5 thg 10, 2013

Kon Tum - Làng Hồ - Vùng đất lịch sử bên dòng Đăk Bla

Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có hình thể như một ngọn núi sắc nhọn, lưng dựa vào Ngã ba Đông Dương, chân đứng vững chãi trên cao nguyên Pleiku, mặt hướng ra Biển Đông qua tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam ở miền Trung Trung Bộ. Là một trong 2 tỉnh duy nhất trong cả nước (Kon Tum, Điện Biên) có chung đường biên giới với 2 quốc gia láng giềng. 

Hừng đông trên dòng Đăk Bla - Ảnh: Nguyễn Đang 

Kon Tum nằm ở vị trí địa lý chiến lược về mọi mặt, là nơi gặp nhau của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, với độ cao trung bình từ 1.000-2.000m so với mực nước biển, Kon Tum được ví như nóc nhà của ba nước Đông Dương. Từ đây có tầm kiểm soát cả cao nguyên Trung phần, án ngữ con đường xuyên Việt từ Trường Sơn Bắc vào Trường Sơn Nam, từ Việt Nam qua các nước bạn và từ phía Tây qua Kon Tum xuống Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng ra Biển Đông. Nếu tính theo đường chim bay thì từ thành phố Kon Tum đến Thủ đô Hà Nội khoảng 800 km, ra Biển Đông chừng 130km và vào thành phố Hồ Chí Minh khoảng 400 km.

Nơi thấp nhất ở Kon Tum là thung lũng sông Đăk Bla xung quanh thành phố Kon Tum (400m), nơi cao nhất là núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ cao tới 2.598m, Ngọc Niay 2.259m. Vùng núi Ngọc Linh có độ cao trung bình 1.600-1.700m so với mực nước biển, là vùng núi đồ sộ nhất của hệ núi Nam Trường Sơn. Khối núi Ngọc Linh chia vùng này thành hai sườn bất đối xứng: Sườn tây gồm những dãy núi thấp chạy theo hướng đông bắc-tây nam, sườn đông hẹp hơn gồm các dãy núi chạy dọc theo hướng bắc nam với nhiều đèo dốc như đèo Viôlăc, có vùng tiểu khí hậu khá đặc biệt - Măng Đen, KonPLong nổi tiếng - Đông thì nắng, Tây thì mưa, khí hậu lúc nào cũng lành lạnh, một Đà Lạt thứ hai trên cao nguyên và nay đã trở thành danh lam thắng cảnh du lịch sinh thái có tiếng của Kon Tum. Núi cao, đèo dốc, độ cao vặn vỏ đỗ như vậy nên đã tạo cho bề mặt Kon Tum mang đặc trưng một vùng núi non hùng vĩ, hiểm trở nhất Tây Nguyên. 

Đường Trường Sơn Đông qua Kon Plông (Kon Tum) - Ảnh: Văn Phương 

Trong lịch sử, Kon Tum có nhiều biến động về lãnh thổ và tên gọi, nhưng địa danh Kon Tum - Làng Hồ đã được ghi nhận từ rất sớm. Thuật ngữ Kon Tum, theo truyền thuyết của người Ba Na, là tên làng mới cạnh hồ nước bên dòng sông Đăkbla. Theo ngôn ngữ Ba Na thì Kon là làng, Tum là hồ nên còn gọi là Làng Hồ. Theo sách Phủ biên tạp lục nổi tiếng của Lê Quí Đôn (Lê Quí Đôn toàn tập 1997, tr.122-123) đã ghi lại: Ngay từ những năm 1540, dưới triều vua Lê Trang Tông (1533-1548) của nước Đại Việt, một viên quan của triều đình là ông Bùi Tá Hán được cử vào trấn thủ thành Quảng Nam, cai quản toàn bộ dân Tây Nguyên, có công tổ chức dinh điền, di dân lập ấp trên vùng Thượng và củng cố mối quan hệ hòa thuận giữa người Kinh và người Thượng ở Tây Nguyên. Năm 1840, dưới thời vua Thiệu Trị (1807-1847), triều đình Huế lập người Ba Na tên là Bok Seam làm quan cai trị các bộ tộc Tây Nguyên, cho phép người Kinh và người Thượng tự do buôn bán, trao đổi hàng hóa. Từ đây người Kinh bắt đầu đến Kon Tum, sau một thời gian dài khép kín, vùng đất Kon Tum lúc đó không chỉ có lái buôn người Kinh mà có cả cha cố người Pháp và người Việt xâm nhập vào Kon Tum truyền giáo. Trong các ghi chép khoảng những năm 1840 đã nhắc đến tên Làng Hồ - theo cuốn hồi ký Les sauvages Banhas của Pierre Dourisboure xuất bản tại Paris năm 1929 thì từ năm 1842, người Pháp đã đến Làng Hồ (TP Kon Tum ngày nay) bên bờ sông ĐăkBLa để truyền giáo. Năm 1892, thuật ngữ Kon Tum chính thức được đặt cho tòa đại lý hành chính đầu tiên ở Tây Nguyên (Commissariat de Kontum). Đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum - Province de Kontum (Khảo cổ học tiền sử Kon Tum-2007). 

Khu trưng bày Di tích lịch sử Ngục Kon Tum 

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Kon Tum là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, luôn là căn cứ cách mạng, nơi địch giam cầm các nhà cách mạng tiền bối, chịu sự tù đày, rèn luyện ý chí cách mạng kiên trung của các chiến sỹ cộng sản - Ngục Kon Tum, Ngục ĐăkGLei nổi tiếng, đã được thể hiện qua Phóng sự Ngục Kon Tum - xuất bản năm 1938 của nhà cách mạng Lê Văn Hiến, bài thơ Tiếng hát đi đày của Nhà thơ-nhà cách mạng Tố Hữu viết năm 1941, Hồi ký Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum của nhà cách mạng Ngô Đức Đệ - người tù chính trị đầu tiên bị thực dân Pháp đưa lên đày ở Ngục Kon Tum năm 1930... Là nơi ra đời và nuôi dưỡng những phong trào đấu tranh yêu nước giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - như sự kiện cuộc Đấu tranh Lưu huyết ngày 12/12/1931 của các chiến sỹ cộng sản ở Ngục Kon Tum, hay đã được thể hiện qua tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (tức Nhà văn Nguyên Ngọc) viết năm 1965...Nơi tập hợp lực lượng chiến đấu, mở màn nhiều chiến dịch lớn trong lịch sử như Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh năm 1972, Chiến thắng Măng Đen năm 1974…, là bàn đạp vững chắc để tạo thế tấn công giải phóng đồng bằng, giải phóng Tây Nguyên và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước Mùa Xuân 1975. 

Cùng với vị trí chiến lược về địa lý, Kon Tum còn là nơi giao thoa, hội nhập và hội tụ các nền văn hóa lớn của các dân tộc, các quốc gia. Cũng là nơi còn lưu giữ vốn văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Sau khi khai quật và nghiên cứu các di chỉ khảo cổ của Văn hóa Lung Leng ở Sa Thầy, Kon Tum từ năm 1999, 2001 các nhà khảo cổ học đã nhận định: Cư dân cổ Kon Tum thuộc giai đoạn đá mới muộn, tồn tại trong khung niên đại từ 4.000 đến 3.000 năm cách ngày nay, là lớp cư dân đông đúc nhất, phân bố rộng lớn trên mọi địa hình của cao nguyên, nhưng tập trung hơn cả là dọc các sông lớn Krông Pôkô và Đăk Bla, đã có đóng góp quan trọng hình thành văn hóa Sa Huỳnh và văn minh thời đại sắt sớm ở Trung Bộ và vùng cao nguyên sau này. Trong quá trình phát triển văn hóa, cư dân cổ Kon Tum không chỉ có mối quan hệ mật thiết với cư dân ven biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ, mà còn có mối giao lưu nhất định với một số cư dân cùng thời ở Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia. Cư dân Văn hóa Lung Leng Kon Tum là những người ở giai đoạn sớm đã biết trồng lúa, giai đoạn muộn đã biết đến đúc đồng và luyện sắt, có quan hệ mật thiết với cư dân văn hóa Biển Hồ ở cao nguyên PleiKu, các văn hóa Tiền Sa Huỳnh ở ven biển Trung Bộ Việt Nam và với cư dân văn hóa tiền sử Lào (Khảo cổ học tiền sử Kon Tum-2007). 

Vòng Xoang ngày hội của người Bana - Ảnh: Minh Đức 

Từ cái nôi văn hóa đa dạng và phong phú ấy, Kon Tum chứa đựng nhiều tầng bậc di sản truyền thống độc đáo truyền lại đến ngày nay, đã được nghiên cứu và công bố qua nhiều công trình khoa học xã hội nhân văn của các nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Đó là những di sản vật thể và phi vật thể vô giá của 6 dân tộc bản địa cùng với người Kinh sinh tụ lâu đời, được thể hiện qua các thể loại: nghệ thuật diễn xướng dân gian, nhạc cụ dân tộc, dân ca dân vũ, điêu khắc, hoa văn, trang phục, kiến trúc, sử thi, truyện cổ dân gian... là những loại hình khắc họa sâu sắc về tình cảm con người trong mối quan hệ gia đình, cha con, anh em, chồng vợ, về tình yêu đôi lứa; mối quan hệ giữa con người với con người, cá nhân với cộng đồng; giữa con người với thiên nhiên, môi trường, muông thú; mối quan hệ giữa con người với lực lượng siêu nhiên, với thần linh (Yàng, thần), một xã hội đoàn kết cộng đồng... Các mối quan hệ phong phú và đa chiều ấy được thiết lập một cách chặt chẽ và thân thiện. Có rất nhiều phong tục, tập quán được phản ánh trong các di sản văn hóa cổ truyền, có thể nói cả một thế giới nghi lễ và phong tục gắn với mọi hoạt động của con người được miêu tả, thể hiện cụ thể, phác họa lên bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội của cư dân Kon Tum - Làng Hồ, hết sức sinh động và chân thực với đầy đủ cung bậc của cuộc sống, tình yêu thương con người, đến cái thiện, cái đẹp, phê phán cái xấu, cái ác, hướng đến ngày mai tươi sáng. 

Bờ kè sông Đăk Bla về đêm - Ảnh: Nguyễn Đang 

Làng Hồ - Kon Tum nay đã đổi thay về mọi mặt. Đã trở thành đô thị rực rỡ sắc màu, sầm uất và phồn thịnh. Dòng sông ĐăkBLa - dải lụa đào đầy huyền thoại ôm lấy thành phố - là chứng nhân quan trọng nhất về những sự đổi thay ấy trên vùng đất Kon Tum - Làng Hồ, sự đổi thay kỳ vĩ trên đôi bờ uốn lượn của mình, vẫn mải miết mang nặng phù sa chảy về phía Tây để bồi đắp cho sự sống của vùng đất lịch sử trăm năm tuổi.

Trần Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét