phát triển đã giúp đời sống bà con thay đổi căn bản. Cùng với việc những người trẻ trong gia đình ông Bạch còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá giới thiệu sản phẩm giúp cho thương hiệu dao của gia đình tiếp cận được với nhiều người khách hàng hơn.

Theo chính quyền xã Phúc Sen, nhờ có nghề nghiệp ổn định, kinh tế hộ gia đình phát triển mà tình trạng lao động di cư, xuất cảnh trái phép tại địa phương được đẩy lùi, hiện Phúc Sen là một trong những xã đã "trắng" về tệ nạn ma túy.


Người Nùng ở Phúc Sen quan niệm, theo nghề rèn vừa là để kiếm sống, phát triển kinh tế, cũng vừa là để giữ nét văn hóa riêng của địa phương vốn đã được truyền lại từ ngàn đời nay.

Vũ Mừng - Vũ Hảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét