9 thg 10, 2013

Ngắm ruộng bậc thang thượng du mùa lúa chín

Suốt hơn 20 ngày rong ruổi từ Tây Bắc sang Đông Bắc, chúng tôi đã được tận hưởng cảm giác ngây ngất trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín.

Phụ nữ Mông Trắng chăm chỉ gặt lúa - Ảnh: Trần Thế Dũng

Đều đặn mỗi năm, từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, những cánh đồng lúa bậc thang trên vùng Đông và Tây Bắc Việt Nam hầu hết “đỏ đuôi”, rặt một màu vàng óng. Một số nơi do yếu tố khí hậu, thời tiết, thời điểm gieo sạ nên lúa chín không đều, song những thửa ruộng xanh mơn mởn sót lại như nét chấm phá cho cảnh sắc sinh động.
Ở vùng Tây Bắc, ruộng bậc thang mỗi nơi mang một nét đẹp, hấp dẫn riêng. Tại Tú Lệ, Lìm Mông, Cao Phạ (Yên Bái) quê hương của giống nếpTan Lả, người Mông, người Thái tận dụng đồi núi thoai thoải kiến tạo nên những thửa ruộng rộng rãi, xếp mình thoai thoải khắp cả thung lũng. Nhờ thế, từ đèo Khau Phạ nhìn xuống toàn cánh đồng hiện ra như biển sóng, đầy hình vẽ và nhiều sắc màu đến vờn mắt. 

Khi xanh mướt như những dải lụa mềm, lúc óng vàng trong nắng thu, dập dờn như sóng nước trên triền núi. Và… càng đáng nể phục khi những thửa “bậc thang” kia đang phơi ải, xuất lộ trí tuệ, công sức của đồng bào dân tộc vùng cao. Hiện ruộng nhiều bậc thang nhất Việt Nam thuộc thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, Sa Pa với 121 bậc cao trải qua hơn 100 tuổi. 

Trong khi đó, Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì thuộc vùng núi cao, cấu trúc địa hình khắc nghiệt buộc bà con dân tộc Mông, Dao Đỏ, Nùng... phải tùy vào độ dốc để bạt đất, đắp bờ cao, lượn quanh sườn núi thành những khoảnh ruộng hẹp, gối lên nhau tầng tầng lớp lớp từ chân đến đỉnh núi tựa bậc thang lên chín tầng mây. 

Sáng chủ nhật, trong lúc thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) ồn ào, náo nhiệt với những dòng người từ các bản làng kéo nhau về họp chợ phiên thì ở cánh đồng ruộng bậc thang án ngữ ngay cửa ngõ vào phố núi, các chị các mẹ vẫn thoăn thoắt tay liềm gặt lúa cho kịp cánh đàn ông mang đến đập trên chiếc máng gỗ. Một cảnh sinh hoạt bình dị mà đầy sắc màu sơn cước.

Cung đường từ Cao Bằng qua đèo Mã Phục đến huyện Trùng Khánh vùng biên cương xa ngái nhưng lại rất gần bởi cả một trời quê hương. Thiên nhiên đã ban phát cho vùng đất này những dãy núi cao hùng vĩ, đất đai phì nhiêu, dòng sông Quây Sơn xanh biếc ngày đêm tuôn chảy như dải lụa xanh tung bay giữa núi rừng.

Và trên dải lụa ấy, đường nét, khúc đoạn khi rơi tự do hình thành thác Bản Giốc là ngoạn mục nhất, làm thành một cái nền cho sắc màu lúa chín thêm rực rỡ...

Cánh đồng lúa ở thung lũng Lìm Mông (Yên Bái) như biển sóng nhiều sắc màu - Ảnh: Trần Thế Dũng

Ruộng bậc thang xã Ma Lé, đường lên Lũng Cú (Đồng Văn) đang chuyển sang màu vàng óng - Ảnh: Trần Thế Dũng

Lũng Cú (Đồng Văn) - điểm cực bắc Tổ quốc lúa đã chín vàng - Ảnh: Trần Thế Dũng

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì hầu hết vẫn còn xanh mơn mởn - Ảnh: Trần Thế Dũng

Ruộng bậc thang thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, Sa Pa (Lào Cai) với 121 bậc cao - Ảnh: Trần Thế Dũng 

Công việc đập lúa nặng nhọc dành cho cánh đàn ông - Ảnh: Trần Thế Dũng

Sắc màu rực rỡ của lúa chín khiến cả một vùng núi non thác Bản Giốc như nhuộm trong sắc màu - Ảnh: Trần Thế Dũng 

TRẦN THẾ DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét