6 thg 8, 2016

“Thủ phủ” của hàng lậu

Đó là tên gọi mỹ miều của chợ gò Tà Mâu (Campuchia), cách phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) chưa đầy 1km, nơi đây tập kết hàng lậu “thượng vàng hạ cám”. 

Một góc chợ gò Tà Mâu.


Muốn qua chợ? Không cần bất cứ giấy tờ nào lận lưng, khách chỉ cần rề rề gửi xe tại một dãy dịch vụ gửi xe phía bờ Vĩnh Nguơn, bày tỏ ý định qua gò. Chủ giữ xe sẽ tận tình kêu Honda đầu đưa khách qua tận nơi, thậm chí kiên nhẫn chờ khách quay trở lại để chở về. Mùa lũ, con đường mòn “biến mất” trong màn nước trắng xóa, cũng là lúc các ghe, xuồng phát huy tác dụng. Chỉ tốn vài mươi nghìn tiền Honda đầu, tiền qua trạm, khách đã đặt chân đến đất bạn Campuchia. Điều duy nhất bị cấm ở đây là chụp ảnh và quay phim. Nếu ai đó phát hiện khách đang lén lút ghi hình thì... bị “no đòn” là cái chắc.
Gọi là “chợ” cho sang, chứ thật ra đó chỉ là một gò đất có khoảng 30 ngôi nhà sàn. Mỗi căn nhà diện tích hàng trăm mét vuông, bán một vài loại hàng hóa cố định: Hàng điện máy, nhu yếu phẩm, xe đạp đến hàng vạn món linh tinh khác. Dĩ nhiên, phần lớn là đồ cũ, không xuất xứ hàng hóa, không bảo hành, “miễn đổi trả sau khi mua”. Không giống như bất kỳ chợ biên giới khác, chợ gò Tà Mâu mang một vẻ rất riêng, thu hút hàng trăm lượt khách qua lại mỗi ngày.

Chẳng niềm nở, đon đả chào mời khách như thông lệ, các chủ hàng ở đây dường như không quan tâm người mua là ai. Khách cứ việc dạo quanh nhà, xem hàng, ngó nghiêng thoải mái, còn chủ cứ lo việc của chủ. Họ chỉ ngước lên nhìn khi khách hỏi về giá cả, chức năng… của món hàng nào đó, kiên nhẫn trả lời bằng tiếng Việt (nếu khách nói chuyện bằng tiếng Việt), rồi lại cặm cụi với việc riêng của mình. Khách thích thì mua, không thích thì bỏ đi, họ chẳng nài ép, kì kèo. Giá hàng hóa ở đây rẻ đến không ngờ. Một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3 (được giới thiệu là hàng chính hãng xách tay) rao bán 3,5 triệu đồng. Điện thoại dạng “cùi bắp” (bàn phím số, ít chức năng) cũng chỉ 100.000 – 200.000 đồng. Máy phát điện từ 2-4 triệu đồng (trong khi giá ở chợ bình thường sẽ cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi). Anh T., một người dân ngụ TP. Châu Đốc cho biết: “Hàng ở đây dễ mua lắm, giá mềm mà đa dạng, cần gì có đó. Tôi thường hay thả sang gò mua đồ dùng trong gia đình như xe đạp, máy phát điện, chân máy chụp hình, xe nôi trẻ em… Chịu khó trả giá, xem kỹ hàng thì cũng mua được hàng tốt. Nhưng nếu sơ suất chút thôi là mua nhầm đồ “đểu” ngay. Về tới nhà, sử dụng vài ba tháng là quăng bỏ, không cách nào sửa được”.

Điều đáng nói là hầu hết hàng hóa điện tử, máy móc ở đây, khi mua dù một chiếc hay nguyên cả lô đều theo kiểu may rủi: Không được thử. Nói theo dân gian, kiểu như “mua trâu vẽ bóng”. Một vài nơi cho thử nhưng lại bán giá cao hơn. Một dân mua hàng chuyên nghiệp bỏ nhỏ với chúng tôi: “Hàng ở đây là hàng “câm – điếc”, mua theo kiểu "hên-xui", nên mình phải biết cách ứng phó theo từng trường hợp. Nếu hên, mình bán “nguyên con” thì lời nhiều. Gặp xui, tháo ra làm phụ tùng và bán phế liệu, gỡ đồng nào hay đồng đó. Thật ra, hàng hóa đa số là loại tốt, chỉ có điều, chúng cũ quá nên hư hỏng hoặc bị tráo đổi phụ tùng bên trong…”.

Khách có lỡ tay mua nhiều hàng, nhưng không thể mang về Việt Nam? Vẫn là đội ngũ Honda đầu, các bác tài sẵn sàng “đai” hàng bằng xe máy vượt đồng. Mùa mưa, hàng được chở bằng xuồng máy. Anh T. chặc lưỡi: “Người dân địa phương sống nhờ khoản này lắm. Cứ chia theo phần trăm giá trị hàng hóa cần chở là ra số tiền thuê họ vận chuyển. Tính tới tính lui, mình vẫn còn ngợi tiền khi mua hàng kiểu này, nếu món hàng thật chất lượng”. Ngoài ra, khi khách không thích mua hàng, vẫn có “thú vui” khác chờ đón: Những trường gà đầy tính sát phạt đỏ đen được tổ chức gần đấy. Có thể, khi đi khách nặng trĩu túi tiền, khi trở về, họ nặng trĩu tâm can vì… trắng tay!

Theo UBND phường Vĩnh Nguơn, đã có thời điểm địa phương lập chốt kiểm soát tình trạng vượt biên trái phép sang gò Tà Mâu mua hàng lậu, đánh bạc. Nhưng vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, chốt kiểm soát không duy trì được. Do vậy, tình hình an ninh trật tự ở khu vực này khá phức tạp. Nhiều đối tượng phạm tội đã trốn ở gò để tránh sự truy nã của lực lượng chức năng; có đối tượng đem xe môtô trộm được sang gò tiêu thụ… Ban Phòng chống tội phạm, HIV/AIDS và tệ nạn xã hội tỉnh đã yêu cầu địa phương cần quản lý chặt chẽ việc qua lại biên giới theo quy định; đồng thời, hạn chế tình trạng người dân sang gò Tà Mâu buôn lậu, đánh bạc.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét