6 thg 2, 2013

Thành đá nhà Hồ

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành Tây Giai) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, ở phía Tây thành phố Thanh Hóa. Với hơn 600 tuổi, trải bao mưa nắng, biến cố thăng trầm lịch sử, tòa thành đá này trở thành một chứng tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc... đặc biệt của Việt Nam. 

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành Tây Giai) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, ở phía Tây thành phố Thanh Hóa. Với hơn 600 tuổi, trải bao mưa nắng, biến cố thăng trầm lịch sử, tòa thành đá này trở thành một chứng tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc... đặc biệt của Việt Nam. 

Thành nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là Tể tướng - xây dựng vào năm 1397. Tương truyền thành này chỉ xây có ba tháng thì xong.


Ngày xưa, phía bên ngoài tường thành là hào thành với hệ thống kênh, lũy tre bao bọc, mang đậm dấu ấn kiến trúc làng xã của người Việt. Ngày nay nó đã biến đổi thành những cánh đồng cỏ thuận tiện cho việc chăn nuôi.


Cổng thành phía Đông của thành đá giáp với làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc - tỉnh Thanh Hóa). 

Một bài thơ chữ Hán khắc trên cổng thành phía Nam.

Nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc thời nhà Hồ trên con rồng bằng đá.

Mảnh gốm trang trí đất nung dưới triều đại nhà Hồ.

Các viên đạn đá được thiết kế bởi nhà quân sự Hồ Nguyên Trừng dùng để phòng thủ khi có giặc tấn công thành.

Kết cấu của tường thành bên trong là hào đất, bên ngoài đá xếp. Hào đất bên trong sẽ thuận tiện cho việc di chuyển các khối đá khổng lồ để xếp tường thành.

Mỗi khối đá xây tường thành có trọng lượng từ 10 - 20 tấn được xếp đan xen vào nhau. 

Từ bốn cổng chính của thành được người dân địa phương sinh sống xung quanh mở đường theo hình dấu cộng (+) để thuận tiện cho việc đi lại và thông thương.

Đây là một công trình kiến trúc độc đáo. Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, có tấm nặng tới 15 - 20 tấn. Thành có hình gần vuông. Chiều bắc - nam dài 870,5m, chiều đông - tây dài 883,5m. Bốn cổng thành theo chính hướng nam - bắc - tây - đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau. Cổng tiền (phía nam) là cổng chính, có ba cửa; cửa giữa rộng 5,82m, cao 5,75m, hai cửa bên rộng 5,45m, cao 5,35m; ba cổng còn lại chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình từ 5 - 6m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10m. Các nhà khoa học đã ước tính toàn bộ phần tường đá chiếm khoảng 25.000m3. Bên trong thành đá là lớp tường đất ước tính khoảng 80.000m3.

Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông rời đô về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400) sau khi lên ngôi vua thay nhà Trần, Hồ Quý Ly đổi tên nước thành nước Đại Ngu (1400-1407).

Theo sử sách ghi lại thì trong thành có điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, Đông Cung, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng, hồ Dục Thúy ... rất nguy nga, tráng lệ. Đến nay do thời gian và chiến tranh hủy hoại các kiến trúc khác không còn, chỉ còn một phần tường thành và bốn cổng thành.

Theo các nhà nghiên cứu kiến trúc, thành nhà Hồ còn là một kiệt tác kiến trúc của thế kỷ 14, gây ấn tượng bởi cấu trúc vòng thành và các bộ phận hợp thành. Thành nhà Hồ là biểu hiện nổi bật về sự hòa hợp, tiếp thu thành tựu kiến trúc Việt Nam, thể hiện độc đáo sự kết hợp truyền thống xây thành của Việt Nam, Đông Nam Á và Đông Á. Về mặt lịch sử kiến trúc, thành nhà Hồ chiếm vị trí quan trọng trong tiến trình quy hoạch và xây dựng thành thị của Việt Nam. Sự hiện diện của thành nhà Hồ phản ánh sự độc đáo trong kỹ thuật xây dựng thành nói chung, thành bằng đá nói riêng, là sự tiếp nối mang tính đột phá trong truyền thống xây thành lũy của Việt Nam . Đây cũng là tòa thành cổ bằng đá lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Thành nhà Hồ là một di tích văn hóa - lịch sử được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Đây là thành cổ duy nhất được xây dựng bằng đá, gắn với một triều vua tuy ngắn (1400-1407) nhưng đã có những cách tân đáng ghi nhận như cải cách thi cử, mở mang trường học, đề cao chữ Nôm, phát hành giấy bạc.

Ngày nay thành nhà Hồ đã và đang được từng bước trùng tu, tôn tạo nhằm là khôi phục và gìn giữ một công trình kiến trúc độc đáo đã có trên 600 năm tuổi.

Bài: Lê Hữu Tuấn - Ảnh: Thông Thiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét