7 thg 5, 2014

Thăm chiến khu Minh Đạm

Khu căn cứ Minh Đạm thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Rừng núi cheo leo, hiểm trở cùng những thắng cảnh hùng vĩ của tự nhiên và các chứng tích lịch sử đã khiến nơi đây trở thành một điểm đến thú vị.

Từ Tp. Hồ Chí Minh, sau gần 2 giờ đi xe núi rừng Minh Đạm chào đón chúng tôi với những mảng rừng xanh tươi rậm rạp. Nếu không vội vàng, hãy đi thật chậm trên con đường uốn lượn lên khu căn cứ để ngắm nhìn sắc tím của những chùm hoa bằng lăng hay các loại hoa rừng khác đang khoe sắc. Một bên đường là rừng núi thoai thoải, một bên là thung lũng cây xanh, xa xa phía dưới là bãi cát trắng uốn lượn ven biển đã tạo nên một cảnh sắc tự nhiên thơ mộng. Núi Minh Đạm dài 8km, có điểm cao nhất 355m, với 3 mặt giáp biển cùng nhiều hang đá lớn nhỏ bí ẩn núp dưới những rừng cây, vách đá, suối nước ngọt róc rách quanh năm. Địa hình hiểm trở là điều kiện thuận lợi để quân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông Huân, một hướng dẫn viên kỳ cựu nơi đây cho biết, núi Minh Đạm trước kia còn được gọi là núi Châu Long – Châu Viên. Năm 1948, hai vị lãnh đạo huyện Long Điền là ông Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã hy sinh tại khu căn cứ. Người dân địa phương lấy tên của hai chiến sỹ cách mạng đặt tên cho ngọn núi này như một sư tri ân. 

Khu căn cứ Minh Đạm thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Sơ đồ Khu di tích Lịch sử Căn cứ núi Minh Đạm.

Đường vào Khu căn cứ Minh Đạm.

Địa hình hiểm trở của núi Minh Đạm là điều kiện thuận lợi để quân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 
xây dựng căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Đoàn chúng tôi chia thành từng nhóm, dựng trại và chơi một số trò trên một khoảng đất rộng và bằng phẳng. Buổi chiều, chúng tôi thắp nhang tại Đền tưởng niệm Bác Hồ và các chiến sỹ đã hy sinh tại khu căn cứ, nghe thuyết trình viên kể về lịch sử khu căn cứ cùng những trận đánh hào hùng năm xưa. Sau đó, hướng dẫn viên dẫn du khách tham quan một bảo tàng nhỏ trong khu căn cứ. Đây là nơi trưng bày nhiều vũ khí, hiện vật còn sót lại của chiến tranh, chứng tích của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ngày hôm sau, chúng tôi thử sức leo núi đến những điểm chính của khu căn cứ. Leo núi là một hình trình khám phá, chinh phục thử thách. Những con đường mòn nhỏ hẹp, khúc khuỷu, những bậc đá xanh trơn trượt, cây cầu gỗ lắt lẻo bắc ngang hai bên bờ đá luôn nhắc mọi người phải cẩn thận dù đã được học những kỹ năng cần thiết. Những hang đá to nhỏ bí ẩn, có hang vắt vẻo bên khe suối, có hang lại nằm lọt thỏm dưới gốc rễ cây cổ thụ… chính là nơi từng làm việc, sinh hoạt của các chiến sỹ trước kia. Khu căn cứ được chia làm bốn khu vực chính, mỗi khu vực đều có nhiều hang đá, các hang được đặt tên theo mỗi đơn vi đóng quân. Trong nhiều hang đá vẫn còn lưu giữ những bộ bàn, ghế đá, ghế gỗ cùng một số vật dụng thô sơ còn được lưu giữ nhằm tái hiện lại cuộc sống vất vả, thiếu thốn nơi núi rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được hướng dẫn một số kỹ năng cần thiết khi đi lại trong rừng núi như cách tạo ra lửa bằng củi khô và mùn cưa, cách nấu cơm trong ống tre, kỹ năng leo trèo... là những bài học rất thú vị và bổ ích. Khi leo lên được tới một chóp núi cao, một cảm giác rất dễ chịu, thoải mái lan tỏa xung quanh chúng tôi. Đó là cảm giác chiến thắng thử thách, gian nan. Thật tuyệt vời khi đứng trên cao phóng tầm mắt ra xa, tận hưởng bầu không khí trong lành, cảm nhận mặt nước biển phía dưới trong xanh hiền hòa cùng núi rừng hùng vĩ của vùng đất đỏ anh hùng.

Phòng truyền thống khu di tích Lịch sử Minh Đạm.

Hang tổ trinh sát Huyện Đội.

Một bên đường là rừng núi thoai thoải, một bên là thung lũng cây xanh, phía dưới là bãi cát trắng uốn lượn ven biển đã tạo nên một cảnh sắc tự nhiên thơ mộng biết bao.

Một hang đá trên núi Minh Đạm, nơi các chiến sĩ trú ẩn và chiến đấu.

Khu vực Căn cứ Huyện Đội.

Kẽ hang nơi từng làm giường ngủ của các chiến sĩ trong chiến tranh.

Nhiều hang đá lớn nhỏ bí ẩn núp dưới những rừng cây, vách đá, suối nước ngọt róc rách quanh năm. 

Năm 1993, khu căn cứ Minh Đạm được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ban quản lý nơi đây đã cố gắng gìn giữ nguyên vẹn khu căn cứ, chính vì thế ngọn núi vẫn còn nhiều cây cổ thụ, nhiều loại động vật quý hiếm. Trong những năm gần đây, núi Minh Đạm đã trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn. Ngoài khám phá khu căn cứ Minh Đạm, tiếp tục hành trình, chúng tôi còn khám phá vẻ đẹp hoang sơ, tắm biển cùng thưởng thức hải sản của bãi biển Thuỳ Dương nằm phía dưới chân núi. Hiện nay, đã có tour du lịch kết hợp giữa hành trình về thăm khu căn cứ với du lịch biển Vũng Tàu cùng một số địa điểm du lịch khác, biến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Đặng Kim Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét