30 thg 5, 2014

Nắng đầu nguồn…

Đầu nguồn Vu Gia. Những ngôi làng neo mình trên bến vắng và nắng rải thảm trên “giao lộ” con nước biếng lười “độc hành” về xuôi… 

Con đường 60km đầy đất đá bụi bặm chỉ còn là vệt mờ trong ký ức. Bến đò Đại Sơn (Đại Lộc) ở quãng cuối đường ĐT 619. Xe đổ xuống bãi cát, qua những tấm mành mành bày trên mặt đất, lên cầu tạm, xuống đò… có cả học trò qua sông, leo dốc lên Tân Đợi. Cuối đường bê tông vắt vẻo, hun hút ven đồi nhấp nhô ngọn cây lá kim hình tháp bất ngờ hiện ra một ngôi làng mới vắng người ngay đầu nguồn. Anh Ngọc, công an viên Đại Sơn nói đó là làng định cư Tam Hiệp của những người bị mất đất sau những trận lở đất của hai làng Thác Cạn và Ba Tớt đầu nguồn. Mỗi sáng họ trở về làng cũ làm đồng. Chiều tối về lại làng mới, tắm gội, rửa ráy, giặt giũ ngay tại các giếng khơi đầu làng. 


Giao lộ đầu nguồn. 


Không giống hình dung rằng nơi phát tích Vu Gia phải là những vách đá mơ hồ, bí ẩn và nước chảy xiết. Đầu nguồn chỉ là hợp lưu chảy từ sông Thạnh Mỹ (còn gọi là sông Cái) và A Vương để thành Vu Gia biếng lười, “độc hành” về xuôi trên thủy lộ 52km. Khác biệt duy nhất ở thế giới hoang sơ ấy là tiếng sông gầm qua vách đất dựng đứng như một mũi giáo khổng lồ chĩa xuống dòng Vu Gia. Vài bóng chim chao nghiêng và hót “hào sảng” đâu đó giữa nương đồi mênh mông. Và nắng bao giờ cũng là thứ nắng rất nhẹ, rất thanh như là vàng vắt ra từ thiên nhiên, dát dày trên mặt sông, bãi cát, núi đất có những con người neo mình tìm kế sinh nhai. Một người đàn ông thẫn thờ trên bãi cát rộng như bờ biển. Người lái đò nói ông ấy đi tìm chiếc đò neo trên dòng sông đã bất ngờ “lạc” đâu mất sau cơn nước rút xuống đêm qua, để lại những dợn sóng cát và lòng sông đầy sỏi. Những viên đá, sỏi đẹp đến không ngờ với những đường nét sắc cạnh, đầy vân như những đám mây ngũ sắc bềnh bồng lặn trong từng thớ đá. Dân địa phương bảo đó là những hòn đá đã bị bào mòn sau nhiều tháng năm ở lại đáy sông. Họ không hiểu ngày càng ít chuyến phà theo con nước thất thường lên Mò O, nhưng lại có nhiều người lạ đến tìm gì ở lòng sông? Không lẽ đến chỉ nhặt về những viên sỏi cuội vô tri vì không ai nói hoặc nghe thấy ai đó đã lượm được thỏi vàng nào ẩn dưới đáy sông! 

Qua sông. 

Đêm xanh lam đổ tràn lên bến sông và rẻo đất nhỏ dựng trên đầu con nước lạnh ngắt một màu sương đục. Gò đất biến thành chảo khói. Những người “thám hiểm” qua đêm trong những căn lều dựng trên bãi đất trống trước sân trường tiểu học, giữa tiếng côn trùng râm ran, tiếng mang tác và tiếng voọc lạc bầy trên lũng núi. Đêm ấy có người không ngủ, xuống ngồi bên sông uống rượu nghe tiếng rừng thở…và rờn rợn gió đùa trên các vách đất dọc, trườn qua ngực thuyền cắm sào trên triền sông vắng… để chờ thấy buổi sáng ở giao lộ ấy là một khe núi đất ngập trong sương mù. Bình minh như phù thủy đang làm phép trộn màu của triêu nhan phủ lên nương đồi cùng mảnh trăng hạ tuần còn sót lại treo lơ lửng giữa trời nhìn con nước chảy xuôi, thấy lờ mờ làng và những con người lầm lũi dọc sông.

Chia tay đầu nguồn. Bao người qua là bấy nhiêu hình dung lạ lẫm như trong chuyện cổ tích đóng đinh tâm thức từ thẳm sâu ký ức tuổi thơ. Hình như ở đó, con người mới thật sự tìm thấy sự yên tĩnh cho lòng mình. Sự yên tĩnh, kỳ ảo của đầu nguồn như đánh thức cảm xúc khi đối diện với mênh mang vô tận, thoáng chốc quên đi thực tại duy lý, đẩy con người tìm về cái gốc của đời mình, đời người. Rất nhiều câu hỏi cho một cuộc thám du bất ngờ không thể trả lời chỉ trong một thoáng chốc. Chỉ có điều, sau chuyến đi trở về, câu “đầu nguồn, bạn đi chưa?”, gặp ai cũng muốn hỏi giữa một ngày hè đầy nắng…

NAM KHA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét