4 thg 6, 2020

Cây nhang Kho Dầu

Ngày trước, vào những lúc nắng đẹp, khi vào khu vực Kho Dầu sẽ chứng kiến một cảnh tượng tuyệt vời bắt mắt trước một màu vàng và đỏ của nhang trải dài khắp khu vực, đó là thời hưng thịnh của nghề làm nhang. Tuy vậy, thời kỳ hưng thịnh này đã qua.

Nghề làm nhang ở TP. Sóc Trăng đã có từ hơn trăm năm trước, đây là nghề chính của nhiều gia đình người Hoa, tập trung phần lớn ở khu vực Kho Dầu, nay là đường Lý Thường Kiệt, Phường 4, TP. Sóc Trăng. Nơi đây quy tụ hàng chục hộ (chủ yếu là các hộ người Hoa). Dụng cụ làm nhang rất đơn giản, các công đoạn làm nhang cũng hoàn toàn được làm bằng tay và cần đến sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay chứ không cần nhiều sức mạnh nên những người làm nghề này đa số là phụ nữ và trẻ em. 

Sản xuất nhang tại cơ sở nhang Quế Mai (Phường 4, TP. Sóc Trăng). Ảnh: KGT 

Về nguyên liệu chính để làm thành cây nhang Kho Dầu là mạt cưa cùng các phụ kiện khác như keo, bột màu, nước trộn lại với nhau thành bột nhang và công đoạn se là thành phẩm. Trung bình mỗi ngày, mỗi thợ lành nghề có thể se 5 thiên nhang (5.000 cây). Ngày nay, có máy móc hỗ trợ nên mỗi thợ làm nhang có thể cho ra thành phẩm nhiều hơn gấp mấy lần. Công đoạn khó nhất, phức tạp nhất là khâu pha trộn bột nhang. Nhang sau khi se xong được đem đi phơi nắng, đóng gói và chuyển đi tiêu thụ khắp các địa phương trong tỉnh.

Ngày nay, số lượng cơ sở sản xuất nhang tại khu vực Kho Dầu nói riêng, TP. Sóc Trăng nói chung ngày càng ít vì nghề làm nhang chỉ đảm bảo cho người làm nghề sống đủ ăn, chủ yếu là bán sỉ cho bạn hàng, đồng lãi không nhiều, lao động chủ yếu là tranh thủ lúc rảnh rỗi nên số người theo nghề này càng ít. Bên cạnh đó, do sự cạnh tranh của nhang công nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh, hầu hết các cơ sở làm nhang trên địa bàn TP. Sóc Trăng mất dần thị phần nên họ cũng bắt đầu chuyển sang ngành nghề mới.

Trên địa bàn thành phố gần như còn cơ sở nhang Quế Mai tại Phường 4 (TP. Sóc Trăng) là còn hoạt động. Anh Dương Văn Trường - chủ cơ sở nhang Quế Mai chia sẻ: “Nghề làm nhang ngày nay ở Sóc Trăng càng thu hẹp lại. Khu vực Kho Dầu ngày trước hiện thời chỉ còn lại cơ sở Quế Mai của gia đình tôi, chủ yếu là thu mua và gia công lại của các hộ dân ở các vùng lân cận, sau đó cung ứng cho thị trường TP. Sóc Trăng và các địa phương khác. Mỗi thiên nhang thu vào khoảng 30.000 đồng. Cơ sở cũng cung cấp luôn máy se nhang, nguyên liệu làm nhang cho các hộ se nhang nhỏ lẻ. Mấy năm nay, nhang công nghiệp từ các cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh chiếm thị phần Sóc Trăng cũng nhiều, sản phẩm của mình không theo kịp về mẫu mã và chủng loại của họ được nên chỉ làm cầm chừng. Cộng thêm thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ nên sản xuất nhang tại cơ sở cũng giảm so với những năm trước”.

Ông Lâm Thanh Hùng, người cố cựu ở Khóm 1, Phường 4 (TP. Sóc Trăng) cho biết: “Nghề làm nhang tại địa phương thời trước rất hưng thịnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động rảnh rỗi nhưng ngày nay rất ít hộ còn giữ nghề tại khu vực Kho Dầu”.

KGT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét