Không biết hoa ban có từ bao giờ, chỉ biết rằng sự tích hoa ban được đồng bào dân tộc Thái kể lại qua các truyện như Pi Khum-Noọng Ban, truyện Cầm Đôi-Hiến Hom... Đây là những câu chuyện tình nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái, kể về những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm, không đến được với nhau, sau đó hoá thành loài hoa tượng trưng cho sự thủy chung của mối tình trong sáng, đẹp đẽ.
Hoa ban có năm cánh xòe thành hình quạt, với nhiều sắc màu như tím, trắng, đỏ, nhưng phổ biến nhất vẫn là màu trắng. Hoa chỉ nở trong khoảng tháng rưỡi, rộ nhất trong tháng 3 dương lịch hàng năm, gặp mưa gió hoa sẽ tự rụng. Cứ năm này qua năm khác, như đến hẹn, tháng 3 hoa ban nở trắng phủ khắp núi rừng Tây Bắc, tạo nên một cảnh sắc thơ mộng, lãng mạn.
Chị Lò Thị Kiên (bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Từ khi sinh ra, lớn lên đã thấy hoa ban rồi. Ngày xưa đi chăn trâu, chăn bò, đi lấy củi ai thấy hoa ban cũng thích, không hái được hoa ban thì không về nhà. Vì cây ban là cây cao, nên đàn ông, con trai sẽ trèo lên cây để chặt cành, còn các cô gái sẽ ở dưới gốc để nhặt từng nhành hoa ban, vừa ngắt từng bông hoa ban vừa trò chuyện, trêu đùa nhau rất vui vẻ. Nên ngày xưa người Thái có câu 'Chàng đốn ban, chàng tỉa cành'”.
Khi hái được những bông hoa ban tươi đẹp, thơm ngát, các thiếu nữ miền sơn cước thường sẽ cài bông ban lên búi tóc dài của mình. Còn những người đã có chồng thì sẽ cài lên “tẳng cẩu”, như đồ trang sức để tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Thái. Cũng từ đi rừng hái hoa ban, nhiều đôi trai gái đã bén duyên, thành vợ thành chồng.
Phụ nữ Thái chuẩn bị chế biến các món ẩm thực từ hoa ban
Bà Lường Thị Ơn (bản Pá Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Ngày xưa, vào mùa ban nở, các chàng trai cô gái Thái thường rủ nhau lên rừng hái hoa ban. Trai gái sẽ cài hoa lên tóc cho nhau. Về nhà, uống nước, trò chuyện hàn huyên, tâm sự, tìm hiểu nhau, nếu phải lòng nhau thì người con trai sẽ nói với cha mẹ để xin phép sang nhà gái đặt vấn đề dạm ngõ, cầu hôn. Qua đó, cũng không ít đôi trai gái đã kết duyên vợ chồng”.
Không chỉ là một loài hoa đẹp của núi rừng, hoa ban còn được bà con dân tộc Thái đem về chế biến thành rất nhiều món ngon như: hoa ban nộm với mầm giềng, măng ngọt hoặc rau rừng hay hoa ban xào tỏi, xào với thịt trâu, bò, hoa ban nấu canh chân giò, hoa ban đồ chấm chẳm chéo nước măng chua, sẽ có vị chát, ngọt… rất đậm đà khó quên.
Phụ nữ Thái trong trang phục truyền thống của dân tộc tại đêm khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Lễ hội Hoa ban Điện Biên 2024
Ông Quàng Văn Cá (bản Tọ Cuông, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) cho biết: “Từ trẻ nhỏ cho đến người già khi nhìn thấy hoa ban như được nhìn thấy thiếu nữ xinh xắn, trắng trẻo tựa cánh ban trắng. Chính vì thế, vào mùa hoa ban, ai cũng phải được ngắm, được hái, được ăn như hồi còn thanh xuân, như hồi trai gái đang tìm hiểu. Còn người già thì ước sống lâu hơn nữa để được ngắm mãi hoa ban từ năm này qua năm khác”.
Ngày trước, hoa ban chỉ mọc ở các sườn đồi, dãy núi, nhưng những năm gần đây hoa ban đã được trồng dọc các tuyến phố ở Điện Biên Phủ rất đẹp, tạo nên khung cảnh thơ mộng của núi rừng… Lễ hội hoa ban cũng được tỉnh Điện Biên tổ chức thường niên hàng năm để du khách đến với mảnh đất lịch sử thêm hiểu về truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh, nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc và được lưu lại khoảnh khắc đẹp cùng hoa ban.
Du khách được thoả thích chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp với hoa ban
Bà Lường Thị Ơn (bản Pá Đông, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết thêm: “Du khách thập phương khi đến Điện Biên, ai cũng tìm đến chụp ảnh nơi có hoa ban nở đẹp, ai cũng yêu thích hoa ban. Nhìn chung du khách đều đến với hoa ban, rất đông vui”.
Trên những cung đường Tây Bắc, đặc biệt trên mảnh đất Điện Biên lịch sử vào những ngày tháng 3 này, vẻ đẹp thanh tao, tinh khiết của hoa ban đang mùa nở rộ, toả hương thơm ngát khắp núi rừng là lời mời du khách đến với Năm Du lịch quốc gia - Lễ hội hoa Ban Điện Biên 2024 ngày một đông hơn.
Tòng Đức Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét