7 thg 5, 2016

Nhà Bàn hay Nhà Bàng?

Nhiều du khách đến Tịnh Biên (An Giang), người dân địa phương từ xưa đến nay đều thắc mắc về một địa danh tồn tại hai cách viết khác nhau – Nhà Bàn và Nhà Bàng. Vấn đề tranh luận này đến nay chưa kết thúc, có thể sơ lược sự bất nhất sau:
  • Bảng hiệu đơn vị hành chính, cơ quan, trường học sở tại ghi thị trấn Nhà Bàng.
  • Trong Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng số 56 – HĐBT ngày 10/5/1986 về việc thành lập thị trấn Nhà Bàn/Nhà Bàng ghi “Thị trấn Nhà Bàng”.
  • Trên các cột mốc Km dẫn đường khi ghi Nhà Bàn, lúc thì Nhà Bàng.
  • Có nhiều ý kiến, cách viết ở nhiều tài liệu liên quan đến địa phương (Lịch sử Đảng bộ huyện Tịnh Biên…) cho rằng Nhà Bàn đúng hơn Nhà Bàng và ngược lại.

Thực ra tên gọi này có nguồn gốc lịch sử như thế nào? Vì sao lại tồn tại hai tên gọi, cách viết bất nhất? Để làm sáng tỏ vấn đề, tiến tới thống nhất địa danh, ý kiến nào đúng, ý kiến nào không phù hợp, xin đưa ra một vài trao đổi.

Nhà Bàn và Nhà Bàng hiện tồn tại ba quan điểm giải thích về nguồn gốc tên gọi:
  • Theo tác giả Lê Trung Hoa (trên Tuổi trẻ Online, ngày 4/10/2010): “Nguyên trước đây tại vùng này có một cái nhà chuyên giã cỏ bàng để đan các dụng cụ như bao, giỏ, đệm… Cọng cỏ bàng thân tròn, cứng, nếu không giã thì khó trong việc đan và sử dụng các sản phẩm. Do đó, vùng này có địa danh Nhà Bàng…”. Ngoài ra còn có nhiều nhà nghiên cứu đồng nhất với quan điểm này: “Nhà Bàng là xứ có nhiều cỏ bàng, dùng làm các sản phẩm phục vụ đời sống, người dân gọi quen thành Nhà Bàng”.
  • Theo tác giả Nguyễn Liên Phong trong Nam Kỳ phong tục Nhân vật Diễn ca, xuất bản năm 1909, tại Sài Gòn đề cập đến địa danh này như sau:
“Đốc công tạo lập sở vườn
Thanh hoa đẳng vật coi thường vẻ vang
Cất bên một cái nhà bàn
Để khi ăn uống, nghỉ an luận bàn
Sau lập chợ phố hai hàng
Người đều kêu chợ Nhà Bàn thành danh”
  • Đặc biệt, ngoại lệ có một giả thuyết, sở dĩ xuất hiện tên gọi Nhà Bàn/Bàng là do: “Cái nhà có (trồng) nhiều cây Bàng (loài cây thân gỗ lớn thuộc họ Trâm Bầu) sinh sống nên người dân gọi Nhà Bàng…”.
Quá trình tìm hiểu lịch sử, vấn đề địa danh Nhà Bàn, Nhà Bàng chưa có một tài liệu cổ sử nào đề cập cụ thể (những tài liệu về An Giang: Gia Định Thành thông chí – Trịnh Hoài Đức; Đại Nam Nhất thống chí – Bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo; Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Lịch sử đất An Giang – Sơn Nam…) ngoài những câu thơ miêu tả của Nguyễn Liên Phong.

Dẫn luận cơ sở lịch sử nhận định tính xác thực cái “nhà bàn” theo cách miêu tả của Nguyễn Liên Phong đến sự xuất hiện tên gọi Nhà Bàn và nhất quán địa danh Nhà Bàn.
Có thể khẳng định, nếu ai từng đọc Nam Kỳ Phong tục Nhân vật Diễn ca của Nguyễn Liên Phong chắc hằn sẽ thấy độ xác thực sử - địa được diễn bằng thơ ca ở tập sách quý viết về Nam Bộ thời bấy giờ. Tác giả miêu tả sinh động đặc trưng văn hóa – lịch sử Nam Kỳ trong dịp “ngao du” nơi đây giai đoạn 1895-1905. Đất và người Nam Bộ trong tập sách hiện diện cụ thể, rõ ràng từng tiểu tiết (miêu tả từng tỉnh), sau này nhiều nhà văn hóa – sử tìm hiểu, đề cập trong các công trình nghiên cứu. Tập sách Nam Kỳ Phong tục Nhân vật Diễn ca gồm 7.000 câu thơ lục bát. NXB. Đinh Thái Sơn, Sài Gòn, 1909.

Có hay không sự tồn tại của “nhà bàn” theo sự miêu tả rành mạch của Nguyễn Liên Phong đến xuất hiện địa danh Nhà Bàn?

Sau Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Pháp lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Song song chiến sách bình định, Pháp thành lập bộ máy chính quyền cai trị. Đến đầu thế kỷ thứ 20, cơ bản hoàn thành hệ thống quản lý ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Pháp nhận thấy rằng, miền Tây Nam Bộ là nơi có nhiều tiềm năng kinh tế phục vụ cho chính quốc, Pháp không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa. Tăng cường mở rộng diện tích đất nông nghiệp sản xuất lúa gạo, hoa màu, khai thác khoáng sản địa phương, mở rộng các trục lộ giao thông, đảm bảo tiến trình khai thác…

Tuy là vùng đồng bằng có thế mạnh nông nghiệp, nhưng địa hình trũng thấp, hàng năm luôn chịu cảnh lũ lụt, ngập úng nặng nề, tổn thất lớn cơ sở hạ tầng mà Pháp đầu tư vào chuyên canh sản xuất lúa khu Tứ giác Long Xuyên. Đầu thế kỷ XX, An Giang vẫn là nơi hoang địa, sản xuất chưa hiệu quả, mãi đến năm 1923, việc khai thác nông nghiệp của Pháp mới đạt được kết quả với các đồn điền chuyên canh sản xuất.

Việc thu huê lợi nông nghiệp kém, khiến Pháp chú ý nhiều đến vùng đất gò cao để đầu tư vùng chuyên trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cao su, cây lấy gỗ… như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Ở các tỉnh miền Tây, An Giang là vùng đồng bằng – đồi núi, nhiều tiềm năng kinh tế khai thác mỏ, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, vị trí giáp Campuchia… Vì vậy, Bảy Núi trở thành tâm điểm của tư sản Pháp. Theo Sơn Nam: “Từ trước năm 1885, vùng Bảy Núi được thám sát về tiềm năng hầm mỏ; gặp suối nước khoáng chất (kiểu suối Vĩnh Hảo ở Trung Bộ) bên sườn núi Tô, nhưng xa đường chuyên chở… Tên Măn-xê (Manset) lập sở trồng cây ăn trái và cây kỹ nghệ ở khu vực “Nhà Bàn””.

Tiềm năng kinh tế của Bảy Núi là khai mỏ, trồng cây công nghiệp nhưng cuối cùng việc khai thác đá ở Bảy Núi Pháp đành dừng lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau, Pháp cho tiến hành ở núi Sam, núi Sập. Khai thác nước khoáng càng không thể vì kinh phí đầu tư công nghệ quá cao, địa thế hiểm trở… Cuối cùng duy chỉ tồn tại một “sở trồng cây”, thứ nhất, thiên nhiên đất đai thuận lợi, đầu tư kinh phí thấp so với các dự án khác, nguồn lực lao động tại chỗ đáp ứng được công việc đơn giản này, sản phẩm gỗ, cây ăn trái vận chuyển dễ dàng…

Để đầu tư phát triển “sở trồng cây”, Pháp xây dựng hệ thống giao thông kết nối nhau, thuận lợi vận chuyển hàng hóa về các mối tiêu thụ; quan Pháp, công nhân đi lại dễ dàng từ “sở trồng cây – nhà bàn” (nhà ăn, nghỉ…) ra kinh Vĩnh Tế. Điển hình: Tuyến đường thủy từ Châu Đốc đi Hà Tiên được khai sâu cho ghe, tàu chở hàng ra biển và sông lớn; hoàn thành lộ trải đá từ núi Sam đi Trà Sư – Hà Tiên năm 1893; những tuyến đường mòn từ Trà Sư đi Ba Chúc được gia cố vững chắc từ 1893-1900; tuyến đường từ “trụ sở trồng cây” đến chợ Cây Mít (giáp kinh Vĩnh Tế), đến xã An Phú (giáp kinh Vĩnh Tế)… Có thể nói, hàng hóa thu hoạch từ “sở trồng cây ăn trái và kỹ nghệ”, cùng thổ sản địa phương mà Pháp thu vén được trong quá trình cai trị ở đây, là đầu mối quan trọng cung cấp cho khu vực thị tứ khác trong tỉnh Châu Đốc và ở các nơi khác theo phương thức vận tải đường bộ và đường sông.

Về “tên Măn-xê (Manset) lập sở trồng cây ăn trái và cây kỹ nghệ ở khu vực “Nhà Bàn”” nhưng có thể hiểu diện tích của sở này không tập trung xung quanh Nhà Bàn mà bao gồm vùng rộng lớn. Do địa hình, phương tiện khai thác hạn chế, cây ăn trái, kỹ nghệ được trồng phân tán theo triền núi, đồi đất ở xã lân cận Nhà Bàn: Thới Sơn, An Phú, Nhơn Hưng hay Vĩnh Trung… Việc đặt một “nhà bàn” - ở trung tâm sở “Để khi ăn uống nghỉ ngơi luận bàn” là nhằm quản lý chặt chẽ công nhân (dân địa phương) trong quá trình làm công ở “sở”.



Vị trí của “sở”“nhà bàn” này hiện nay ở đâu? Qua nghiên cứu thực địa có thể phỏng đoán, “sở”“nhà bàn” nằm ngay ngã ba chợ thị trấn Nhà Bàn hiện nay. Thứ nhất, về địa thế, xưa nơi này là điểm giao nhau giữa hai (hoặc ba) tuyến đường mòn (nay có thể là tuyến đường về thị trấn Tịnh Biên, tuyến ra chợ Cây Mít, tuyến vòng về Tri Tôn…) thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng. Thứ 2: Nằm ngay chân núi Két, địa hình cao ráo giúp lưu giữ hàng hóa, thủ sở không bị tàn phá bởi mưa bão, lũ lụt hàng năm. Tiếc rằng, dấu tích chứng minh cụ thể cho sự tồn tại cái “nhà bàn” này chẳng thể “đào xới” được, ở địa phương dường như các lão niên biết về vùng đất, “nhà bàn” không còn nữa. Sự biến mất cái “nhà bàn” xưa do nhiều nguyên nhân, xung quanh 2 yếu tố chính:
  • Đầu tư “sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” là mục đích “kinh tế phụ” của thực dân Pháp ở Bảy Núi (ban đầu dự định khai thác đá và suối nước khoáng), nên việc xây dựng “nhà chủ sở”, “nhà bàn” chỉ tạm bợ từ vật liệu gỗ - lá sẵn có ở địa phương (không riêng gì ở đây, việc xây dựng “nhà việc” thời kỳ đầu thế kỷ XX, Pháp chưa bao giờ thực hiện kiên cố hóa loại trừ những hạ tầng cầu đường, “nhà việc” của quan chức cấp chủ tỉnh), về sau sở này không còn hoạt động (không hiệu quả kinh tế, chiến tranh…) thì “nhà chủ sở”, “nhà bàn” cũng biến mất.
  • Bị tàn phá do nhiều biến động lịch sử ở hai giai đoạn 1945 và 1954 (giai đoạn 1945 sẽ hợp lý hơn)
Có thể khẳng định, bấy giờ “nhà bàn” là địa danh do người dân gọi phỏng, kiểu lấy đặc trưng của nơi, vùng đất (“nhà bàn” – đặc trưng) đặt tên địa danh, chưa phải chợ.

Từ thành lập “sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” – thành lập “nhà + bàn” để công nhân ăn, ở, nghỉ - dân gian gọi lâu thành thói quen – xuất hiện địa danh Nhà Bàn. Ví dụ: Đi đâu? Đi lên chỗ (có cái) nhà … ăn (ở, nghỉ) … có (cái) bàn (dài) ở chân núi. Gọi lâu ngày đơn giản hóa (tỉnh lược) thành “Nhà Bàn”. Tương tự: gần Nhà Kho, khu Nhà Cháy, Nhà Bè, gần Nhà Thờ, cạnh Nhà Xác, xóm Nhà Ngói… (vấn đề “cây Bàng”, “cỏ bàng”, “nhà + giã cỏ Bàng” => Nhà Bàng sẽ giải thích sau).

Lại có nhiều ý kiến cho rằng: “Nếu tên gọi Nhà Bàn xuất phát từ quá trình trồng cây ăn trái, kỹ nghệ thì ở miền Đông, Tây Nguyên… Pháp cất nhiều “nhà bàn” phục vụ cho trồng cây công nghiệp sao người dân không gọi địa danh nơi đó là Nhà Bàn như trường hợp Nhà Bàn – An Giang?”. Thứ nhất:
  • Khi lập vùng chuyên canh cây công nghiệp, khai khoáng, những đồn điền chè, cà phê… người Pháp lấy tên gọi có sẵn của vùng đất để đặt tên (lúc này địa danh Nhà Bàn ở Tịnh Biên chưa ra đời), hay lấy chính tên chủ sở người Pháp đặt tên cho đồn điền. Ví dụ: đồn điền cao su Phú Riềng, đồn điền cao su Cam Tiên, đồn điền cà phê Buôn Mê Thột, công ty than Tuyên Quang; miền Tây có Đồn điền Cái Sắn (Société Civile des Rizieres de CaiSan), đồn điền Miền Tây (Domaina Agri cole de l’Ouest)…
  • Về quy mô, “sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” ở Nhà Bàn không phải là đồn điền thực thụ, không có địa thế bằng phẳng, nối tiếp nhau hàng trăm, hàng ngàn hécta. Đây là ở trồng cây phân tán, lại không được đầu tư lớn về khoa học kỹ thuật nên chưa có tên gọi, “bảng hiệu” hẳn hoi như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ… Có thể ban đầu giới chức Pháp gọi “sở” này bằng chính tên của người Pháp (Măn-xê) nhưng trong thói quen đặt – gọi tên đất, tên người của lưu dân Nam Bộ, họ lấy đặc điểm, đặc trưng của bổn xứ đặt tên đất, tên người, ví dụ: Ngô Thất Sơn, miếu Bà chúa Xứ Bàu Mướp, Vịnh Tre, cầu Cây Me… Cái tên Pháp khó đọc, khó hiểu không được dân bản xứ tiếp nhận. Vì vậy, “nhà bàn” là đặc trưng của vùng, sở tại gọi lâu phổ biến thành địa danh “Nhà Bàn” (tương tự/; Nhà Bè, cầu – chợ Cây Me, chợ Cây Mít, sông Cái Lớn, Làng Chài, Làng Gạch…).
Một sự kiện lịch sử khá quan trọng nữa chứng minh sự có mặt của “sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” và “nhà bàn” – Nhà Bàn là: Khi phong trào Cần Vương tan rã, các cuộc khởi binh của dân ta bị Pháp đàn áp dã man, nhiều sĩ phu yêu nước bơ vơ như “rắn mất đầu”, mang một nỗi buồn vong quốc “thoái ẩn” chờ cơ hội phục thù. Các danh sĩ từ Mỹ Tho, Gò Công, Đồng Tháp Mười, Hà Tiên… đến ẩn thân vào Bảy Núi vì có địa thế “linh thiêng” thuận lợi “tu học”, lập căn cứ. Pháp thấy rõ vai trò, sức hút của Bảy Núi đối với nho sĩ, người dân (qua trường hợp Ngô Lợi, Trần Văn Thành, Phan Xích Long…) nên việc đặt một “doanh trại bán quân sự, mật thám” để theo dõi “động tĩnh” ở “Bảy ngọn núi thiêng” là điều cần thiết. Vì vậy, sự ra đời của “sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” – “nhà bàn” không nằm ngoài mục đích chính trị, quân sự. Đó là sự “trá hình” kín đáo mà Pháp sử dụng hòng dập tắt phong trào vận động, tập hợp lực lượng yêu nước của các sĩ phu thất thế từ lúc manh nha nửa cuối thế kỷ XIX đầu XX.

Qua giải thích, chứng minh bằng những sự kiện lịch sử có thể khẳng định, tên gọi Nhà Bàn xuất phát từ sự tồn tại của “nhà bàn” của Pháp xây dựng phục vụ công cuộc khai thác thổ sản và mục đích chính trị ở An Giang. Không còn nghi ngờ gì nữa, vậy cách nói, viết “Nhà Bàng” tất nhiên không phù hợp, cần thống nhất lại “Nhà Bàn”!

Một sự nhầm lẫn về tên gọi “cây Bàng”, “cỏ Bàng” và “nhà giã cỏ Bàng” đến địa danh “Nhà Bàng”.
Theo Gia Định Thành thông chí (Trịnh Hoài Đức, Lý Việt Dũng dịch và chú giải), quyển 2, Sơn Xuyên chí, trang 69 (bản điện tử) thì “cỏ Bàng” có tên gọi “Không tâm bồ”, “dùng để dệt đệm, bao cà ròn”. Theo Sơn Nam miêu tả về vùng trũng Châu Đốc, Hà Tiên những năm 30, thế kỷ XX: “… Rồi trông chờ nước lụt, ai siêng năng rủ vài bạn cất nhà sàn, ngắm trời nước bao la, sống với cá tôm, chống xuồng đi nhổ cỏ Bàng, bán cho người ở xóm chân núi đương đệm, cà ròn…”.

Cỏ Bàng – loại cây có mặt trên khắp vùng Nam Bộ, cỏ Bàng gắn chặt với con người Nam Bộ đến nỗi trở thành một nét “văn hóa cộng đồng” trong sinh sống, lao động sản xuất. Chính vì lẽ này, rất nhiều tác giả quy chiếu cỏ Bàng, nghề sản xuất cỏ Bàng cho tên đất lẽ dĩ nhiên không mang tính khách quan lịch sử, làm tăng thêm sự nhầm lẫn trong thời gian dài. Ở đây, chỉ xin dẫn ra những điểm không phù hợp trên:
  • Cỏ Bàng, nghề đan Bàng xuất hiện từ lâu đời, các địa phương khác (Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang…) có cỏ Bàng, nghề đan cỏ Bàng (có nhà giã cỏ Bàng) sao người dân nơi đó không gọi – đặt tên Nhà Bàng như trường hợp Nhà Bàng ở An Giang (duy chỉ địa danh bến đò Cỏ Bàng – Thủ Thiêm – sao không gọi Nhà Bàng mà gọi Cỏ Bàng, trong khi nơi bến đò này có nghề sản xuất sản phẩm cỏ Bàng từ lâu đời?) mà phải gọi bằng tên khác? Chắc hẳn trường hợp Nhà Bàn (Tịnh Biên) có một “đặc trưng” đặc biệt mà người dân nhớ sâu đậm nhất, hơn cả cỏ Bàng – nhà giã cỏ Bàng, đó là “nhà bàn” của Pháp. Theo tâm lý người dân sở tại, sự vật, hiện tượng “người lạ” mang đến, hoặc xảy ra sự kiện quan trọng gắn liền với vùng đất dễ gây ấn tượng sâu sắc. Ví dụ: Nhà Việc, Cầu Quay, khu Nhà Cháy, Nhà Thí, Nhà Láng, Nhà Kho, Nhà Bè, Nhà Mồ…
  • Nghề đan cỏ Bàng (đệm, cà ròn, nốp, xách bàng… ) có lâu đời, xưa, nghề giã – đan cỏ Bàng chủ yếu lẻ tẻ theo hộ gia đình, chưa bao giờ xuất hiện “tổ hợp tác”, với một “nhà giã cỏ Bàng” rầm rộ như một số tác giả suy luận (!?). Qua tìm hiểu, cây cỏ Bàng, nghề giã - đan cỏ Bàng có nhiều nhất ở xã vùng trũng ngập nước (thuận lợi cho cỏ Bàng sinh sống): An Nông, Vĩnh Gia, Lạc Quới, các xã nằm dọc theo kinh Vĩnh Tế về đến Hà Tiên, nguyên liệu cỏ Bàng để đan do người dân từ Vĩnh Điều, Giang Thành ra bán lại. Ở Nhà Bàn nghề này trước kia chỉ vài hộ gia đình, chủ yếu do di cư nơi khác lại. Vì vậy, quan điểm nghê giã – đan cỏ Bàng ở Nhà Bàn từ năm 1900 rất sung túc – xây dựng “nhà giã cỏ Bàng” là không có cơ sở; thêm nữa, Nhà Bàn, các xã lân cận Vĩnh Trung, An Phú, Nhơn Hưng… là vùng đất núi, nếu có “cỏ Bàng” thì cũng rất hiếm!
  • Từ 1990 về trước, các sản phẩm từ cỏ Bàng được xem mặt hàng tiêu dùng chính, quan trọng đối với người dân Nam Bộ. Một số nghề truyền thống vùng Bảy Núi như dệt thổ cẩm (Văn Giáo), gốm Châu Lăng xuất hiện hơn 100 năm, qua mấy thăng trầm lịch sử đến nay vẫn tồn tại, dù người dân không còn sử dụng gốm hay dệt. Vì vậy, sự có mặt làng nghề đan “cỏ Bàng” đến thành lập “nhà giã cỏ Bàng” và gọi Nhà Bàng, sao hôm nay, nơi đây nghề này không còn dấu tích?
Có ý kiến cho rằng Nhà Bàn/Nhà Bàng – nơi tụ tập bày bán sản phẩm từ cỏ Bàng: nón bàng, đệm bàng… gọi lâu thành Nhà Bàng. Ý kiến này là sự phỏng đoán gần giống “nhà giã cỏ Bàng” trên. Theo đặc trưng địa văn hóa vùng Nam Bộ, việc thành lập chợ luôn được người dân chọn địa điểm gần sông, thứ nhất, tập trung được lượng khách địa phương lân cận đến mua bán (việc đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe – chợ gần sông thành đặc trưng địa văn hóa), thứ hai, dễ vận chuyển hàng hóa… Vì vậy, mua bán các sản phẩm từ cỏ Bàng phải bày biện ở các chợ gần sông, nơi tập trung đông thương buôn để tiêu thụ, trong khi đó chợ Cây Mít (nơi có trồng Cây Mít, nay chợ Nhơn Hưng) thành lập từ năm 1893 cách vị trí Nhà Bàn khoảng 5km, địa thế ngay bến sông Vĩnh Tế, sao người dân không đem ra khu chợ sầm uất Cây Mít buôn bán, hà tất “họp chợ” bán sản phẩm cỏ Bàng ở nơi thưa người, hẻo lánh? Vì vậy, cách lý giải “nơi bày bán các sản phẩm từ cỏ Bàng” – Nhà Bàng lẽ nhiên không hợp lý!

Từ vị trí chợ Cây Mít gần sông, người viết còn nghi ngờ, tuyến đường từ Nhà Bàn ra chợ Cây Mít là do Pháp thành lập nhằm vận chuyển hàng hóa từ “thủ sở trồng cây ăn trái, kỹ nghệ” ra sông Vĩnh Tế để chở đi nơi khác (!?).

Về giả thiết, sự tồn tại cái nhà có (trồng) nhiều “cây Bàng” đến “Nhà Bàng” càng không có cơ sở trên nhiều bình diện. Thực tế, nếu “cây Bàng” xuất hiện ở đây vậy hôm nay không còn một “cây Bàng cổ thụ” nào minh chứng? (đất cát núi, loài cây này sinh trưởng nhiều và nhanh), ngoại trừ các cây trồng cảnh quan đô thị sau này. Trong khi “cây Bàng” có sức sống dẻo dai, phát triển mạnh trong các loài cây nhiệt đới (nhiều cây cao đến 35 – 40 mét, đường kính 2,5-3 mét như cây Bàng Côn Đảo. Và nếu có “cây Bàng” đi chăng thì người dân nơi đó phải gọi “xã, chợ Cây Bàng” mới đúng, sao phải gọi Nhà Bàng? Một điển hình “gặp mặt đặt tên” rất bình dị của người dân mà địa danh gần đó còn lưu lại đến nay: chợ Cây Mít (có trồng cây Mít), chợ - cầu Cây Me (có trồng cây Me – Tri Tôn), xa hơn như bến đò Cỏ Túc (vàm sông dày đặc cỏ Túc – Vĩnh Hậu, An Phú)… Vậy, giả thuyết Nhà Bàn (Bàng) do người dân gọi theo “nhà” có nhiều “cây Bàng” nghiễm nhiên mâu thuẫn, khó chấp nhận sự suy diễn áp đặt này!

Từ “Nhà Bàn” thành “Nhà Bàng” không loại trừ khả năng “tính dị bản” trong thói quen gọi tên, cách viết của nhiều người.
Thói quen tự ý viết, nói của người dân, các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến “tính dị bản” gây tranh luận vô cớ Nhà Bàn (gốc) – Nhà Bàng (bản sao). Việc viết sai này bởi các tác nhân:
  • Nhầm lẫn từ “Bàn” – bàn làm việc (ăn, nghỉ…) và “bàng” trong “cỏ Bàng” và “cây Bàng” qua các tác động thông tin đại chúng khiến người dân “đánh đồng”, dẫn đến nói, viết sai: Nhà Bàn thành Nhà Bàng. Trường hợp tương tự: Cản Dừa – Cảng Dừa, Cù lao Giêng – Cù lao Ven (Den); Cần Tọt – Cần Giọt – Cần Giuộc, Mốp Văn – Mớp Văn…
  •  “Quy luật lây lan” trong lỗi kỹ thuật morasse (lỗi chính tả, in ấn) khiến Nhà Bàn thành Nhà Bàng làm không ít người tự tin nói, viết theo => nối tiếp từ sai đến sai. Ví dụ: Trong Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập “Thị trấn Nhà Bàng” làm cho đơn vị sở tại ghi – treo bảng hiệu “Hội đồng Nhân dân thị trấn Nhà Bàng”…; hoặc do trụ chỉ dẫn Km “Nhà Bàng” theo các tuyến lộ làm người dân, cơ quan chức năng khác “bắt chước” thành thói quen cố hữu. Thực ra thì Nhà Bàn mới đúng như giải thích ở trên!
Nếu không còn nghi ngờ, qua bài viết từ nay về sau mong các cơ quan chức năng trong, ngoài tỉnh khi đề cập đến địa danh Nhà Bàn (Tịnh Biên, An Giang) thì đúng như tên gốc Nhà Bàn! Quan điểm “Nhà Bàng” do “cây Bàng”, “cỏ Bàng” – “nhà giã cỏ Bàng”, “bày bán các sản phẩm từ cỏ Bàng” chỉ là sự quy kết vội vàng, gây nhầm lẫn địa danh “Nhà Bàn” bấy lâu nay…

Liêu Ngọc Ân.
Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 86, tháng 05-2012

1 nhận xét:

  1. ... Tôi người miền bắc viết "Nhà Bàn" đọc "Nhà Bàn", bạn tôi người miền nam viết:"Nhà Bàn" nhưng lại đọc "Nhà Bàng". Có lẽ địa danh "Nhà Bàn" biến thành "Nhà Bàng" là vậy.Thử xem lại trước 1975 chính quyền cũ sử dụng tên nảo.

    Trả lờiXóa