Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Lâm Đồng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Lâm Đồng. Hiển thị tất cả bài đăng

5 thg 12, 2021

Biệt điện xa hoa giữa đồi thông Đà Lạt

Tọa lạc trên triền đồi thông thơ mộng, có vị thế đắc địa của thành phố cao nguyên Đà Lạt, khu biệt điện Trần Lệ Xuân được xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ. Khởi nguyên, đó là nơi nghỉ dưỡng vào những ngày cuối tuần của vợ chồng Cố vấn Ngô Đình Nhu và Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân…

Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, nơi bảo quản mộc bản Triều Nguyễn

Đà Lạt vào mùa hoa cơm nước

Từ giữa tháng 1/2021 đến nay, nhiều du khách trong nước và người địa phương bắt đầu biết đến mùa hoa cơm nước bung nở bên hồ Xuân Hương Đà Lạt để giành thời gian thưởng ngoạn.

Check in hoa cơm nước bên hồ Xuân Hương

Chuyện tình hoa Đỗ Quyên Đà Lạt

Không ly kỳ lãng mạn như chuyện tình yêu của chàng họa sĩ ở tít trời Âu yêu tha thiết nàng ca sĩ buộc phải bán tất cả gia tài nhà cửa để những mong chinh phục được trái tim người tình..., nhưng chuyện tình Đồi hoa Đỗ Quyên (Azulik Hill) của cặp đôi Lê Công Thưởng - Lâm Khánh Quyên vốn là những người con sinh ra và lớn lên trên phố núi Lâm Viên này cũng có nét hấp dẫn đáng yêu riêng...

Một góc check-in ưa thích tại Đồi Đỗ Quyên.

"Vàng - ngọt" mùa hồng giòn Đà Lạt

Khi ở Hà Nội rộ cốm mùa thu quyện trong mùi hương sen dịu mát, thì cũng là lúc Đà Lạt đang “vàng - ngọt” trong mùa hồng chín.

Hồng Đà Lạt có thể cung cấp cho khách hàng ở nhiều nơi cả trong và ngoài nước. (Ảnh: Nhật Quỳnh)

Thủy điện Ankroet - Giá trị kiến trúc và công nghệ độc đáo

Là công trình thủy điện được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam, Thủy điện Ankroet thuộc địa phận xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), do người Pháp thi công trong nhiều năm mới hoàn thành trong bối cảnh chủ yếu dựa vào sức người và công cụ hỗ trợ thô sơ. Trải qua gần 80 năm xây dựng và vận hành, Thủy điện Ankroet luôn để lại những giá trị cốt lõi mà giới chuyên môn và du khách trong và ngoài nước từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đập tràn của Thủy điện Ankroet được xây dựng bằng đá chẻ hiếm có và độc đáo là một trong những điểm du lịch sinh thái nhiều ấn tượng

28 thg 6, 2018

Kẻ mộng mơ

Ở Đà Lạt, qua thời gian người ta chợt nhận ra rằng những nghệ sĩ tử tế xứ này đều là những kẻ đơn độc (có người chịu không nổi phải bỏ chạy!). Và kẻ đơn độc nhất hiện nay có tên là Lữ Trúc Phương, hành nghề vẽ nhà vẽ cửa...

KTS Lữ Trúc Phương

Ông là một kiến trúc sư “có tiếng” ở phố núi du lịch sang trọng này. Hằng ngày tôi thấy ông lầm lũi đi về trong bộ đồ nâu xám cũ kỹ, trên một ngọn đồi ở ấp Hồng Lạc, cạnh ngôi chùa sư nữ nhỏ rêu phong trên đường Phạm Hồng Thái.

Ông không nói chuyện với ai, kể cả khi ở quầy bán báo bà Chương (cửa hàng báo trên 40 năm ở đường Ba Tháng Hai), mà chủ yếu dồn tất cả cho cuộc độc thoại trường kỳ với căn phòng ngợp các bản thiết kế, tranh, tượng gỗ, sách, máy tính... Nhìn vào không gian sống ở căn phòng 20m2 kia đủ nhận ra nỗi cô đơn, tự kỷ, trầm tĩnh (và chịu đựng), cùng vẻ ẩn sĩ của một kiến trúc sư kỳ dị giữa buổi cuộc sống đang tốc hành, nhốn nháo thực dụng...

Đường lên trăng - kiến trúc bước ra từ cổ tích

KTS Lữ Trúc Phương nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ 20 với 2 công trình “Nhà trăm mái” và “Đường lên trăng”. Với ý tưởng dựa vào các câu chuyện truyền thuyết về lịch sử và cổ tích Việt Nam, khắc họa cả những vật liệu truyền thống về kiến trúc là tre, trúc, gỗ, đá, gốm… con gái ông đang tiếp tục triển khai ý tưởng của ba mình để hoàn thiện công trình hình chữ “đ” kỳ bí mang tên “Đường lên trăng”…

Nơi đây sẽ có một nàng Trăng

13 thg 3, 2017

Rượu cần của người Mạ ở Cát Tiên

Có dịp về thôn Phước Thái (xã Phước Cát 2) và xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) thưởng thức ché rượu cần của người Châu Mạ nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận được cái ngon trong chất men truyền thống. 

Rượu cần là nét văn hóa độc đáo của người Mạ ở Cát Tiên. Ảnh: H.Đường 

30 thg 5, 2014

Vào hang Thoát Y Vũ

Hang Thoát Y Vũ vừa được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Di tích hang động này còn gọi là hang Dơi (vì rất nhiều dơi) thuộc địa phận thôn 4, xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên. 

Từ trung tâm huyện Cát Tiên vào hang Thoát Y Vũ chỉ không đến 50km nhưng nếu là mùa mưa thì không thể nào có cơ hội tiếp cận được di tích danh lam thắng cảnh vừa được công nhận này. Nhưng điều quan trọng và rất hấp dẫn là: Theo tục lệ của người Mạ ở Cát Tiên, đây là hang động khi muốn vào bên trong, con người trần tục phải cởi bỏ mọi thứ đang mặc (áo, quần...) và đang mang trên người (nhẫn, vòng tay...), và đồng thời còn phải gột rửa mọi “tham, sân, si...” trong đầu. Nếu không, con người đó sẽ bị những con vật của thần linh trong hang trị tội. Nếu vào hang và trở ra an toàn, con người ấy sẽ được hạnh phúc mãi mãi!

“Trong tương lai, hang Thoát Y Vũ sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn của huyện Cát Tiên” - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu khẳng định. 


Lội qua một con suối dài khoảng hơn 3km mới tới được hang Thoát Y Vũ 

10 thg 11, 2013

Hoa trăm cánh xứ lạnh

Đến phố núi Đà Lạt mộng mơ, không chỉ tìm về với thiên nhiên, khí hậu trong lành mát mẻ mà còn là dịp để du khách thưởng thức những sản vật đặc trưng của miền đất lạnh. Nơi ấy có loài hoa mà khi nhắc đến người ta nghĩ ngay đến Đà Lạt, như một hương vị rất riêng mà khi đến, đi du khách thường nhắc nhau thưởng thức và mang về làm quà - bông Atiso.

Vườn Atiso ở Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu 

Theo lời kể của nhiều tiểu thương thì nhiều khách nước ngoài thường diễn tả bông Atiso là loài hoa trăm cánh khi tìm mua.

8 thg 7, 2013

Đi tìm thác xưa đã khuất

Quá trình hình thành của trái đất được hoàn thiện mất 10-20 triệu năm, kể từ sau vụ nổ vũ trụ Big Bang xảy ra cách đây 13,7 tỉ năm. Từ những niên đại địa chất được mở ra là lúc những con sông, dòng thác diễm lệ xuất hiện, rồi định dạng, hiện hữu từ trong trật tự biến thiên của tự nhiên. Vì vậy, những dòng thác thiên nhiên là quà tặng vô giá của tự nhiên dành cho con người, phúc lợi trời đất. Chỗ nào trên trái đất này đều vậy, mà ngay tại Nam Tây Nguyên này cũng chẳng khác. Thế rồi, có một ngày con người bỗng nhớ nó...

DÒNG THÁC, DÒNG... CẢM XÚC

Đưa tay chỉ xuống phía xa ngay sau nhà, cụ bà Thân Thị Huệ 92 tuổi ở Khu I, phường Lộc Phát, Tp. Bảo Lộc tâm tình rằng 27 năm trước hàng ngày nghe tiếng ầm ầm của thác đổ, bà cảm giác về sự thanh khiết của tự nhiên, hoang sơ và êm ái. Bà rằng, nỗi tiếc nhớ về dòng thác Da M’rông nằm ngay giữa đô thị Bảo Lộc rất da diết, vì "nếu thác ở xa, tận rừng sâu thì không phải nhớ đến vậy. Cả thời trẻ của tôi ngắm nhìn, gắn bó, và yêu nó như da thịt, một dòng thác mang nguồn nước từ vùng Tân Rai chảy về". Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Bình của Bảo Lộc kể ngày đó, lúc thác Da M’rông còn anh thường trực ở đấy để chụp hình dịch vụ kiếm sông, lưu giữ ảnh ký niệm cho mọi người. Không người Bảo Lộc nào không lấy dòng Da Mrông làm chốn tham quan, giải trí, đi picnic, cắm trại, tìm tới nó, đến độ Chính quyền còn đưa Hội Xuân (Tết về), tổ chức Hội chợ thương mại... ngay cạnh thác cho độc đáo, thú vị. Những người dân say sưa kể về cảnh quan của xứ sở, trong đó có niềm tự hào rằng dòng thác xứ sở đi vào điện ảnh, làm bối cảnh chính như cho bộ phim nổi tiếng "Xác chết trên cao nguyên"...


Du khách nước ngoài tìm đến thác Gougah chụp hình lưu niệm (trước khi Thủy điện Đại Ninh ra đời).


11 thg 6, 2013

Du lịch trên cung đường K’Long K’Lanh

K’Long K’Lanh là tên một cây cầu, tên một trạm kiểm lâm, tên một thôn ở xã Đạ Chais (Lạc Dương). Đạ Chais có nhiều cách phát âm nên mọi người bảo gọi là K’Long K’Lanh dễ hơn. Nếu lên xe đò vào lúc sáng sớm mà xin bác tài cho xuống K’Long K’Lanh, thì điểm đến sẽ là nơi mơ màng sương khói. Từng đám trẻ líu ríu kéo nhau đến trường. Cảnh mộc mạc, nhưng thanh bình ở vùng đất mà khí hậu, thổ nhưỡng rất gần với Đà Lạt: Sương mù giăng kín những con đường uốn lượn qua đồi núi, những cánh rừng thông ngút ngàn, khí hậu trong lành, dịu mát...

Mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên của ngày mới chưa đủ nóng để xua tan màn sương dày đặc khiến du khách nước ngoài cũng phải ngỡ ngàng dừng bước. 


Ngay bên cạnh Trạm kiểm lâm K’Long K’Lanh là trại cá hồi của Công ty Yang Ly nằm dưới chân rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. 

24 thg 4, 2013

Những bản hòa ca của rừng

Những khu rừng ở Nam Tây Nguyên khoáng đạt, quần tụ nhiều loài chim quý. Vào rừng nghe những bản hòa ca của các loài chim, du khách miên man cùng những tiếng hót lảnh lót, lúc gần lúc xa, mênh mang, réo rắt, trong sáng… 

Mi Langbiang - loài chim đặc hữu của cao nguyên Langbiang 

Tour xem chim tại các khu rừng hẳn để dành riêng cho những trái tim thực sự mê say, không quản ngại sự xa xôi, núi đồi cách trở để nghe những âm thanh của cảm xúc. Năm 2009, một đoàn du khách đến từ Thái Lan đã đi theo tiếng gọi của các loài chim quý, theo bản đồ các loài chim di trú, băng qua nhiều khu rừng của Việt Nam, ranh giới của những tiếng hót tại Lâm Đồng được mở ra từ Vườn Quốc gia Cát Tiên, rồi lên Langbian và bước mòn dấu chân tại khu rừng vào cửa ngõ xã Tà Nung của thành phố Đà Lạt. Tour xem chim, nghe tiếng chim hót nổi bật với nhiều thiết bị máy móc lỉnh kỉnh, trong đó, các máy chụp hình và ống nhòm tối tân có thể tạo cảm giác choáng ngợp với những người chưa một lần được biết đến loại hình du thám này. Dường như từ xa, tiếng chim đã thôi thúc trí tưởng tượng, tiếng hót véo von cất cao có thể là của một loài chim có vẻ ngoài sặc sỡ, tiếng hót rộn ràng lại như là sự hội tụ của bầy đàn… 
Xe đến cửa rừng, lần lượt từng cá nhân nhanh chóng khuân vác máy, lạc bước vào khoảng không mênh mông nhưng không hoang vu bởi bản hợp ca của tiếng chim hót. Anh Piboon- một giảng viên đại học tại Thái Lan đi cùng vợ và con trai, anh chị thay phiên quan sát những cá thể chim trên các cây cổ thụ, bàn luận rồi ghi chép vào nhật ký. Những người bạn của họ di chuyển xa hơn. Lúc này, âm thanh nghe càng lúc càng rõ, có hồn, như chào đón đoàn khách mang theo cả tình yêu thế giới rộng lớn. Từng âm điệu riêng lẻ như có tâm tình và khi hợp lại, chúng trở nên đa thanh âm, làm dịu nhẹ nỗi lòng, giữa rừng vắng, chỉ có những tiếng hót sảng khoái, rộn rã. Sau chuyến đi đó, những hình ảnh về các loài chim và cảm xúc về âm thanh trong các khu rừng đã được giới thiệu một trang web chuyên nghiên cứu về chim mà các thành viên này đã thiết lập. Thế giới ấy là thế giới của tiếng hót diệu kỳ và những bước chân du thám vẫn tiếp tục sưu tập, mong muốn phát hiện ra những loài chim quý để tìm hướng bảo vệ. 


30 thg 3, 2013

Phượng tím đi qua…

Phượng tím Đà Lạt hàng năm nở hoa rộ vào cuối đông năm cũ và kéo dài đến hết mùa xuân năm mới. Là mùa sắc tím biêng biếc nhuộm đầy những con phố chính rồi lặng lẽ dừng chân ở những khu vườn ngoại ô điểm thêm những nét họa lung linh giữa trời đất Đà Lạt muôn triệu màu hoa. 

Phượng tím điểm hoa 

Cứ lên hết đèo Prenn, xuôi nhẹ êm hai đường dốc phố ngập đầy hoa hồng, khách du lại khó lòng giấu được cảm xúc ngẩn ngơ trước những chùm phượng tím điểm hoa trước đường vào Nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt. Những cành hoa hiếm hoi cuối mùa đong đưa, vừa quen thuộc vừa như xa lạ, vừa kỳ thú như lại vừa gần gũi…


Hoa bất tử nơi chân đèo Prenn

Một trong những “đặc sản” được du khách yêu thích khi đến với Đà Lạt chính là hoa bất tử, loài hoa nhiều màu sắc và giữ được vẻ đẹp nhiều tháng sau khi lìa cành. Bất tử được bán như một loại hoa tươi, được dùng để chế tác ra những bình hoa, lẵng hoa... Nhiều du khách và thậm chí cả người Đà Lạt đều tưởng rằng, đó là một loài hoa rừng được thu hái trong tự nhiên. Rất ít người biết rằng, lượng hoa bất tử cung cấp cho thị trường thuộc về cư dân một xóm của Đà Lạt. Đó là cư dân xóm Thác Prenn, nay thuộc về tổ 19 phường 3, nơi có những vườn bất tử tươi tắn sắc màu trong tiếng nước êm dịu của ngọn thác nơi đầu thành phố.


Xóm Thác Prenn vốn có cư dân sinh sống với nghề trồng la ghim như sú, lơ, cải thảo; cây ăn trái như hồng, cà phê. Và từ khi Đà Lạt thu hút đông đảo du khách nội địa, người dân xóm có thêm nghề trồng hoa bất tử. Chị Đầu Thị Xuân, cán bộ phụ nữ đồng thời là một người gắn bó với bông bất tử kể: “Bông bất tử được trồng ở đây đã khá lâu rồi, phải vài chục năm. Cũng không rõ ban đầu ai là người trồng nhưng bản thân gia đình tôi cũng là một trong những hộ trồng bất tử từ rất sớm. Hiện cả xóm có xấp xỉ 20 hộ trồng bất tử, có hộ trồng tới 2 sào, nhất là những hộ khu vực gần núi. Theo tôi được biết, gần như chỉ có bà con ở xóm Thác này trồng bất tử cung cấp cho thị trường Đà Lạt”. Những hộ trồng bất tử với diện tích lớn có thể kể tới gia đình chị Xuân, bà Phượng Thoại, anh Bốn Tân... và nhiều hộ gia đình khác.

16 thg 1, 2013

Điều bình thường quý giá


Đà Lạt luôn quyến rũ mọi người ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng phải sống hay làm việc ở đây một thời gian tương đối dài người ta mới dần hiểu tại sao. Và mỗi người tự tìm ra một cách lý giải. 



Với Hùng, một người bạn từ Tp.HCM được phân công công tác dài hạn ở Đà Lạt, thì cái quyến rũ của Đà Lạt lại là những gì tưởng rất nhỏ nhặt. Một dây leo xanh, một bông hoa lẻ, một ánh nắng quái chiều hôm nhuốm vàng phố xá… Những chi tiết vu vơ như thế nhiều khi trở thành bình thường đến độ nghiễm nhiên đối với chính cư dân nơi đây. Nhưng với Hùng đó là một phát hiện đầy hưng phấn, không chỉ hấp dẫn đối với riêng anh mà còn khiến nhiều người khác cũng phải ngạc nhiên.

Không gian màu nguy hiểm


Đà Lạt là một bức tranh có bảng màu riêng. Rất nhiều màu xanh đủ sắc độ của trời và cây, những dải đỏ nâu của đất, điểm xuyết những đốm rực rỡ của vàng, đỏ, hồng, tím, cam… của nhà cửa và hoa. Những điểm màu vừa nóng vừa lạnh tưởng chừng đối chọi nhưng trộn lẫn vào nhau lại hoà thành những mảng lấp lánh chỉ có thế thấy trong tranh Ấn Tượng thế kỷ 19. 



Cả cái không gian màu ấy lại hồi vọng và khúc xạ nhiều lần nữa qua mặt nước phản chiếu và ánh lam mờ của sương sớm. Mọi điều bình thường nhất đặt trong bảng màu này đều nổi bật lên và rọi phóng những cảm xúc phi thường. Đà Lạt nhìn đâu cũng đẹp cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bất kỳ ai đặt chân đến đây đều mang về vô số những bức ảnh. Chẳng ai đếm được bao nhiêu cặp uyên ương khắp nơi đã chọn Đà Lạt làm nơi chụp bộ ảnh cưới của họ. Và cũng dễ hiểu khi hầu hết bộ phim quay ngoại cảnh ở Đà Lạt đều là những phim tình cảm.

Ngọt thơm vị mứt Đà Lạt


Không chỉ nổi tiếng là thành phố ngàn hoa, Đà Lạt cũng là xứ sở của nhiều loại mứt đặc sản với đủ màu sắc và hương vị ngọt thơm hiếm thấy. Đến Đà Lạt, du khách khó có thể cưỡng lại vẻ hấp dẫn của mứt hoa hồng đỏ thắm, mứt khoai lang vàm rộm, mứt hồng dẻo, cà chua bi sấy khô… cực kỳ hấp dẫn.


Khách du lịch chọn mua mứt ở chợ Đà Lạt. Ảnh Nguyễn Dũng 

Có một điều đặc biệt, mứt Đà Lạt được sản xuất và bán quanh năm không nhất thiết phải đến tết mới có như những nơi khác. Đó là nhờ các phố lò mứt trên đường Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, khu Trại Hầm, Chùa Tàu… liên tục hoạt động sản xuất và cung cấp cho hàng trăm cửa hàng ở khắp nơi trong thành phố và chợ Đà Lạt. Mứt Đà Lạt hiện nay cũng có trên 30 loại khác nhau với đủ trạng thái sấy khô, sấy dẻo, dòn, chua, cay… phục vụ từng khẩu vị của du khách.

Du lịch Lâm Đồng nhìn từ phía biển


Nằm chung dải đất miền Trung, Đà Lạt là một trong những thành phố thu hút đông đảo khách du lịch bên cạnh những Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang. Tuy nhiên, khác hẳn với đặc điểm chung của những thành phố du lịch miền Trung là nằm trên dải đất ven biển nhiệt đới, Đà Lạt lại là thành phố mang khuôn mặt của vùng cận ôn đới. Và, nhìn Đà Lạt từ phía biển để rõ hơn những điều du lịch Đà Lạt đã làm được và còn thiếu, để rừng và biển tiến gần nhau hơn. 


Du khách nước ngoài thăm Đà Lạt 

Đà Lạt - khí hậu lạ đất miền Trung

Ông Lê Thế Sơn, đại diện cho Vitour, một hãng lữ hành thừa nhận: “Khí hậu miền Trung nói chung là nóng, riêng Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, mát mẻ quanh năm. Đây là một trong những điều làm khách hàng của chúng tôi rất thích, nhất là khách nội địa”. Giữa một miền Trung nắng đổ lửa, Đà Lạt được trời cho cái mát lành, nhẹ nhõm, để giữa mùa nóng bức du khách chợt bắt gặp không gian xứ lạnh.

22 thg 2, 2012

Đà Lạt từ trong nhìn ra

Đà Lạt đáng yêu nhất khi nhìn ra từ bên trong quán cà phê. Cái đẹp ấy được nhân lên lộng lẫy qua những phản chiếu và khúc xạ từ những cửa sổ kính của quán trong nhà hay những tấm kính chắn gió của những quán lộ thiên. Những lộn xộn, bừa bãi trong kiến trúc hay quy hoạch chung biến mất. Chỉ còn những mảng màu dội vọng long lanh trong nắng hay khuếch tán đằm thắm qua màn sương sớm.

Cùng với sương mù, bóng tối là thứ phấn son mà trời đất ban phát cho thành phố. May mắn thay Đà Lạt vẫn có cả hai. Đà Lạt đẹp nhất về đêm nhờ những mỹ phẩm tự nhiên ấy. Khi những vết sẹo trên dung nhan được màn đêm nhân từ che giấu, Đà Lạt đẹp đến mê hoặc. Và mặt hồ Xuân Hương biến thành một tấm gương khổng lồ cộng hưởng mọi sắc màu của ánh đèn đô thị.

Tôi thích ngồi trong những quán cà phê nhìn ngắm Đà Lạt bên ngoài, mưa hay nắng, ngày hay đêm, sương mờ hay quang đãng. Từ trong nhìn ra, Đà Lạt vẫn yêu kiều. Cái yêu kiều đó là món chiêu đãi tôi dành cho những người bạn phương xa thất vọng vì trót yêu Đà Lạt. Và chiêu đãi cả những người bạn Đà Lạt đang chán chường chốn này. Tổng thể còn lâu mới hoàn hảo nhưng chi tiết quyến rũ vẫn còn nhiều. Nếu không tìm thấy những chi tiết đó, chính tôi cũng sẽ bỏ đi.


 Đà Lạt thật và ảo phản chiếu ngược xuôi qua nhiều tấm kính trong và ngoài ở quán cà phê Hà Linh.