14 thg 10, 2013

Câu chuyện về chiếc Chàng Chảy

Chàng Sơn nổi tiếng khắp xứ Đoài xưa bởi nghề mộc. Bàn tay tài hoa của người thợ còn lưu dấu trên một số công trình của Việt Nam.

Nguyên tên Nôm xưa của xã là làng Chàng, được cho là bắt nguồn từ tên một dụng cụ làm mộc cổ là đục Chàng Chảy. Về sau, làng được gọi theo âm Hán Việt là Chàng Thôn, rồi biến âm thành Chàng Sơn như ngày nay.

Đục Chàng Chảy (Nghĩa cổ của từ Chàng là "Đánh" - chỉ thao tác sử dụng của chiếc đục cổ này) đóng vai trò quan trọng với làng nghề Chàng Sơn xưa.

Anh Giang - người thợ trẻ của làng từng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và hiện là chủ doanh nghiệp gỗ cho biết: “Chàng Chảy là tên gọi cho chiếc đục gỗ có từ xưa, hình dạng khác với những chiếc chàng thông thường. Điều đáng nói là kỹ thuật đục gỗ gắn với chiếc chàng đặc biệt này. Có thể nói, chiếc chàng chảy là tập hợp tinh hoa của nghề mộc xưa. Ưu điểm của dụng cụ này là cho ra đường nét gọn, tinh tế và mềm mại nhưng mất nhiều thời gian và sử dụng khó, đòi hỏi phải có tay nghề cao. Để sử dụng thành thạo thường phải học và làm trong 3 năm”.

Thật may ở làng hiện vẫn còn một số người giữ được kỹ thuật đục Chàng Chảy. Quả thật sử dụng Chảng Chảy không hề đơn giản, từ việc phân bố lực gõ đến cách cầm đục đều rất khác biệt. Do chiếc đục nằm theo chiều nghiêng, chuyển động của đục gần giống theo kiểu "chiếc bập bênh", dùi đục đánh vào chuôi đục và mũi đục được "chảy" đi.

Chàng Sơn nổi tiếng khắp Xứ Đoài xưa bởi nghề mộc. Bàn tay tài hoa của người thợ Chàng Sơn còn lưu dấu trên một số công trình nổi tiếng của Việt Nam như: Kiến trúc gỗ Chùa Tây Phương, 18 pho tượng La hán Chùa Tây Phương, Văn Miếu Quốc Tử Giám... Có nhiều làng nghề Bắc Bộ cũng làm nghề trạm khắc gỗ nhưng nhờ bí quyết nghề nên làng Chàng Sơn xưa đã nổi danh và chiếc Chàng Chảy là một minh chứng rõ ràng.

Người thợ làng Chàng thao tác với đục "Chàng Chảy" 

Chạm khắc hoa văn theo lối cổ đặc sắc riêng, với đục "Chàng Chảy" của làng mộc truyền thống Chàng Sơn. Trong chạm khắc hoa văn gỗ ngày xưa thì chiếc đục Chàng Chảy cổ là chiếc đục được người thợ tạo đường nét đầu tiên của hoa văn, cũng gần giống như người họa sỹ dùng bút chì để phác thảo những nét vẽ đầu tiên. 

Chiếc chuôi đục thường được vát chéo để khi theo tác chiếc đục nằm nghiêng thì bề mặt chuôi đục có phương nằm ngang để người thợ đánh dùi đục vào 

Thao tác sử dụng chiếc đục cổ Chàng Chảy khá độc đáo khác với phần đa chiếc đục chạm khắc khác là chiếc đục nằm theo chiều nghiêng, chuyển động của đục gần giống theo kiểu "chiếc bập bênh", dùi đục đánh vào chuôi đục và mũi đục được "chảy" đi.. 

Phải có nhiều loại chàng đục khác nhau để tạo nên những tác phẩm đẹp 

Chàng chảy (bên dưới) đặt cạnh chàng thông thường 

Sự khác biệt trong nét đục giữa chàng chảy và chàng thường 

Chiếc đục mới cải tiến, chỉ cần đục 1 lần thay vì phải đục 2 lần như Chàng Chảy nhưng vẻ đẹp thì không bằng chàng chảy. 

Hoạ tiết trong đình chùa thể hiện rõ sự tinh xảo trong nghề mộc của các nghệ nhân xưa. 



CTV Lê Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét