2 thg 10, 2018

Cái thiêng ở đền cụ Bùi

Có thể quan niệm về cái thiêng ngày nay có khác với ngày xưa. Và đền cụ Bùi Tá Hán dù quan niệm về cái thiêng thế nào thì sự tồn tại ấy đến ngày nay cũng nhờ phần nhiều ở cái thiêng.
Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng “sinh vi tướng, tử vi thần” (sống là tướng, chết là thần) là một quan niệm phổ biến, ít ra là ở người Việt. Chẳng hạn Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, sau khi từ trần đã được thờ như thần, người đời tôn kính gọi là Đức Thánh Trần. Quan niệm phương Đông thường cho rằng phàm đã là tướng thường có hành tung khác thường, sau khi cứu đời giúp nước, sẽ trở thành thánh nhân. Những kẻ chức vị có cao bao nhiêu mà tầm thường cũng không được như thế.

Cụ Bùi Tá Hán nguyên là Thừa tuyên sứ Quảng Nam vào nửa sau thế kỷ 16, dưới thời Lê Trung hưng, cũng được liệt hạng là người phi phàm. Chưa kể những sắc phong thần có phần làm tăng thêm “uy danh” do các triều đại sau dành cho cụ, thì những lời truyền cũng đã cho thấy đền thờ cụ rất thiêng - tất nhiên theo quan niệm của người xưa.

Đền thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán. Ảnh: Ng.Viên 


Trước hết, cái thiêng ấy thể hiện ở sự thăng thiên huyền bí của cụ Bùi Tá Hán với đôi câu thơ còn truyền lại:

Nhân mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu

(Người ngựa đi đâu nào thấy bóng
Máu, bào còn để ở lời bia)

Cái thiêng còn thể hiện ở đoạn văn chữ Hán lưu lại ở đền nói về xuất xứ của hai pho tượng gỗ hiện vẫn còn lưu tại đền thờ:

(Dịch) “Bấy giờ Ngài (Bùi Tá Hán) vào Phú Yên, có vị hoà thượng thấy Ngài phong độ khác thường, bèn đẽo gỗ tạc tượng Ngài. Viên tướng dưới cờ là Xích Y Thị cũng được tạc thành tượng. Xong đâu đấy, hoà thượng đem hai pho chân dung đặt vào thờ trong một ngôi chùa trên núi, qua không biết bao nhiêu đông, hè.

Đến khoảng năm Cảnh Hưng (1740-1786), người Hoà Vang (Vinh) thuộc tỉnh nhà là ông Nguyễn Đô ty vào Phú Yên, nhân hỏi thăm chuyện cũ, liền tư báo cho quan tỉnh bên cạnh (tức Quảng Ngãi) hộ tống hai pho tượng về xã Thu Phố, sức cho tộc họ của Trấn quận công nhận về để thờ, vô cùng linh ứng. Trấn quận công sau được phong làm Thượng đẳng thần, Tứ dương hầu (Bùi Tá Thế, con trai cụ Bùi Tá Hán) được phong làm Trung đẳng thần và Xích Y cũng được phong thần. Vì có công đức nên được thờ cúng, thật không phụ với lời ghi trong quốc sử: “lúc sống thì trung nghĩa, sau khi chết thì linh thiêng”.


Rõ ràng, cái thiêng ở đây còn thể hiện ở chỗ, cụ Bùi Tá Hán (và người hầu cận) được tạc tượng thờ ngay hồi cụ còn sống và chính từ sự linh ứng mà hai bức tượng mới tình cờ được phát hiện, được rước về bản quán và tiếp tục tỏ sự anh linh.

Cái thiêng còn thể hiện qua các chứng thực của người đời sau, như chuyện “bắt cọp” của Tả quân Lê Văn Duyệt mà sách Thoái thực ký văn đã chép:

“Tỉnh Quảng Ngãi có đền ở Thu Phố thờ Trấn quốc công nhà Lê là Bùi Tá Hán. Lê Văn Duyệt có lần tới đó bắt cọp, vây ba mặt còn một mặt gần đền để trống, nói rằng ‘mặt ấy thì để cho thần’. Đến khi đuổi cọp thì cọp nép ở cạnh đền không động đậy gì cả”.

Bên trong đền thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán. Ảnh: Ng.Viên 

Các sách triều Nguyễn như Đại Nam liệt truyện (đoạn chép về Lê Văn Duyệt), Đại Nam nhất thống chí sau này cũng chép tương tự như vậy. Từ ngày có đền Bùi Tá Hán thì núi Phước Lĩnh gọi là núi Trấn Công, dân gian gọi là núi Ông. Nhất thống chí chép: “Tương truyền dưới núi có động nước thông với đầm Trà, có một con cá lớn to bằng cái thuyền mỗi khi quẫy tiếng vang như sấm, gặp năm hạn đến đền cầu đảo, liền thấy ứng nghiệm”.

Chính vì tin đền rất thiêng mà các quan đầu tỉnh Quảng Ngãi đều đến đây cầu cúng hầu mong tại vị bền lâu. Đơn cử như năm 1822, Hiệp trấn Lưu Đình Luyện có làm thơ điếu để ở đền. Năm 1837, quan Án sát Quảng Ngãi là Tiến sĩ Trương Quốc Dụng cũng có thơ điếu, thể hiện rõ tâm niệm ở hai câu cuối:

Bất tài điêu bị tư phương mục
Nguyện trượng dư linh thiếp phỉ man

Bất tài chăn dắt dân trong cõi
Man phỉ, dư linh Trấn giúp cùng!
(Dật Tẩu dịch)

Tất nhiên, người xưa rất ca ngợi công đức gắn với cái thiêng và chính đó là điểm gặp nhau hay là điểm mà ngày nay chúng ta kế tục. Hẳn nhiên, cái thiêng ấy không thể dung nạp những hành vi phàm tục mà người đời có thể lợi dụng để mưu cầu lợi danh.

Cao Chư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét