21 thg 10, 2013

Nước mắm Nam Ô

“ Làng tôi nước mắm Nam Ô nếm chút mê say, biển xanh hương muối mặn mà, gừng cay nhắn với ai ơi nhớ về cội nguồn…” Nhạc sĩ Phương Tài đã lắng đọng vào trong câu hát một đặc sản vốn nổi tiếng từ bao đời và vẫn gìn giữ duy trì cho đến ngày hôm nay. Ai đó đã một lần dừng chân trên quê hương Liên Chiểu thì chắc hẳn đã từng nghe về thương hiệu đặc sản Nam Ô. Chí ít chưa từng được dùng cũng nghe qua từ những câu hát hay câu nói quen thuộc “nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều” 

Nước mắm Nam Ô dưới ánh Nắng xuân 

Làng nghề nước mắm Nam Ô được hình thành đầu thế kỷ XX. Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân (nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng). Từ lâu nước mắm Nam Ô đã có tiếng tăm trên thị trường cả nước và nước ngoài. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô có lẽ chính là công thức chế biến. 


Cá than 

Để chế biến ra loại nước mắm nổi tiếng, thơm, ngon, người dân Nam Ô chuẩn bị công phu từ muối đến hũ, rồi cá…Muối phải có xuất xứ từ Đề Gi, Sa Huỳnh hay Cà Ná hạt to, chắc, đã để qua ba, bốn tháng để muối bay hết chất đắng. Dụng cụ làm muối là hũ, vại, chum bằng gỗ bằng lăng, mít…mới đúng cách, với nhiều kích cỡ khác nhau. 

Cá phải là cá cơm than tháng ba âm lịch vì có độ đạm rất cao, lựa chọn con vừa phải, và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu sẽ bị thối. 

Thông thường, muối cá vào tháng ba đến khoảng gần Tết là có thể lọc nước mắm được rồi. Nhẹ tay lấy vỉ chèn ra, trộn đều mắm và dùng vải mịn để lọc. Nước mắm thành phẩm có màu đỏ sậm như màu cánh gián, mùi thơm đậm đà. 

Như vậy, nước mắm Nam Ô thơm ngon là kết quả của nhiều yếu tố: Chất lượng cá, muối, khí hậu đặc biệt ở Nam Ô và kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm trong nghề. 

Hiện nay, Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô đã được thành lập và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và cấp Giấy chứng nhận nhãn mác tập thể cho Hội làng nghề. Sản phẩm nước mắm Nam Ô hiện đã có chỗ đứng trên thị trường trong cả nước. 

Trải qua hàng mấy trăm năm, tuy có những bước thăng trầm nhưng nghề mắm Nam Ô vẫn được duy trì và phát triển. Hiện nay, trong làng có trên 100 hộ hành nghề. Ghé thăm làng mắm trong mùa mắm Tết, quý khách sẽ nhận ra không khí tất bật của các mẹ, các chị trong việc lọc mắm, chở mắm đi bán các nơi. Còn mùi mắm thì cứ thơm lừng đâu đâu trong không gian... Chao ôi, cái mùi thật dễ chịu và hấp dẫn làm sao! 


Thu Sang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét