4 thg 4, 2024

Người Mạ ở Đồng Nai Thượng giữ nghề truyền thống

Trong xu thế đời sống hiện đại, các sản phẩm làm ra từ công nghiệp được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động, sản xuất. Nhưng đối với bà con đồng bào dân tộc Mạ (xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) được bao bọc bởi những cánh rừng già, thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên vẫn còn lưu giữ được nghề rèn và nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho đến ngày hôm nay.

Già làng K’Lộc (bên phải) cùng mọi người trong buôn rèn nông cụ.

Giữ lửa nghề rèn

“Mỗi khi đỏ lửa, mấy gia đình trong buôn làng cùng rèn chung cho đỡ tốn củi, tốn công; đồng thời, học hỏi và trao đổi lẫn nhau về kinh nghiệm, cũng như kỹ thuật rèn, nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất” - Đó là lời tâm sự của ông K’Me, dân tộc Mạ, ở thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thương.

Để tìm hiểu nghề rèn của dân tộc Mạ nơi đây có từ bao giờ. Thông qua những thợ rèn cao tuổi được biết: Nghề rèn có lâu lắm rồi. Khi những người Mạ đến tuổi trưởng thành thì được bố hoặc người thân trong gia đình truyền lại nghề rèn. Chỉ có đàn ông mới theo đuổi nghề này. Và cứ thế, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước lưu giữ nghề rèn cho đến ngày hôm nay.

Trước đây, nghề rèn ở xã Đồng Nai Thượng rất phát triển. Đây là địa bàn xa nhất của tỉnh Lâm Đồng; cách Trung tâm huyện Cát Tiên khoảng 35 km đường dốc và hiểm trở, cách thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hơn 200 km. 15 năm về trước, nơi đây được ví như một ốc đảo. Các buôn làng người Mạ lọt thỏm giữa những cánh rừng nguyên sinh, cách trở và biệt lập với những vùng miền khác trong tỉnh. Muốn xuống chợ để mua hàng hóa thiết yếu về dùng, cũng phải cắt rừng, lội suối mất hơn ngày đường. Còn về mùa mưa lũ, đi lại rất nguy hiểm, còn phải mất nhiều thời gian hơn thế. Nhằm thích nghi với cuộc sống nơi đại ngàn, bà con người Mạ phải chủ động, tự tạo ra những nông cụ cần thiết như: xà gạt, cuốc, xẻng, kìm, kẹp, lao, xà bách, dao, búa, rìu, mũi tên…nhằm phục vụ trong sinh hoạt, lao động sản xuất, phòng chống thú rừng. Chính vì thế, hầu như gia đình người Mạ nào cũng biết nghề rèn.

Hiện nay, xã Đồng Nai Thượng không còn cách trở nữa. Đường nhựa đã vào tận Trung tâm xã. Các buôn làng người Mạ như Đạ Cọ, Bù Sa, Bù Gia Rá, Bê Đê, Bê Nao đã thay da đổi thịt. Hàng hóa giao thương thuận lợi. Nhưng nghề rèn vẫn giữ một vị trí quan trọng trong vùng đồng bào dân tộc Mạ nơi đây. Toàn xã Đồng Nai Thượng hiện có khoảng 40 hộ đang duy trì nghề rèn. Một người thợ lành nghề, một ngày có thể làm được 4 đến 5 sản phẩm. Vừa rèn con dao, già làng K’Lộc cho biết: “Nhiều bí quyết, kỹ thuật, kinh nghiệm của nghề rèn được tích luỹ từ nhiều thế hệ của người Mạ mới cho ra những sản phẩm tốt nhất. Mình biết làm nghề này khi mới 14 tuổi và duy trì cho mãi đến hôm nay. Năm nay mình đã ngoài 70 mùa rẫy, mình phải cố gắng làm sao truyền lại cho thế hệ trẻ. Để nghề rèn của người Mạ mình không bị thất truyền”.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của người Mạ ở Đồng Nai Thượng

Đưa sản phẩm thổ cẩm bay xa

Đồng hành với nghề rèn là nghề dệt thổ cẩm ở xã Đồng Nai Thượng đang được lưu giữ và phát triển cho đến ngày hôm nay. Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ miền sơn cước, những tấm dệt thổ cẩm nơi đây được làm ra, đa dạng về màu sắc, họa tiết và mẫu mã. Chính những sản phẩm thổ cẩm đã mang đến cho người dùng những cung bậc cảm xúc khác nhau. Để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm nơi đây, xã Đồng Nai Thương đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm với 22 chị em tham gia. Trao đổi với bà Điểu Thị Chớc (64 tuổi, dân tộc Mạ, ở thôn Bù Gia Rá) cho biết: “Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của chúng tôi được thành lập gần 10 năm, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc thêu dệt thổ cẩm của người dân ở địa phương. Mặc dù nghề dệt thổ cẩm không phải là nghề kiếm ra nhiều tiền, nhưng đây là nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình nên chị em mình mong muốn truyền lại cho thế hệ kế tiếp phải duy trì và phát huy nghề dệt thổ cẩm”.

Sản phẩm thổ cẩm đa màu sắc được dệt ra từ đôi bàn tay của người Mạ

Là thế hệ nghệ nhân cao tuổi, đồng thời là người trực tiếp tham gia truyền nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ trong thôn buôn, bà Điểu Thị Chớc rất hãnh diện, phấn khởi khi văn hóa dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình được chính quyền địa phương quan tâm khôi phục, lưu giữ, bảo tồn. Với sự chỉ dạy tận tình, nhiệt huyết của các bà, các mẹ trong thôn buôn, con em người Mạ đã tự tay thêu dệt nên những tấm thổ cẩm độc đáo.

Nếu như trước đây, các sản phẩm được dệt từ thổ cẩm, chủ yếu để may khố, váy, tấm choàng, làm mền đắp…phục vụ trong gia đình là chính. Nay người Mạ ở Đồng Nai Thương đã làm ra nhiều sản phẩm thổ cẩm với mẫu mã đa dạng, đẹp mắt cùng nhiều công dụng khác như túi xách, đồ dùng trang trí, bóp, mũ… đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Những sản phẩm ấy, không đơn thuần là những mặt hàng mà ở đó là thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Mạ. Vào những dịp lễ hội, những trang phục thổ cẩm của người Mạ có điều kiện phô diễn để du khách thập phương biết đến.

Phụ nữ lớn tuổi người Mạ tham dự lễ hội trong bộ trang phục thổ cẩm sặc sỡ.

Ông Lê Quang Chường, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết thêm: “Hầu hết những phụ nữ lớn tuổi người Mạ trong xã đều biết dệt thổ cẩm. Đó cũng là một thế mạnh của địa phương. Để bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ nơi đây, chúng tôi đã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm. Đến nay, Tổ hợp tác này hoạt động đều đặn, vừa tạo được công ăn việc làm cho chị em lúc nông nhàn, vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm độc đáo của địa phương cho du khách trong và ngoài nước biết tới; đồng thời, đẩy mạnh việc truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ dân tộc Mạ”.

Mặc dù cuộc sống hiện tại của bà con đồng bào dân tộc Mạ nơi đây vẫn còn những khó khăn. Nhưng họ vẫn đau đáu, lưu giữ những nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình cho đến ngày hôm nay. Đó là nghề rèn, nghề dệt thổ cẩm… là minh chứng sinh động, độc đáo, đặc trưng của dân tộc Mạ ở xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân – Đồng Nai Thượng trên miền đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.

Thảo Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét