Từ xa xưa, người Xơ Đăng chơi đàn vào các mùa lễ hội, mùa phát rẫy, lên nương trong năm. Khi tiếng chiêng, tiếng đàn, sáo vang lên, bà con sẽ được thần linh che chở, giúp xua đuổi muôn thú, chim chuột không dám phá hoại mùa màng. Các nhạc cụ không chỉ là công cụ giải trí mà dần trở thành những vật thiêng, trở thành hồn cốt trong các dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa của bà con.
Nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng rất đa dạng và phong phú, gắn liền với nhiều hình thức diễn tấu như gảy, vỗ, kéo, gõ, bao gồm bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Tiêu biểu nhất trong bộ gõ có chiêng X’Teng, trống nhỏ, đàn T’rưng, đàn đá; bộ hơi có đàn Klông pút, Kvoh (sáo); bộ dây có đàn Ting ning, đàn 1 dây Long Try. Ngoài ra còn một số nhạc cụ khác rất độc đáo, lợi dụng sức gió, sức nước tạo ra âm thanh như T’rưng nước, đàn gió.
Nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng ở huyện Kon Plông biểu diễn trống trong dịp lễ hội. Ảnh: H.T
Nổi bật nhất trong các loại nhạc cụ của người dân Xơ Đăng phải nói đến cồng chiêng. Người Xơ Đăng gọi chiêng bằng là Chinh, chiêng núm là Guông, họ xem cồng chiêng là biểu tượng cho cuộc sống của dân tộc. Cũng giống như các dân tộc khác, người Xơ Đăng không chế tạo được chiêng. Và họ tin rằng, cồng chiêng là do thần linh ban tặng.
Theo người già ở các làng Xơ Đăng trên địa bàn kể lại, thuở xưa, có lần voi dữ tràn về phá rẫy, phá làng. Con trai Xơ Đăng mang theo lao, tên, ná cùng nhau hợp sức tiêu diệt thú dữ, đánh nhau suốt mấy ngày đêm, sức lực đã cạn kiệt mà thú dữ càng hung tợn.
Trong lúc nguy cấp, họ chỉ biết chắp tay cầu xin Yàng. Bỗng họ thấy đùn lên một ụ đất, đào lên thấy một vật bằng đồng trong như ông mặt trời, to bốn người ôm mới xuể. Gõ vào vật ấy liền phát ra âm trầm vang động núi rừng, khiến đàn thú dữ ngơ ngác. Rồi các ụ đất liên tiếp mọc lên mang theo các vật bằng đồng hình dáng tương tự nhưng nhỏ dần, âm càng cao. Khi đã có trong tay hơn 10 chiếc chiêng, đồng thanh gõ lên thì tiếng trầm như thác đổ, tiếng cao như thác reo khiến voi dữ phải chạy vào rừng sâu.
Nghệ nhân nhí người Xơ Đăng biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: H.T
Gắn liền với mỗi loại nhạc cụ của người Xơ Đăng đều có những câu chuyện ly kỳ, thần bí được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tiêu biểu, có thể kể thêm về nguồn gốc của T’rưng nước, là một loại đàn vô cùng độc đáo của người Xơ Đăng, lợi dụng sức nước để gõ vào các ống nứa phát ra âm thanh trầm bổng nghe rất vui tai.
Theo đó, lưu truyền rằng, ngày xưa, người Xơ Đăng hay bị thiếu đói, vì cứ đến mùa trồng trỉa thì chim chóc, thú vật hay đến phá hoại mùa màng. Cho đến một ngày, một chàng trai vô tình nghe thấy tiếng va đập từ hai ống nứa giữa con suối nhỏ tạo ra âm thanh đều đều bên rẫy lúa. Và lạ thay, chim chóc, thú vật không đến phá phách nữa. Chàng trai liền nói cho cả làng biết, sau đó cứ đến mùa trồng trỉa thì nhà nào cũng làm 2 cây nứa, dùng sức nước cho va vào nhau, tạo ra âm thanh bên rẫy nhà mình để đuổi chim thú.
Nhưng âm thanh từ hai ống nứa phát ra quá đơn giản, nghe quen tai đã không qua mắt được những chú khỉ ma mãnh, chúng lại tiếp tục kéo đến để phá hoại mùa màng. Người Xơ Đăng đã nghĩ ra cách dùng nhiều ống nứa to, nhỏ, ngắn, dài khác nhau để kết thành bè, thành tầng và cũng dùng lực nước để các ống nứa tự va vào nhau tạo ra nhiều âm thanh trầm bổng. Lần này thì các chú khỉ dù ma mãnh đến đâu cũng không dám đến gần vì nó nghĩ rằng chắc phải có sự điều khiển của con người. Từ đó trở đi, mùa màng lại tốt tươi, ở các rẫy xa hay ruộng gần, nơi nào cũng dựng lên một giàn ống nứa giống như giàn ống nứa chàng trai kia đã làm để đuổi chim muông, thú vật phá hoại mùa màng. Về sau, người ta cải tiến dần và trở thành đàn T’rưng nước như hiện nay.
Nhạc cụ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng được sưu tập, trưng bày thu hút du khách. Ảnh: H.T
Độc đáo nhất trong các loại nhạc cụ của đồng bào Xơ Đăng không thể không kể đến đàn Klông pút, được chế tạo từ ống nứa hoặc lồ ô. Các ống nứa, lồ ô tươi được chọn phải đủ già, để khô trong khoảng một năm mới bắt đầu cắt để làm ống đàn, mỗi ống tương ứng với một âm trong dàn nhạc chung. Chỉ phụ nữ mới đánh đàn Klông pút và vỗ tay vào ống để phát ra âm. Khi biểu diễn, các thân nứa, lồ ô được gác lên, dưới đôi bàn tay mềm mại, uyển chuyển của những người phụ nữ Xơ Đăng, tiếng đàn Klông pút thánh thót, trầm bổng bay lên, vang vọng khắp núi rừng.
Ngoài một số nhạc cụ độc đáo trên, tại các sự kiện văn hóa, nhiều nhạc cụ truyền thống khác cũng được người dân và du khách thích thú trải nghiệm, khám phá. Có thể kể đến như trống Bo đô có hai mặt bịt bằng da sơn dương, là nhạc cụ dành cho nam giới, dùng để hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong lúc biểu diễn; K’voh (hay còn gọi là sáo) là nhạc cụ hơi, dành cho nam giới sử dụng, dùng để độc tấu hoặc hòa tấu cùng với các nhạc cụ khác, đặc biệt được sử dụng trong lễ đâm trâu; Ka lieu là nhạc cụ hơi, dành cho cả nam và nữ; Kô klẹh là nhạc cụ tự thân vang, thuộc bộ gõ gồm có 5 ống (mỗi ống cho một cao độ), chia làm 2 bộ, mỗi bộ do một người sử dụng, do nam giới sử dụng để hòa tấu cùng với các nhạc cụ khác trong những dịp hội hè và sinh hoạt thường ngày; B’rang là nhạc cụ dây thuộc bộ gảy, gồm có 10 dây bằng sắt được mắc dọc xung quanh ống đàn, thường dùng để độc tấu hoặc đệm hát trong sinh hoạt thường ngày của người Xơ Đăng.
Mặc dù có những sáng tạo và tài năng độc đáo nhưng do sự thay đổi của môi trường sống, sự mai một của giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian nên những người Xơ Đăng biết chế tác và sử dụng thành thạo nhạc cụ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trước thực tế trên, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều sân chơi văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu biểu diễn, chế tác nhạc cụ truyền thống để tạo môi trường cho các loại nhạc cụ được giữ gìn và phát huy.
Cùng với nhạc cụ truyền thống của đồng bào các DTTS khác, nhạc cụ truyền thống của người Xơ Đăng ở Kon Tum đã được mọi người biết đến qua các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Những nhạc cụ này không chỉ chứng tỏ bản sắc văn hóa riêng biệt, đặc sắc không thể trộn lẫn của người Xơ Đăng mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng nền âm nhạc truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Hoàng Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét