15 thg 10, 2018

Những cánh cổng ở làng homestay An Bàng

Từ một làng chài nghèo khó, An Bàng (Hội An, Quảng Nam) sau hơn 5 năm đã vươn mình thành một làng homestay nổi tiếng khắp thế giới.

Một cánh cổng ở làng homestay An Bàng. Ảnh: H.V.M 

Khởi phát cho mô hình homestay ở đây là Lê Ngọc Thuận (hiện là Chủ tịch Hiệp hội homestay tỉnh Quảng Nam), một người con của làng An Bàng.

Năm 2012, Thuận bắt đầu làm homestay với việc thuê lại thuê đất của người trong làng, rồi lên mạng tìm thông tin, tự mày mò thiết kế homestay tiếp theo với nguyên lý đạt chuẩn quốc tế nhưng phải làm sao ngôi nhà trộng Hội An, đặc biệt An Bàng nhất.

Cổng nhà ở An Bàng không nhà nào giống nhà nào. Ảnh: H.V.M 

Ban đầu là một nhà, rồi mở rộng ra hai nhà, ba nhà, sáu nhà, hai mươi nhà… với hình thức “mượn vốn” người dân bằng cách thuê đất, thuê nhà rồi cải tạo, thiết kế lại thành homestay theo ý mình.

Đến năm 2017, sau 5 năm, sau khi những người dân này gần như thuần thục mọi kỹ năng và đường đi nước bước của nghề homestay, Thuận bán lại các homestay mình đã thuê trước đó cho chính chủ nhân với giá ưu đãi để họ tự điều hành.

Nó mang dấu ấn cá nhân của chủ nhà 

Cùng thời gian đó, nhiều hộ dân khác trong làng cũng học Thuận cách làm homestay, nhờ anh thiết kế xây dựng, gia nhập vào hệ thống quản lý của Thuận.

Đến nay, 60% số hộ dân An Bàng làm du lịch homestay, trong đó thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình 40-45 triệu đồng/tháng; nếu làm công ăn lương trong những ngôi nhà homestay của Thuận, thu nhập khoảng 12-15 triệu đồng/tháng (tính cả yếu tố cho Thuận thuê đất).

Hoặc là xu thế của cộng đồng 

Dù giá phòng ở đây khá cao (từ 30 -200 USD/ đêm), nhưng trung bình mỗi ngày An Bàng đón hàng trăm lượt khách phần lớn là khách Âu đến lưu trú.

Một trong những lý do để An Bằng hút khách vì nằm sát bờ biển sạch đẹp. Và quan trọng hơn là các hommestay giữ lại gần như nguyên mẫu khung cảnh tự nhiên của ngôi nhà trước đó như những tạp, cây khế, giếng nước, bờ rào… cùng hồn vía của chủ nhân.


Đến đây, du khách sẽ thấy và cảm nhận rất rõ sự khác biệt, không nhà nào giống nhà nào, bắt đầu từ những cái cổng rất độc đáo, mang đậm dấu ấn tính cách của chủ nhân từ ngôi nhà nguyên thủy.

Mới đây, An Bàng còn vinh dự được Tổng cục Du lịch trao giải thưởng “Khách sạn xanh ASEAN” giai đoạn 2016 – 2018 bởi những thiết kế độc đáo và môi sinh trong lành của mình.

Những góc xanh và cỏ hoa thơ mộng trong làng...



Sau hơn 5 năm, làng chài An Bàng giờ đây không chỉ được thoát nghèo, thay da đổi thịt mà còn làm giàu một cách bền vững với nghề homestay.

Và Thuận có một ước mơ lớn, rằng mô hình homestay bền vững như An Bàng sẽ được nhận rộng ra cho các làng chài khác ở Quảng Nam và miền Trung… 

Hoàng Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét