31 thg 10, 2018

Mít tố nữ Long Khánh

Từ hồi tui còn nhỏ xíu, tui đã nghe nói mít tố nữ là loại trái cây đặc sản của Long Khánh. Mít thì ở đâu cũng có, nhưng mít tố nữ hiếm hơn, ngon hơn (tất nhiên là mắc tiền hơn) và Long Khánh là nơi có mít tố nữ nhiều nhứt, ngon nhứt. Là con nít mà, nghe quê mình có loại trái cây như vậy là sướng rồi. Đâu cần biết có chính xác không (có muốn biết cũng... chả có cách nào để biết), chỉ cần sướng là đủ!



Mà mít tố nữ ngon thiệt. Thơm lừng! Đúng như người ta nói thơm như múi mít. Điều tuyệt vời nữa là khi xẻ trái mít tố nữ ra, chỉ cần nắm cái cùi giở lên là ta có một chùm múi mít, chớ không phải ngồi gở từng múi mít ra như mít thường. Đó cũng là lý do tại sao người ta xẻ chớ không chặt trái mít tố nữ.



Cho đến giờ đa số thông tin trên báo chí, trên mạng Internet cũng vẫn cho rằng Long Khánh là quê hương của mít tố nữ, tuy nhiên thời buổi thông tin nhiều như hiện nay (và tui thì già rồi chớ không còn con nít nữa) có lẽ cần đắn đo một chút khi xác định lại điều đó.

Long Khánh vẫn là nơi trồng nhiều mít tố nữ, nhưng bên cạnh đó còn có những nơi khác nổi tiếng không kém như mít tố nữ Lái Thiêu (Bình Dương), mít tố nữ Long Thành, Nhơn Trạch (2 nơi này đều thuộc Đồng Nai)...

Long Khánh có phải là quê hương của mít tố nữ không? 


Wikipedia giảng giải rất "bài bản": Bản địa của mít tố nữ là vùng Đông Nam Á từ bán đảo Mã Lai sang đến Papua New Guinea. Ừa, chấp nhận, nhưng riêng ở Việt Nam thì mít tố nữ phát xuất từ đâu?

Trong bài Mít tố nữ Phú Hội (viết năm 2006), anh Bùi Thuận có nêu như sau:

Ông Hai Dội (Nguyễn Văn Dội) năm nay 82 tuổi, cũng như ông Sáu Tịch (Huỳnh Văn Tịch), 77 tuổi, là những lão nông tri điền ở xóm Hố đều có vẻ tự hào cho biết: Không biết là mít tố nữ có từ bao giờ. Nhưng lớp già chúng tôi biết là ở đất Phú Hội này ngày xưa chỉ có một cây mít tố nữ của ông Ba Tròn trồng ở hố bà Đại. Cây mít này to đến mức hai người choàng tay ôm mới hết gốc. Đến mùa trái mọc chi chít, những đám rễ nổi trên mặt đất cũng có trái. Từ cây mít tổ này, người ta mới gây giống ra trồng cả làng Phú Hội rồi qua cả Long Tân, Phú Thạnh, đến Phước An, Phước Nguyên bên huyện Long Thành. Nghe đâu người ta còn gầy giống mít tố nữ ở đây xuống miền Tây và vùng đất mới Long Khánh.

Nếu theo thông tin này thì cây mít tổ ở Phú Hội, Nhơn Trạch chớ không phải Long Khánh!

Do đâu mà có tên Tố nữ?

Vẫn biết rằng rất nhiều câu chuyện kể về xuất xứ tên trái cây, tên đất... là do người đời chế ra chớ không phải xuất xứ thật sự của những cái tên ấy, nhưng đa số câu chuyện đều có ý vị khiến người ta thích thú và lưu truyền mãi. Tuy nhiên câu chuyện kể về xuất xứ của cây mít tố nữ sau đây không biết do ai bịa ra mà cực kỳ vô duyên và lãng nhách:

Tương truyền từ xa xưa có nàng trinh nữ mang tên Tố Nữ đem lòng yêu chàng trai nghèo tên gọi Tố Nam nhưng tình yêu của họ bị chia lìa đôi ngã. Vì quá đau buồn nàng Tố Nữ qua đời và nơi nàng trinh nữ nằm xuống mọc lên một loại trái cây lạ. Dân làng đem nhân giống và đặt tên là Mít Tố Nữ.

Một câu chuyện bịa rất nghèo nàn về ý tưởng và dĩ nhiên chẳng có cơ sở hợp lý nào, vậy mà chẳng hiểu sao các trang web cứ dẫn lại như là truyền thuyết hay lắm vậy!

Tui thì nghĩ đơn giản như vầy: so với các giống mít khác thì trái mít tố nữ nhỏ nhắn hơn, thơm hơn, tức là có nữ tính hơn, giống nàng thiếu nữ mơn mởn hơn, cho nên người dân đặt cho nó cái tên mỹ miều là Tố Nữ. Có vậy thôi, không có ai yêu ai, tình yêu chia lìa cái quái gì hết!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét